| Hotline: 0983.970.780

Cuộc tìm kiếm những cô dâu Việt bị bắt cóc sang Trung Quốc

Thứ Ba 19/09/2017 , 20:57 (GMT+7)

Những người mẹ H'mong có con bị lừa bán sang Trung Quốc phải bán nhà cửa, lần theo mọi dấu vết để tìm con về, tờ Guardian đã làm một phóng sự về họ.

cuoc-tim-kiem-nhung-co-dau-viet-bi-bat-coc-sang-trung-quoc
Sapa, thị trấn du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Guardian.

Một ngày sáng sớm cuối tháng 4, bà Phượng thức dậy, thấy điện thoại có hơn 100 cuộc gọi nhỡ từ Lý, con gái lớn.

"Mẹ", Lý hét lên trong điện thoại khi bà Phượng gọi lại. "Mẹ đang ở đâu? Con Cẩm mất tích rồi", giọng Lý đầy hoảng loạn khi không thấy em gái. "Nó gọi con, bảo là đang ở biên giới và bị lừa bán rồi!"

Bà Phượng lập tức hiểu chuyện gì đã xảy ra. Gia đình bà sống ở Sapa, vùng nông thôn nghèo ở tây bắc Việt Nam. Nơi đây, nhiều cô gái đã biến mất giống như Cẩm. Họ bị lừa bán sang Trung Quốc, bị ép lao động và làm nô lệ tình dục, theo Guardian.

Muốn cứu con, bà Phượng phải nhanh chóng hành động. Cô bé Cẩm 16 tuổi có lẽ đang trên xe hơi tiến về một vùng nông thôn Trung Quốc. Ở đó, những kẻ "mua" Cẩm sẽ giới thiệu cho cô bé những nhiệm vụ mới: làm người lao động, giúp việc, làm vợ, làm mẹ, thậm chí là làm đồ chơi tình dục cho nhiều người đàn ông trong cùng một nhà.

Một ngày trước khi Cẩm mất tích, bà Phượng vẫn ngồi uống trà cùng con gái. Bà nhớ Cẩm đã mượn điện thoại của mình nhắn tin cho ai đó trên Facebook. Cô bé nói có một người bạn sẽ tới đón mình đi chơi và sẽ chở cô về làng. Bà Phượng nhấn vào biểu tượng Facebook màu xanh trên điện thoại. Gương mặt một chàng trai trẻ hiện ra, chính là người đã đi xe máy tới đón Cẩm.

Bà chạy tới một tiệm in ở đầu đường, in hàng loạt ảnh của hắn ra, nhảy lên xe máy phóng đi tìm một mình.

Cẩm sinh năm 2000, là con thứ ba trong số 7 anh chị em trong một gia đình thiểu số người Mông Đen ở Sapa. Bố làm ruộng, mẹ nhuộm và thêu váy, quần áo, dây lưng thổ cẩm. Chị em Cẩm chăm sóc nhau khi người lớn ra đồng hoặc đi bán quần áo ở chợ địa phương.

Cẩm lúc nào cũng nổi bật. 12 tuổi, cô bé đã tự học tiếng Anh đủ để giao tiếp với khách du lịch đi qua nhà ngắm ruộng lúa, trâu bò. 14 tuổi, Cẩm bỏ học để giúp đỡ gia đình, làm việc trong một khách sạn ở Sapa. 15 tuổi, cô bé lần đầu biết đến Facebook, hay lên mạng để trò chuyện với bạn bè và tán tỉnh với bọn con trai. Mẹ của Cẩm lấy chồng năm 16 tuổi, 37 tuổi đã sinh được 7 đứa con, mù chữ, chồng nghiện rượu. Cô bé không muốn đời mình như thế.

