Thức tỉnh trước cửa tử
Là con gái của Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn nhưng chị lại ngoại đạo về nông nghiệp. Sự chuyển hướng chỉ bắt đầu bằng việc mắc ung thư năm 49 tuổi, chưa kịp chữa thì đã di căn, ai cũng tưởng chị sẽ không qua khỏi bởi thêm nhiễm trùng, từ nặng hơn 50 kg chỉ còn hơn 30 kg. Tình cờ nhờ bài thuốc Nam của một lương y (hiện đã mất) mà thoát chết, từ đó chị mới thấy thuốc Nam là quý, thấy thực phẩm sạch là gốc rễ.
Hồi ấy, Viện Lý Sinh Y của Nhật có đề nghị với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chỗ chị đang làm lập chương trình an toàn hóa chất bảo vệ thực vật: “Tôi làm tư vấn cho họ lấy tiền rồi lập ra cơ sở dữ liệu về an toàn hóa chất và bảo vệ thực vật trên cơ sở điều tra, phân tích, tổng hợp dữ liệu rất công phu trong 2 năm nhưng tiếc là giới thiệu cho cơ quan chuyên môn hồi đó nhưng không được áp dụng. Một hoạt chất có biết bao nhiêu tên thuốc, nông dân không biết đâu mà lần nếu không có cơ sở dữ liệu để tra cứu?
Tôi muốn làm mô hình quản lý và quảng bá rau an toàn bởi đó là đối tượng sử dụng nhiều thuốc nhất. Cách mà người ta đang làm hồ sơ xuất xứ hiện nay không đến nơi đến chốn vì không ghi chép thường xuyên được quá trình canh tác như bón phân gì, phun thuốc gì, mùa vụ nào, sâu bệnh ra sao…Vào những năm 2000 tuy không phải dân nông nghiệp nhưng tôi vẫn đi các hội chợ nông nghiệp, gặp các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương để giới thiệu về mô hình và rất ngây thơ là nghĩ họ sẽ bỏ tiền ra cho mình làm. Nhưng chẳng ai để ý cả.
Cho đến một lần, tôi gặp được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, ông bảo đang cho vùng rau Phước Hải mấy cái máy tính để tính chuyện quản lý nhưng cũng loay hoay không biết cách làm thế nào. Nghe tôi trình bày, ông liền mời vào giúp. Đó là năm 2005”.
Bắt đầu bằng một đề tài nhưng sau đó chị tự bỏ tiền túi ra để giúp thành lập HTX rau an toàn sản xuất theo đầy đủ quy trình. Lăn lộn ở đó mấy năm, dù làm thật, mô hình được nhiều khách đến thăm, được Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen nhưng đầu ra vẫn khó khăn vì giá cao. Chị từng đi nhiều siêu thị để chào hàng nhưng ban đầu họ chỉ lấy thương hiệu còn sau đó đẩy rau khác vào. Đó là sự câu kết của ba bên: kế toán, người mua hàng và lãnh đạo. HTX giải thể, tài sản cũng chẳng đòi lại được, chị mất cỡ 500-600 triệu-số tiền rất lớn hồi ấy. Xong chuyện thì chị về hưu, tính việc tự làm rau an toàn nhưng không phải kiểu hóa chất mà sang hẳn hữu cơ.
Tan giấc mơ Ba Vì
Khi nghiên cứu về vùng Ba Vì, TP Hà Nội, điều thuận lợi là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam có 24 viện thành viên nên chị thường mời các đồng nghiệp là chuyên gia địa lý đi cùng. Chị hỏi họ tại sao một vùng nhỏ như thế mà cây cối lại tốt tươi, hàng ngàn năm xưa khi biển lùi người Việt cổ đã mang hạt lúa xuống gieo theo triền sông, triền suối.
Năm 1836 nhà thực vật học Balansa của Pháp khi vào Việt Nam nghiên cứu về cây thuốc đã lên rừng Ba Vì đầu tiên và năm 1940 một điền chủ Pháp cũng đưa con bò sữa đầu tiên lên đây. Tiếp đến là thời chúng ta đưa các giống gà, đà điểu, dê, cừu, thỏ... Các nhà địa lý trả lời 3 đỉnh núi Ba Vì là 3 tháp bắt năng lượng của vũ trụ, sát chân núi Ba Vì là dòng sông Đà nước hãy còn sạch.
