| Hotline: 0983.970.780

Cuối năm, doanh nghiệp 'tăng tốc', nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao

Thứ Ba 24/11/2020 , 10:39 (GMT+7)

Cuối năm, thị trường lao động Vĩnh Phúc ổn định trở lại khi các doanh nghiệp tập trung phục hồi, tăng tốc sản xuất, kinh doanh sau thời gian trầm lắng bởi dịch Covid-19.

Người lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Yến.

Người lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Yến.

Hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng chục ngàn lao động

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc (Trung tâm), từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tư vấn cho trên 28.000 lượt người về chính sách lao động, việc làm, học nghề và chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, tư vấn qua Sàn giao dịch việc làm hơn 10.000 lượt người.

Từ đầu năm đến nay, có 4.100 lượt lao động đăng ký việc làm qua Trung tâm và Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho trên 2.900 người, cung ứng 1.268 lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, ký hợp đồng tuyên truyền, giới thiệu và cung ứng lao động với Công ty Sản xuất hàng may mặc Việt Nam – TAL, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Công ty TNHH Nanos Việt Nam, Công ty TNHH Optrontec Vina.

Đến hết 9 tháng năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 4 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các trường cao đẳng nghề. Các phiên giao dịch việc làm đã thu hút 225 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 10.500 lao động. Có 1.404 lượt người đăng ký tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm, 1.040 lao động trong số này đã được tuyển chọn.

Doanh nghiệp "tăng tốc", nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao

Ông Hà Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc cho biết: Những tháng cuối năm, lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ổn định bởi sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã phục hồi được sản xuất.

Thời điểm này, người lao động không có tư tưởng thôi việc bởi cuối năm, Tết đã cận kề, lao động mong đợi tiền thưởng Tết và các chế độ ưu đãi cuối năm từ doanh nghiệp. Đặc biệt, số lao động thất nghiệp cũng giảm hẳn; một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh nên muốn giữ chân người lao động.

Công ty TNHH Một thành viên Dae Young Vina có trụ sở tại thành phố Vĩnh Yên là doanh nghiệp điện tử 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất dây điện. Hiện công ty đang tạo việc làm cho 230 lao động.

Theo bà Đào Thị Ngân, cán bộ Phòng Nhân sự của Công ty, tại 2 phiên giao dịch việc làm cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, Công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm 85 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, hiện đã tuyển gần đủ từ sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc và tuyển trực tiếp tại Công ty, chỉ còn thiếu khoảng 10 lao động phổ thông, các vị trí khác đã cơ bản ổn định.

Cũng hoạt động trong lĩnh vực điện tử, Công ty TNHH NTS Vina, khu công nghiệp Bình Xuyên chuyên sản xuất gia công chíp điện tử Hàn Quốc probe-pin công nghệ cao, lắp ráp pin điện tử. Do quan tâm đến đời sống người lao động, thực hiện các chính sách lương, thưởng kịp thời nên lao động tại doanh nghiệp luôn ổn định.

Bà Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên Nhân sự Công ty cho biết: Hiện doanh nghiệp chỉ thiếu khoảng 10 lao động nữ phổ thông để bổ sung các trường hợp nghỉ việc, không có biến động lớn về lao động. So với năm ngoái, tình hình lao động ổn định hơn. 

Riêng lĩnh vực may mặc, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Bà Nguyễn Thị Ban, Quản lý hành chính nhân sự của Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc TAL Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện 2 cho biết: Do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty cần tuyển 500 lao động phổ thông với mức lương trung bình từ 8,5-9 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, công ty khó tuyển lao động do không có ứng viên để tuyển dụng.

Cũng theo bà Ban, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có nhiều doanh nghiệp điện tử, nhiều người lao động thích làm việc trong các công ty điện tử hơn là may mặc nên công tác tuyển dụng của TAL gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn bảo đảm việc làm bình thường cho người lao động. Chỉ có số ít doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, thiếu việc làm và phải cho người lao động nghỉ việc.

Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động những tháng cuối năm 2020 của các doanh nghiệp tăng chủ yếu ở các ngành nghề: May mặc, sản phẩm gỗ, điện tử, bất động sản… Sự suy giảm việc làm diễn ra ở lao động làm công hưởng lương tại các doanh nghiệp thương mại điện tử, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, giao nhận...

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh tạo việc làm cho 13.940 lao động, đạt xấp xỉ 70% kế hoạch năm.

Ngày 15/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Lô tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, thu hút 6 doanh nghiệp gồm tham gia gồm: Cty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Cty TNHH FWKK Việt Nam, Cty Cổ phần Giầy da Lập Thạch, Cty TNHH Lợi Tín Lập Thạch, Cty TNHH DKT Vina và Cty TNHH TM Á Minh. 6 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 900 lao động, trong đó 90% là lao động phổ thông, còn lại là lao động qua đào tạo có trình độ kỹ thuật.

Đây là hoạt động thường xuyên của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc nhằm trực tiếp giới thiệu về nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; tư vấn, định hướng, hướng dẫn, lựa chọn công việc, ngành nghề, giải đáp các thắc mắc, tiền lương, BHYT, BHXH, chế độ đãi ngộ... cho lao động. Điều này đã giúp kết nối cung cầu lao động - việc làm tiết kiệm, hiệu quả tại địa phương, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm nhu cầu việc làm tăng cao.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.