| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp nông nghiệp và hành trình Net Zero

Giảm phát thải bằng những giải pháp ‘xanh’

Thứ Tư 05/07/2023 , 06:25 (GMT+7)

Trang trại xanh, trồng cây xanh, bao bì ‘xanh’, năng lượng ‘xanh’... là những giải pháp quan trọng của C.P. Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính.

C.P. Việt Nam đang triển khai trồng 1,5 triệu cây xanh trên cả nước. Ảnh: Thanh Sơn.

C.P. Việt Nam đang triển khai trồng 1,5 triệu cây xanh trên cả nước. Ảnh: Thanh Sơn.

Tất cả là trang trại xanh

Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chăn nuôi, từ nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển bền vững của công ty.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, C.P. Việt Nam luôn kiên định với các mục tiêu phát triển hài hòa, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với việc thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và bảo vệ môi trường. Cụ thể, C.P. Việt Nam đã lồng ghép tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào thực tiễn hoạt động cụ thể hóa 3 trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững của công ty: An ninh lương thực; Xã hội tự túc; Cân bằng tự nhiên.

Ông Jirawit Rachatanan, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao C.P. Việt Nam, cho biết, để thực hiện cân bằng tự nhiên, CPV đã xây dựng mô hình “Green farm” (trang trại xanh). Mô hình này không chỉ tạo ra vùng đệm an toàn sinh học, phủ xanh diện tích đất trống mà còn góp phần hình thành một môi trường trong lành, thoải mái cho nhân viên làm việc tại trang trại.

Theo đó, tại các trang trại chăn nuôi của CPV, việc quản lý tài nguyên đất, nước, và vận dụng kinh tế tuần hoàn được chú trọng. Điển hình như việc tái sử dụng nước từ hoạt động chăn nuôi, sử dụng máy phát điện biogas thay thế điện vào các giờ cao điểm.

Ngoài ra, mô hình “Green Farm” tại trang trại giúp bảo vệ môi trường và khí hậu thông qua hoạt động trồng cây phủ xanh diện tích đất trống, tạo môi trường trong lành cho nhân viên, giảm hiệu ứng nhà kính, và tái sử dụng chất thải chăn nuôi (phân, nước thải) một cách hiệu quả.

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các trang trại của CPV đã thành công trong việc xây dựng mô hình “Green Farm”. Sự ra đời của mô hình “Green Farm” khẳng định quyết tâm của CPV trên con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trồng 1,5 triệu cây xanh trên cả nước

Là công ty sản xuất công nông nghiệp thực phẩm, Tập đoàn C.P nhận thức được được vai trò của mình trong việc đóng góp một phần trách nhiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, Tập đoàn C.P đã đặt mục tiêu chung là giảm phát thải khí CO2 xuống mức bằng 0 đến năm 2030.

Tình nguyện viên của C.P. Việt Nam tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: Thanh Sơn.

Tình nguyện viên của C.P. Việt Nam tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo chủ trương của Tập đoàn, trong những năm qua, C.P. Việt Nam đã triển khai các hoạt động trồng cây xanh ở nhiều địa phương và tại các nhà máy, trang trại của công ty. Năm 2018, công ty bắt đầu dự án trồng rừng ở rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM). Sau đó, công ty mở rộng dự án trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Bạc Liêu, phối hợp với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai tổ chức hoạt động trồng và làm giàu hơn 1ha rừng tại xã Mã Đà, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, trong năm 2021, C.P. Việt Nam đã triển khai Dự án “CPV - Hành trình vì Việt Nam xanh” giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu trồng 1,5 triệu cây xanh cho Việt Nam, kinh phí hơn 1 triệu USD.

Dự án bắt đầu từ việc trồng 500 nghìn cây xanh ngay tại các nhà máy, trang trại của công ty. Sau đó lan tỏa trồng 1 triệu cây xanh còn lại ra cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Trong năm 2021, công ty đã trồng 177.000 cây xanh trên 40ha rừng ngập mặn và tặng hơn 31.000 cây phân tán để trồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Tính đến năm 2022, số cây trồng mà C.P. Việt Nam thực hiện đã được hơn 500.000 cây, trên diện tích hơn 700ha, tại các tỉnh Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, Đồng Nai, huyện Cần Giờ (TP.HCM), và tại các trang trại, nhà máy của công ty.