Từ đó chị có ý tưởng xây dựng vùng sản xuất và cung cấp thực phẩm tập trung, gốc thiên nhiên của 5 huyện xung quanh chân núi Ba Vì và cùng các nhà khoa học tiến hành điều tra thực địa, xây dựng các bản đồ tài nguyên…
Vì muốn bảo vệ một số di sản của Ba Vì nên năm 2009 chị mua 1 ha đất để trồng rau hữu cơ. Khi đọc các tài liệu về du lịch nông nghiệp của thế giới chị thích lắm: “Trong quá trình nghiên cứu vùng Ba Vì tôi đã tìm ra được nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch nông nghiệp đó là các làng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Do tính liên kết hợp tác để tạo ra một cộng đồng nông hộ cùng làm ra sản phẩm du lịch nông nghiệp ngay tại quê họ nên rất cần một trung tâm điều hành để cung cấp thông tin cho du khách và tập huấn các kỹ năng về dịch vụ cho các nông hộ.
Trang trại Đồng Quê của tôi vừa là cơ sở đón khách, vừa là trung tâm điều hành. Mặt khác ngay cả khi có vốn đầu tư tôi vẫn muốn liên kết với các làng, các trang trại xung quanh bởi du lịch nông nghiệp mang 3 tính chất: Thứ nhất là cộng đồng, dù là nhà đầu tư cũng không thể “bắt nạt” dân được vì họ sẽ không cho vào; Thứ hai là bình đẳng về lợi ích kinh tế; Thứ ba là bền vững vì người dân đóng góp kiến thức cho mình, cánh đồng, trang trại là của họ, mình không phải quản lý.
Chúng tôi có 10 nhân viên, đều là nông dân. Không thể đưa người thành phố về làm du lịch nông nghiệp trải nghiệm như cấy lúa, bắt cá, trồng rau tốt như nhân viên của tôi được. Chỉ cần đào tạo tại chỗ, tăng thêm kỹ năng về du lịch, còn hàng ngày họ vẫn đang sống với nông nghiệp, với văn hóa của mình. Tôi thuê 1 chuyên gia Úc đến ở trong trang trại 3 tháng để viết bài giảng riêng cho nông dân làm du lịch, cũng là buồng, là bàn, là hướng dẫn viên, là lễ tân nhưng cách đào tạo phải khác. Chuyên gia dạy cho họ cách làm việc nhóm, phối hợp với nhau. Đầu bếp của tôi có thể khi cần vẫn lái xe công nông, vẫn làm phân bón, vẫn đi trồng rau.
Khách hàng của trang trại là học sinh. Có 6 chủ đề như thiên nhiên đa dạng thì để cho chúng đi vào rừng thấy tầng mùn là kho giữ nước, tạo ra các thác, suối thế nào, rồi nước chảy ra sông Đà ra sao. Chủ đề thuốc Nam gắn với các làng thuốc Nam có tiếng ở Ba Vì. Chủ đề làng cổ Đường Lâm. Chủ đề các vật nuôi như dê, bò, thỏ, đà điểu, ong…
Chủ đề văn minh lúa nước, cho học sinh thấy các nông cụ cổ để biết quá trình làm ra hạt gạo, cho đi cấy, úp cá rồi nướng rơm. Có những trường lớn như Unis học phí cả tỉ đồng/năm, chủ yếu là con cán bộ của các tổ chức quốc tế hay người Việt giàu đã chọn đồng hành với trang trại Đồng Quê suốt bao năm bởi vì trước đó tôi đã đến gặp lãnh đạo trường nói rằng: “Vì các anh đào tạo ra công dân toàn cầu thì phải biết về văn hóa của xứ sở tại. Việt Nam là nước nông nghiệp nên chúng tôi đưa thông điệp rằng đừng nhìn nông nghiệp là lạc hậu, là bẩn mà người xưa đã biết sử dụng rất thông minh các nguyên liệu của thiên nhiên, sức mạnh của thiên nhiên để làm ra thực phẩm thế nào”.
