| Hotline: 0983.970.780

Cùng thuyết phục để duy trì hệ thống thú y

Thứ Sáu 22/04/2022 , 08:53 (GMT+7)

Chúng ta cần tiếp tục cùng nhau thuyết phục từ Trung ương xuống đến địa phương để duy trì hệ thống thú y. Đó là việc làm rất cần thiết dù không hề dễ dàng.

Ông Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Việt Dũng.

Ông Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Việt Dũng.

LTS:

Tại hội nghị về công tác thú y ngày 20/4, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chia sẻ những trăn trở khi hệ thống thú y ở nhiều địa phương bị đứt gãy. Đây cũng là vấn đề Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh trong loạt bài "Thú y cơ sở rối như tơ vò". 

Nông nghiệp là ngành được xã hội tôn vinh là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Nhưng nếu suy ngẫm, đôi lúc chúng ta thấy bệ đỡ ấy cũng chung chiêng. Có 3 yếu tố khiến ngành nông nghiệp chung chiêng trong ngắn hạn, đó là thiên tai; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và những chao đảo trên thị trường.

Suốt 20 năm vừa qua, chúng ta đã trải qua những “trận chiến đấu” rất dữ dội trong lĩnh vực thú y. Năm 2003 - 2005 là đại dịch cúm gia cầm, sau đó là dịch tai xanh, lở mồm long móng, dịch bệnh viêm gan tuỵ trên tôm và gần đây nhất là dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên gia súc nhai lại…

Trong hai thập niên qua, bình quân 4 năm lại xảy ra một đại dịch lớn trên vật nuôi. Và những chuyên gia đầu ngành cảnh báo, trong tương lai chắc chắn sẽ có những đại dịch mới xảy ra, chỉ là chúng ta chưa biết nó xảy đến khi nào và đó là dịch bệnh gì.

Dịch bệnh còn có thể lan truyền từ động vật hoang dã. Bởi vậy, trách nhiệm của ngành thú y không phải chỉ là kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, kiểm định thuốc mà còn là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Còn nhớ khi những ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên xảy ra ở nước ta, GS.TS Đậu Ngọc Hào gặp tôi và nói: “Chúng tôi chưa biết đó là bệnh gì. Chúng tôi mổ khám nghiệm gà chết thì thấy gan, ruột của nó bị viêm hết”. Khi ấy, chẳng ai đề phòng và mặc trang phục bảo hộ. Sau đó có thông tin, nếu nhiễm virus gây bệnh cúm gia cầm thì có tới 70% trường hợp tử vong. Do vậy, vai trò của của hệ thống thú y là vô cùng quan trọng.

Ngày 1/1/2011, ông Cao Đức Phát đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Minh Phúc.

Ngày 1/1/2011, ông Cao Đức Phát đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Minh Phúc.

Trong suốt nhiều năm, chúng tôi cùng Cục Thú y đi từng địa phương, thậm chí có lúc đến tận huyện để thuyết phục xây dựng đội ngũ cán bộ thú y đến từng xã, thậm chí đến từng thôn. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã ra Nghị quyết để có căn cứ phân bổ ngân sách hỗ trợ mỗi xã một cán bộ thú y thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình dịch bệnh và tham mưu về công tác thú y cho các cấp chính quyền. Nhưng rất tiếc bây giờ, khi tôi hỏi lại thì hệ thống đó đã bị biến mất.

Thú y là một chuyên ngành kỹ thuật, nên khi chống dịch trên động vật cũng giống như chống dịch trong nhân y, phải dựa vào khoa học. Và, cán bộ chính là điểm tựa về khoa học kỹ thuật. Nên chúng ta cần tiếp tục cùng nhau thuyết phục từ trung ương xuống đến địa phương để duy trì hệ thống thú y. Đó là việc làm rất cần thiết dù không hề dễ dàng.

Cũng trong suốt 20 năm qua, chúng ta cứ tranh luận với nhau có nên sáp nhập Cục Thú y với Cục Chăn nuôi; Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật hay không? Đồng thời, chúng ta có nên nhập Viện Thú y với Viện Chăn nuôi không?

Sau khi được các chuyên gia giảng giải, ở cương vị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khi ấy, tôi đã ngộ ra rằng mình còn hiểu sơ sài nội hàm của vấn đề này. Bởi trước đó, tôi nghĩ rằng thú y hay chăn nuôi đều liên quan đến con lợn, con bò... Thế sao không nhập hai cơ quan làm một để cùng lo cho một đối tượng?

Nhưng không phải như vậy. Cục Thú y, Cục Chăn nuôi có những đối tượng nghiên cứu và quản lý khác nhau, theo những quy luật hoàn toàn khác nhau. Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi quản lý và nghiên cứu các nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng, giảm chi phí sản xuất. Còn Cục Thú y, Viện Thú y lại quản lý và nghiên cứu về vi khuẩn, virus và những tác nhân gây ra bệnh. Giữa con lợn và con virus là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau.

Ông Cao Đức Phát cho biết, trong hai thập niên vừa qua, bình quân 4 năm lại xảy ra một đại dịch lớn trên vật nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Cao Đức Phát cho biết, trong hai thập niên vừa qua, bình quân 4 năm lại xảy ra một đại dịch lớn trên vật nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Chính vì sự khác biệt trong quy luật sinh ra và lây lan của virus, vi khuẩn, nên phải có hệ thống phòng, chống đặc thù. Chính bởi vậy chúng ta có cả Luật Chăn nuôi và Luật Thú y chứ không hoà các quy định của hai lĩnh vực này làm một được. Tương tự như vậy, chúng ta có hai luật là Luật Trồng trọt và Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Mỗi cơ quan nhà nước sinh ra là để thực thi một đạo luật, đó là lý do để Cục Thú y và Cục Bảo vệ thực vật cùng song hành và hoạt động độc lập trong tổ chức bộ máy của Bộ NN-PTNT. Và mỗi một Luật được coi là “linh hồn”, là sức mạnh, là trách nhiệm của một tổ chức đó.

Tôi không có ý coi nhẹ vai trò, vị trí của các chuyên ngành như lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn, thậm chí tôi rất trân trọng và đề cao. Nhưng bộ máy của ngành nông nghiệp không thể thiếu những tổ chức, đơn vị quản lý về chăn nuôi, thú y, thủy sản và trồng trọt.

Phải làm sao cho những tổ chức về chăn nuôi, trồng trọt… thật mạnh, dựa trên một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh. Khi ấy chúng ta mới có một hệ thống vững mạnh, để ngành nông nghiệp mãi là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Do đó, tôi rất mong ngành thú y sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống ngày càng vững mạnh hơn.

(ghi)

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.