Cẩm gặp Long trên Facebook một ngày sau khi anh ta nhắn tin cho cô. Cô bé có gần 5.000 bạn trên mạng xã hội, thường xuyên nói chuyện với bọn con trai. Chúng thường gửi lời mời kết bạn cho Cẩm, hỏi trường em học, hay hỏi lời khuyên cho khách tới thăm Sapa. Với Cẩm, Facebook giống một trang web hẹn hò trực tuyến, đa số trò chuyện với cô bé đều là người dân tộc H'mong. Mạng xã hội cho phép mọi người xích lại gần nhau, cho dù họ sinh sống ở những bản làng xa xôi hẻo lánh.

Người H'mong là nhóm dân tộc thiểu số lớn sống ở vùng xuyên biên giới, chủ yếu tại vùng núi trải dài từ Trung Quốc qua Việt Nam, Lào và Thái Lan. Họ có bản sắc riêng, luôn tuân theo những truyền thống nghiêm ngặt lâu đời về hôn nhân. Tuy nhiên, trên Facebook, Cẩm và bạn bè luôn tự do trò chuyện và tán tỉnh.

Long khác với những chàng trai hay trò chuyện với Cẩm trên mạng. Hai người có thể ngồi nhắn tin cho nhau cả buổi chiều. Sau 5 tháng, họ cuối cùng cũng hẹn gặp mặt vào sinh nhật 16 tuổi của Cẩm. Họ gặp lại lần nữa vài tuần sau Tết. Cuối cùng, Long đột ngột cắt đứt liên lạc.

Ít lâu sau, khi Cẩm đang ngồi trong nhà bà ngoại cùng mẹ, cô bé đăng nhập vào Facebook xem Long có nhắn tin không thì phát hiện Bình, em trai Long gửi lời mời kết bạn và hỏi Cẩm có ở Sapa không.

"Tôi sắp đến đấy mà không biết đường sá, bạn có rảnh không, chúng ta gặp nhau nhé?" tin nhắn viết. Hai người chưa từng gặp mặt, nhưng Cẩm vẫn thu xếp hẹn gặp Bình tới đón cô.

Cậu ta đi cùng một người bạn, họ cùng đi tới đón bạn thân của Cẩm. 4 người đi uống bia. Bình và cậu kia gọi đồ uống trong lúc Cẩm và bạn đi vệ sinh. Vài phút sau, hai cô bé quay lại, tán gẫu với hai chàng trai. Tất cả những gì Cẩm nhớ được là cô bị hai người kẹp giữa xe máy, đầu óc quay cuồng, không mở nổi mắt.

Khi xe xóc lên lúc đi vào con đường đất trong rừng, Cẩm tỉnh lại. Đập vào mắt em là bảng chỉ đường tiếng Trung Quốc, xe dừng lại. Hoảng sợ, Cẩm vội thò tay vào túi áo lấy điện thoại, nhấn nút và hét lên báo cho chị biết mình bị buôn sang biên giới Trung Quốc. Một người đàn ông lớn tuổi xuất hiện, giật lấy điện thoại, kề dao vào cổ Cẩm đe dọa.

"Mày sang Trung Quốc rồi, không về được nhà nữa đâu", hắn hừ giọng. "Hy vọng là mày đã sẵn sàng đi lấy chồng".

Một người mẹ khóc tại chợ Bắc Hà hồi tháng 6 khi kể về con gái mất tích một năm tại khu chợ. Ảnh: Guardian.

Nạn buôn người có từ lâu ở Sapa, nơi có địa hình đồi núi quanh co, nhiều rừng rậm và sông suối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi sang biên giới. Đàn ông hay vượt biên sang Trung Quốc kiếm tiền, buôn bán hàng hóa, hoặc đi làm thợ mỏ. Phụ nữ thường bị bắt cóc. Họ có thể bị bắt ở chợ trời, bị bắt ở ven đường, thậm chí bị hàng xóm hoặc họ hàng lừa bắt.

Trẻ gái được coi là mặt hàng giá trị cao ở khu vực này, nguyên nhân do chính sách một con kéo dài hàng chục năm, bắt đầu từ năm 1979 ở Trung Quốc. Tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến nhiều gia đình phá thai theo giới tính, gây mất cân bằng giới nghiêm trọng. Ước tính tới năm 2020, khoảng 30 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc không tìm được vợ ở trong nước.