Trường Unis còn làm ra chủ đề rất hay khi đưa học sinh đến trải nghiệm tại trang trại là: “Em nghe thấy gì từ văn hóa nông nghiệp Việt Nam qua những tiếng động của những nông cụ, qua những tiếng đất bùn khi em cấy lúa”. Các học sinh đã viết rằng khi thấy bùn đã rất sợ bẩn nhưng khi chạm chân xuống lại thấy sự êm ái, thấy tiếng lõm bõm rất thích; Khi cấy lúa chúng hiểu rằng đã đau lưng vì cúi lâu thế nào nên rất trân trọng từng hạt cơm, tiếng cối xay, tiếng chày giã gạo.
Và cộng lại tất cả đó là tiếng của một nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam của ngàn xưa vọng về. Mà đó là con của Tây xịn đấy! Tôi cũng là người đề xuất cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông nghiệp và biết ơn ông về đã ghi nhận chuyện này”.
Nhưng giờ Ba Vì đã bị thay đổi hết do cơn sốt đất nền. Trước Tết chị từng dẫn anh Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội lên xem Ba Vì đang bị băm nát ra sao. Người nội thành nhao lên mua, xây tường bao chắn hết các mảnh vườn nọ với mảnh vườn kia, phá vỡ cảnh quan mà điển hình như làng chè Ba Trại. Những làng nông nghiệp truyền thống vốn sản xuất ra những sản vật lâu đời, đã thành hàng hóa, đã thành chợ, nhưng giờ những người mới, phi nông nghiệp vào đó, chỉ lo làm bất động sản thì ai còn an tâm làm nông nghiệp nữa và Nhà nước còn làm chiến lược gì ở đây?
Cấu trúc dân số thay đổi có thể ngành nghề cũ người dân họ không còn làm nữa nên sẽ dần mất. Mà Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới là có số lượng lớn các làng nghề. Một sản vật muốn làm được du lịch phải có tính lịch sử, tính văn hóa. Lịch sử, văn hóa đó bắt đầu từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến, dịch vụ bán hàng. Cũng có thể làm du lịch nông nghiệp ở những trang trại lớn nhưng lúc đó không còn ý nghĩa văn hóa, lịch sử nữa.
“Tôi thất vọng với Ba Vì ở chỗ, trong vấn đề du lịch cộng đồng Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, không ai làm thay được. Mười mấy năm cho đến trước khi bị đại dịch, năm nào các hội nghị, hội chợ tôi cũng vác tài liệu lên mà thuyết phục Ba Vì làm du lịch cộng đồng nhưng họ không quan tâm mà chỉ để ý đến các đại gia, các nhà đầu tư lớn với những khu sinh thái lớn. Làm du lịch cộng đồng khó ở chỗ hệ thống chính trị phải quyết tâm vào cùng, phải làm hạ tầng cho dân, phải tổ chức tập huấn cho dân về kỹ năng du lịch, về làm ra sản phẩm thật tốt, thật đẹp, phải đảm bảo an ninh, môi trường…”.
Khi chị than “Ba Vì coi như đã xong rồi, đã ba tháng nay dù ở ngay Hà Nội nhưng tôi không lên trang trại nữa” tôi mới hỏi tại sao, thì chị bảo ngoài lý do Ba Vì bị băm nát ra, còn không muốn lên để tránh cò đất gạ ngẫm mua trang trại. Tôi lại hỏi, 1 ha đất thổ cư của trang trại theo thời giá bây giờ phải cỡ vài chục tỉ tại sao không bán, thì chị đáp: “Tôi cần tiền để làm gì? Trang trại của tôi có thể đóng góp cho đất nước mô hình cụ thể về sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, về thế nào là tính cộng đồng, tính bình đẳng, tính bền vững, về những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình. Ở đó có sự kết hợp cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, cả sinh thái lẫn lịch sử, văn hóa.
Mà tôi đã làm được đến đây rồi thì làm sao mà bỏ được khi nó chưa thực sự thành sự nghiệp đúng, chưa đi vào thực tế rộng rãi, được nhiều nơi áp dụng để tăng thu nhập cho các nông hộ. Nhiều người quan tâm du lịch nông nghiệp nhưng chỉ với mục đích lấy đất làm trang trại rất lớn, nhét đủ thứ lộn xộn vào. Đó là một khu công nghiệp du lịch chứ không phải là du lịch cộng đồng”.
Trong cuộc sống, bài học thất bại cũng quan trọng không kém bài học thành công. Do không có chính sách Nhà nước về du lịch nông nghiệp nông thôn, cũng như bộ tiêu chí chuẩn nên có những trang trại kết hợp du lịch và nông nghiệp đã bị phá sản nặng nề, ví dụ như trang trại dê trắng Ba Vì do một tư nhân đầu tư hàng trăm tỉ, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp các biệt thự nghỉ dưỡng.
