Các đại biểu tham dự sự kiện đã kêu gọi ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu không tẩy chay việc buôn bán các sản phẩm thực phẩm của Nga và Ukraine khi cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở các nước dễ bị tổn thương.
Tình trạng mất an ninh lương thực và giá lương thực tăng cao đã chi phối các cuộc thảo luận tại cuộc họp G20 vào tuần trước ở Bali do sự gián đoạn từ thời đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã làm ngưng trệ các chuỗi cung ứng lương thực trên toàn thế giới.
Lạm phát và thiếu lương thực đã gia tăng trước chiến tranh. Nhưng vì Nga và Ukraine là hai trong số những nhà xuất khẩu lương thực chính như lúa mì, nên chiến tranh đã làm trầm trọng thêm những vấn đề đó ở những nơi như châu Phi và Trung Đông.
Cụ thể tại châu Phi đã thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn phân bón trong năm nay, dẫn đến thiệt hại 11 tỷ USD về sản xuất nông nghiệp.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, cuộc chiến tranh giành nguồn cung thực phẩm thắt chặt cũng đồng nghĩa với việc các nước nghèo hơn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala nói: “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lương thực và các nguyên liệu đầu vào quan trọng như phân bón, có nguy cơ nguồn cung có thể bị chuyển hướng từ các nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn, lặp lại kinh nghiệm đối với vacxin Covid-19”, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác với nhau hơn hơn là chống lại nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực.
Hội nghị G20 cam kết khối này phải đi đầu và kêu gọi các quốc gia khác tránh các hành động phản tác dụng, chẳng hạn như dự trữ lương thực và các nguồn cung cấp chính, đồng thời áp đặt các hạn chế xuất khẩu có thể “bóp méo thị trường và tăng giá hơn nữa”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết tại cuộc thảo luận.
Tổng giám đốc tổ chức Nông lương LHQ (FAO), ông Khuất Đông Ngọc cho biết, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức cao nhất mọi thời đại và đề xuất kế hoạch 4 điểm bao gồm đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
“Chúng ta cần phải sử dụng tất cả khả năng của mình để chống lại các hạn chế thương mại, nâng cao tiếng nói chung của chúng ta rằng nó không chỉ vô đạo đức mà còn có hại nếu thực phẩm không đến được nơi cần thiết”, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo.
Tính đến tháng 6 năm 2022, số lượng người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới tăng lên đáng kể, có nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt tại những nước nghèo. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Senegal Amadou Hott cho rằng, nếu không có biện pháp giải quyết ngay lập tức, cuộc khủng hoảng lương thực và giá cả cao sẽ giết chết nhiều người hơn “so với thời Covid”.