Tại những khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa, nhiều đàn ông Trung Quốc "mua vợ" từ nước ngoài với giá có thể lên tới hơn 12.000 USD. Tính riêng năm 2012, đã có hơn 1.280 phụ nữ và trẻ gái nước ngoài được giải cứu và hồi hương về Việt Nam, Lào và Myanmar.

Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã giải cứu 207 phụ nữ và một trẻ em Việt Nam, phá đường dây buôn người xuyên biên giới. Tới nay, các nhà chức trách vẫn đau đầu với nạn buôn bán cô dâu sang biên giới. Lào Cai là một tỉnh biên giới với Vân Nam, Trung Quốc, là một trong những vùng nghèo nhất và đa sắc tộc nhất ở Việt Nam. Đây là nơi cư ngụ của người dân tộc H'mong, Dao và Tày, cũng là nơi du lịch nổi tiếng với khách ba lô. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ở đây chỉ bằng một nửa mức trung bình toàn quốc, trình độ học vấn thấp, việc làm khan hiếm. Sapa là một thị trấn nhỏ đầy những quán bar phục vụ khách du lịch. Trên phố là những đứa trẻ H'mong mặc váy truyền thống bày bán đồ thủ công, trên lưng cõng gùi, bên trong là em bé mới sinh.

Buôn bán người là cách kiếm tiền dễ nhất.

"Nạn buôn người ở đây có nhiều yếu tố thuận lợi như dân trí thấp, nghèo đói, dậy thì sớm", ông Nguyễn Tường Long, chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai cho biết. Đơn vị được giao nhiệm vụ phòng chống nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân.

"Những người có nguy cơ cao nhất là các bé gái dân tộc thiểu số có truyền thống kết hôn từ tuổi 13 tới 17, cái tuổi bắt đầu biết mơ mộng tới người khác phái", ông Long nói.

Những kẻ buôn người không chỉ nhắm mục tiêu vào các thiếu nữ, mà còn tới các chàng trai để họ giúp dụ dỗ các cô gái qua biên giới.

"Bản thân họ không cho rằng mình là kẻ buôn người", ông Long nhận xét. "Họ chỉ nghĩ về số tiền nhận được khi đưa được một cô gái tới biên giới. Tôi từng hỏi nhiều cậu bé sao lại làm điều này, họ nói rằng: 'Tôi làm vì muốn kiếm tiền mua iPhone'".

Sự ra đời của điện thoại di động giá rẻ khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ kết nối Internet cao nhất thế giới. Hơn một nửa trong số 95 triệu dân có sử dụng Internet. Facebook cùng với Youtube là những nền tảng được sử dụng nhiều nhất.

Đối với những thanh thiếu niên như Cẩm, Facebook đã giúp họ giải thoát khỏi những hạn chế văn hóa truyền thống, nhưng cũng sinh ra hiệu ứng "người yêu hờ". Họ biết tới thế giới rộng lớn ngoài ngôi làng nhỏ bé và được tự do nói chuyện yêu đương. Tuy nhiên, tự do đó chỉ là ảo, những lời hứa hẹn kết hôn của các anh bạn trai trực tuyến chỉ là cái bẫy dẫn tới thế giới nô lệ tình dục.

Theo ông Long, không có số liệu chính thức về số lượng các bé gái bị mất tích hoặc được giải cứu. Ngân sách ít, địa hình biên giới phức tạp, việc giải cứu chủ yếu dựa vào sự hợp tác với chính quyền Trung Quốc. Hồi tháng 6, 18 thiếu nữ Việt đã được đưa trở lại Lào Cai. Trung bình một năm có khoảng 100 người được giải cứu. Tuy nhiên, ông Long cho biết nhiều vụ việc không được lập hồ sơ.
 

Tìm con

Nhiều người mẹ đã trở thành thám tử bất đắc dĩ, lần theo những dấu vết cuối cùng của con gái, kết hợp với lời khai của nhân chứng, bán đi trang sức, tài sản để tiếp tục đi tìm con.