Hành trình ngàn dặm
Chị kể tiếp: “Để chứng minh là Việt Nam có thể xây dựng được nền nông nghiệp hữu cơ từ truyền thống kinh tế tự cung tự cấp, tôi lên Hà Giang và cũng muốn xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp ở đây nhưng qua mấy năm mà họ không chịu làm. Khi lên huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang, thấy lãnh đạo thực sự muốn làm du lịch nông nghiệp nên tôi giúp suốt 4 năm nay và giờ đến huyện Na Hang.
Những vùng đó có tiềm năng về sinh thái nông nghiệp, có đầy đủ điều kiện để làm thực phẩm hữu cơ, kinh tế vẫn tự cung tự cấp nên ảnh hưởng về hóa chất chưa nhiều. Vấn đề là phải tổ chức lại sản xuất.
Khi tôi lên Lâm Bình, Na Hang mới biết văn minh lúa nước đã bị chia đôi mà cái gốc ở trên miền núi chứ không phải dưới đồng bằng. Thứ nữa trên đó đã có vùng hàng hóa sẵn như dê, cá lòng hồ và đang manh nha thành vùng dược liệu. Sau này khi vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng bị ngập do biến đổi khí hậu được dự báo vào năm 2050 thì những vùng núi như thế là kho lương thực vô giá cho đất nước, phải trở lại đó, phải quý lấy nó, phải bảo vệ từng mét đất, mét rừng.
Biến đổi khí hậu sầm sập tới nơi rồi, quê tôi ở Tiền Giang cây ăn quả không mọc được nữa, quả dừa chỉ nhỏ chút xíu thôi. Là nhà khoa học nên tôi nhìn thấy hết chuyện đó nhưng nói xa quá nhiều người lại bảo miên man. Nhưng trên đó đang thiếu những thứ gì? Thứ nhất là giao thông rất khó khăn. Tôi dắt 5 nhà đầu tư lên gồm 3 công ty dược, 2 công ty thực phẩm, thậm chí còn phải xuống tận Nam Định để thuyết phục họ nhưng tất cả đều quay lưng hết.
Từ đó tôi mới nghĩ hóa ra các vùng này thiếu công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến và phải phù hợp với quy mô nhỏ, tổ hợp tác, HTX. Lúc giãn cách xã hội tôi đọc các tài liệu về doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Nhật và Đức trong đó đề cao tính thuận tiện, tiết kiệm liền viết một bài đề xuất. Khi gặp được Viện trưởng Viện cơ điện Nông nghiệp, được anh giới thiệu về công nghệ cấp đông siêu tốc để không bị phá vỡ tế bào và công nghệ đóng gói nhỏ nên tôi có đề nghị giúp vùng dê, cá lòng hồ ở Lâm Bình và Na Hang. Chúng tôi đã bảo vệ được 2 đề tài trên, năm nay sẽ triển khai, ngoài dê, cá có thể cấp đông được nhiều loại thực phẩm khác.
Du lịch nông nghiệp không chỉ có trải nghiệm, do mỗi nhân viên trang trại làm, mà như ở Nặm Đíp của huyện Lâm Bình là cả nhà cùng làm. Khi lên đó, tôi bảo: “Nhà bác có đủ hết rồi từ nấu rượu, dệt vải, trồng cây…, cảnh đẹp lắm rồi nhưng phải sắp xếp lại sao cho ngăn nắp, sạch sẽ, khu bếp ra khu bếp, khu ngủ ra khu ngủ, khu dệt vải ra khu dệt vải, khu vườn rau ra khu vườn rau…”. Mỗi người đều có việc của mình trong làm du lịch, các ông bà già dọn dẹp quét suốt ngày, con gái, con dâu dệt vải, con trai nuôi cá, nuôi lợn, làm vườn. Cả cộng đồng tham gia và tôi kiểm tra những việc đó.
Tuy nhiên yếu nhất vẫn là thiếu kỹ năng, thiếu vốn, chưa tạo ra quy trình, quy chuẩn, hạ tầng, các món ẩm thực chưa đa dạng, trình bày chưa đẹp và tinh tế dù nguyên liệu rất tốt, tươi…”