Trong năm nay, C.P. Việt Nam tiếp tục mở rộng dự án trồng cây tại tỉnh Đồng Nai với mục tiêu trồng và chăm sóc 10ha rừng ngập mặn. Tại tỉnh Đồng Tháp, công ty sẽ trồng và chăm sóc gần 116 nghìn cây bần chua tại 107 tuyến bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở trên địa bàn 30 xã thuộc các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thành phố Sa Đéc.

Bao bì xanh, năng lượng xanh

Nhằm thể hiện cam kết hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, từ nhiều năm qua, C.P. Việt Nam cũng đã áp dụng “Chính sách về bao bì bền vững” của Tập đoàn với mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ bao bì thực phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và có thể phân hủy, đồng thời loại bỏ các bao bì nhựa có vấn đề hoặc không cần thiết.

Theo thống kê từ bộ phận thu mua của CPV, đến cuối năm 2020 hoạt động giảm thiểu nhựa trong ngành sản xuất kinh doanh thực phẩm của công ty đã đạt được thành tựu đáng lưu ý là 99,8% bao bì thực phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và có thể phân hủy. Chỉ còn 0,2% bao bì nhựa có hợp chất khó tái chế.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rác thải bao bì, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, C.P. Việt Nam đã và đang áp dụng các thùng lớn vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến các trang trại, thay thế cho bao bì làm từ nhựa. Công ty cũng ứng dụng dùng thùng Q-pass và V-plus có thể tái sử dụng để vận chuyển tôm giống từ các trang trại đến tay người tiêu dùng, thay cho các túi nhựa không phân hủy được.

Trong các nhà máy sản xuất thực phẩm của CPV, không dùng túi ni lông để vận chuyển trong dây chuyền sản xuất mà thay thế bằng rổ nhựa, khay inox có thể làm vệ sinh và tái sử dụng. Tại các cửa hàng như Freshmart, Five star, CPV sử dụng hộp giấy để gói thực phẩm mua mang về; túi vải cho công nhân viên đi mua hàng và tái sử dụng …

Tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái một nhà máy của C.P. Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái một nhà máy của C.P. Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Đồng thời, để giảm phát thải khí nhà kính, C.P. Việt Nam đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên ở các nhà máy, trang trại. Cụ thể là tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh khối (biomass) như vỏ hạt điều, mùn cưa và lõi ngô làm chất đốt cho các lò hơi thay thế than đá.

Tại các trang trại nuôi heo, CPV áp dụng hệ thống khí sinh học (biogas) để chuyển đổi chất thải và nước thải thành khí sinh học, tạo ra nguồn điện phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng ngày. Các nhà máy chế biến thực phẩm sử dụng khí sinh học từ hệ thống xử lý nước thải làm năng lượng tái tạo để thay thế dầu đốt trong lò hơi.

Ngoài ra, một số nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại, nhà máy chế biến thực phẩm của công ty đã lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời để phát điện phục vụ quá trình sản xuất. Các hoạt động sử dụng năng lượng tái tạo của CPV không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà quan trọng hơn hết đó là giảm lượng khí thải các bon ra môi trường, hạn chế hiệu ứng nhà kính của việc tiêu thụ năng lượng truyền thống, đồng thời đẩy mạnh xu hướng dùng năng lượng tái tạo trong cộng đồng.

C.P. Việt Nam áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải trong quá trình sản xuất đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Cụ thể, chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, vật liệu lót sàn chuồng gà, bùn thải từ quá trình xử lý nước, vỏ trứng, chất thải hữu cơ được ủ thành phân bón và được dùng để trồng rau sạch, cung cấp cho cán bộ công nhân viên tại công ty. Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi còn được đưa vào hệ thống Biogas để chuyển hóa thành khí metan giúp tạo ra điện năng sử dụng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.