Vào 8h sáng một ngày chủ nhật của tháng 6, tại chợ vùng cao Bắc Hà, bà Sương, 43 tuổi, một trong những bà mẹ thám tử, đứng trên sân khấu tuyên truyền về nạn buôn người. Con gái bà Sương là Thiên từng bị bán qua biên giới cách đây hai năm. Bà mất 6 tháng đi tìm lại con. Mục tiêu của bà Sương là giúp đỡ những gia đình khác ngăn ngừa nỗi đau này.

"Có bao nhiêu người ở đây đã mất con gái, mất chị em gái, mất hàng xóm?" bà vừa khóc vừa nói. Mỗi tuần một lần, bà có mặt tại buổi vận động do tổ chức phi chính phủ chống buôn người Vòng tay Thái bình của Mỹ và chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai hỗ trợ. Giọng của bà Sương thu hút người đi đường.

"Chúng ta phải bảo vệ trẻ gái. Tôi chẳng biết gì về điều này cho tới khi mất con. Tôi không biết cách bảo vệ an toàn cho con. Đứng để con gái ngoài tầm mắt! Hãy cảnh giác với những người mà các con đang nói chuyện, đang gặp gỡ".

Một đám đông vây quanh bà Sương chia sẻ chuyện của mình. Họ đều từng mất em gái, họ hàng, hàng xóm hoặc con gái.

"Con gái của hàng xóm nhà tôi biến mất một tháng trước", một người đàn ông ngoại tứ tuần nói, lấy tờ rơi trong tay bà Sương. "Con bé không để lại lời nhắn nào. Tôi muốn đọc những thông tin này để hiểu biết về những chuyện đang diễn ra".

"Ở làng tôi, nhiều bé gái đã biến mất nhưng không ai biết chuyện gì đã xảy ra với chúng. Con gái tôi cũng bị lừa năm ngoái. Bạn trai hờ bán nó sang Trung Quốc, hiện nó vẫn mắc kẹt bên đó. Nó thậm chí đã đẻ một bé gái", một người mẹ có 5 con kể lại.

"Chị gái cháu bị bạn trai hờ bắt đi", một cô gái chen lời. "Chị ấy mới 16 tuổi, quen anh ta trên Facebook, anh ta hứa sẽ lấy chị ấy. Chị ấy bị bán trao tay nhiều người ở Trung Quốc. Ông chồng bây giờ là người mua cuối cùng. Họ đã có một con gai 5 tuổi. Giờ chị ấy chỉ biết cam chịu".

Một phụ nữ Mông Hoa nhỏ nhắn, trạc 43 tuổi, mặc áo thổ cẩm đính cườm đến gần khẽ nói: "Ngày 24/6 đánh dấu một năm con gái tôi biến mất. Con bé đến chợ này và không bao giờ quay về nhà nữa".

"Tôi lúc nào cũng nghĩ về nó. Tôi lo nó chết rồi, tôi rất đau khổ, chỉ muốn chết thôi", bà bắt đầu nức nở.

"Con bé làm gì trước khi biến mất? Có phải có bạn trai không?", bà Sương hỏi.

"Con bé rất đẹp. Bọn con trai đứa nào cũng thích nó, nhưng nó rất khờ khạo, người phụ nữ trả lời. "Nó suốt ngày dùng điện thoại. Chủ nhật hôm đó, nó cười khi đọc tin nhắn, bảo: 'Bạn trai con nói là muốn lấy con'. Tôi còn không biết là nó có bạn trai. Cậu ta nói muốn giới thiệu con bé với bố mẹ".

"Con bé có dùng Facebook nhắn tin cho cậu ta không?" bà Sương hỏi tiếp.

"Tôi không rõ", người mẹ nói, hai tay siết chặt lại. "Facebook là cái gì?"

"Chúng tôi phải hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để lấp đầy khoảng trống bởi không đủ tiền thực hiện các biện pháp phòng chống, giáo dục và hỗ trợ nạn nhân", ông Long nói, cho biết cơ quan chỉ được cấp ngân sách 10.000 USD một năm.

"Tôi đã làm công việc này 20 năm nay. Đây là trò chơi mèo vờn chuột: luật pháp chống buôn người ngày một chặt chẽ hơn nhưng những kẻ buôn người cũng ngày một thông minh và tinh vi hơn. Chúng có thể lợi dụng bạn bè để lừa các thiếu nữ tới biên giới, hứa hẹn mua giày dép, quần áo đẹp hay điện thoại mới. Chẳng có lý do gì để không đi cùng bạn sang biên giới cả".
 

Bạn thân

Thiên, con gái 15 tuổi của bà Sương, bị người bạn thân nhất cùng làng lừa bán sang Trung Quốc hai năm trước. Mẹ của họ thân nhau tới nỗi con cái gọi nhau bằng "dì". Thế nhưng vào một buổi sáng sớm, người bạn đó đã dụ dỗ Thiên lén đi sang thành phố Lào Cai mua quần áo rẻ tiền. Thành phố cách làng một giờ đi bộ, Thiên chưa từng ra khỏi làng.

Kế hoạch dụ dỗ dường như cả gia đình người bạn thân lập ra. Thiên bị trói đưa qua sông sang Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của bố, chị gái và anh trai người bạn. Cô bé bị bán cho một cặp vợ chồng người H'mong Trung Quốc với giá 11.300 USD. Thiên vừa phải lao động, vừa phải làm vợ con trai họ, một người đàn ông 30 tuổi mắc chứng khó đọc.

5 tháng tiếp theo là địa ngục với Thiên. Cô bé bị bỏ đói, bị đánh đập, bị lạm dụng, buộc phải đi đào mỏ đá và bị trừng phạt nếu nhỡ ngủ quên lúc làm việc. Mẹ và các nhà chức trách Việt Nam đã giúp Thiên trốn thoát. Đây là một phép lạ, vì Thiên bị đưa tới tận tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Cuối cùng, Thiên phát hiện gia đình người bạn đã bán cô cho một tay môi giới Trung Quốc với giá 1,2 triệu đồng (52 USD), đủ để mua một số máy nông nghiệp.

Hai năm qua đi, cuộc sống của Thiên vẫn còn đầy thử thách. Thủ phạm, những người sống cách đường vài mét, vẫn thường đưa tiền cho Thiên để mong cô đừng kiện họ. Mặc dù lời đề nghị bồi thường của họ có thể coi như lời nhận tội, nhưng cảnh sát vẫn không thể tìm thấy thủ phạm chính của vụ án, cô con cả trong gia đình, người đã mất tích sau khi Thiên bị đưa sang Trung Quốc. Vì thế, không ai trong gia đình này bị bắt.

Thiên vẫn là một học sinh nổi trội sau biến cố trên, nhưng cô bé thường xuyên bị bạn học bắt nạt, một trong số đó còn từng là bạn thân. Những nạn nhân như Thiên bị kỳ thị khiến nhiều người muốn rời đi nơi khác sinh sống. Một số cô gái chọn cách làm việc tại những ngôi nhà của tổ chức Vòng tay Thái Bình ở Lào Cai, nơi họ được học những kỹ năng sống cơ bản và học trung học cùng nhau.

Tuy nhiên, Thiên kiên quyết ở lại ngôi làng nơi mình đã sinh ra.

"Bị bán đi để nhà họ có tiền mua máy nông nghiệp khiến tôi cảm giác mình chẳng khác nào con trâu", cô bé nói. "Tôi là người thông minh, tôi sẽ tiếp tục học tập và sẽ dốc sức học".

Thiên muốn thành nhà báo. Mẹ cô, người đã bán đất để xây một trung tâm hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Sapa, rất tự hào về con gái. Vì không đòi được công lý, gia đình Thiên có cách khác để thể hiện sự tức giận. Bà Sương liên tục nói về nạn buôn người tại các trường học ở Sapa qua vở kịch về chuyện của con gái. Trong đó, bà đóng vai người bạn của Thiên, chồng bà đóng vai kẻ buôn người, còn Thiên, cô bé chỉ việc diễn vai chính mình.

"Phụ nữ trong văn hóa H'mong thường không có tính cách mạnh mẽ hay độc lập", bà Sương nói về lịch trình bận bịu của mình. "Tôi nhìn con gái và thấy rất tự hào. Con bé rất dũng cảm".

Bà Sương nói về nạn buôn người tại chợ Bắc Hà. Ảnh: Guardian.

Giáo dục được coi là lối thoát duy nhất cho những cô gái bị cho là "bôi đen danh dự" gia đình khi trở thành nạn nhân của bọn buôn người, bà Mimi Vũ, giám đốc tuyên truyền và quan hệ đối tác của Vòng tay Thái Bình nhận định. "Những cô gái trở về từ Trung Quốc có rất ít lựa chọn trong xã hội này. Khoảng 60% số kẻ buôn người bị bắt ở Việt Nam từng là nạn nhân của bọn buôn người". Nếu được học hành, họ có cơ hội kiếm tiền và sống sung túc hơn.

5 ngày sau khi mất tích, Cẩm được mẹ cứu ở biên giới Trung Quốc. Cầm theo hình ảnh của Long, bà Phượng tìm thấy nhà cậu ta, cầu xin bố Long giúp đỡ. Dù phủ nhận con trai có liên quan, nhưng ông sớm phát hiện Long và Bình đều đã trốn sang biên giới. Ông giúp bà Phượng lần theo dấu vết cuối cùng trước khi hai con trai biến mất. Trong khi đó, Cẩm sắp bị bán cho một cặp vợ chồng người H'mong ở một khách sạn nhìn ra sông, nơi cô bé nhận ra con sông là biên giới Việt Nam, phía xa là các tòa nhà ở Lào Cai.

La hét muốn về nhà, Cẩm bất ngờ được một cặp vợ chồng Trung Quốc - Việt Nam bảo vệ. Họ đưa cô di động để gọi về nhà, giúp bà Phượng thu xếp một con thuyền để giải cứu con gái vào sáng hôm sau.

"Người phụ nữ đó rất tốt bụng", Cẩm nhớ lại. "Bà ấy cũng là người H'mong, từng bị bán sang Trung Quốc, vì thế bà ấy rất thông cảm cho hoàn cảnh của tôi".

"Tôi quay lại trường học, đang học làm hướng dẫn viên du lịch. Nếu tôi không bị lừa, có lẽ điều này chẳng bao giờ xảy ra", Cẩm nói, trong tay cầm di động, đăng nhập vào Facebook. Ngồi cạnh mẹ, Cẩm ăn mặc như một thiếu nữ hiện đại, với quần jean bó, áo phông ngắn tay màu trắng, son môi đỏ.

Cuối tháng 6, một năm sau khi quay về nhà, Cẩm nhận được thông báo từ văn phòng công tố Lào Cai, cho biết ba người đàn ông liên quan tới vụ bắt cóc sẽ bị buộc tội. Cô tới dự phiên tòa kết án, người cầm đầu mới được ra tù vì tội buôn người một năm trước. Ba người này bị tuyên án từ 12 tới 25 năm tù. Bình, cậu trai đã lừa cô, không nằm trong số đó.

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy mối quan hệ với Long sẽ dẫn tới hôn nhân, nhưng tôi thích cảm giác có người để yêu thương", Cẩm nói. "Nghĩ lại, tôi cho rằng 'bạn trai' chỉ muốn lôi kéo những cô gái như tôi trên Facebook để em trai lừa qua biên giới".

"Tôi thấy yên tâm hơn khi biết được thủ phạm bị kết án. Không chỉ có tôi và bạn tôi bị lừa, nhiều người khác đã bị họ bán đi", Cẩm nói. "Tuy nhiên, tôi sợ bị Bình trả thù. Tôi muốn báo công an để họ bắt anh ta, để tôi được yên tâm sống cuộc đời bình thường".

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.