Ổn định việc làm cho người lao động
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh) buộc phải giãn việc, tạm ngừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ). Trước thực tế đó, các đơn vị chức năng đã chủ động hỗ trợ, kết nối việc làm để NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn.
TP Hạ Long là địa phương phát triển mạnh về ngành du lịch và dịch vụ, hai lĩnh vực này cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 gây ra, các ngành nghề khác ít nhiều “chung số phận”, trong số đó phải kể đến ngành vận tải, nông, lâm, thủy hải sản…
Đối với các ngành nói trên, việc làm dành của NLĐ hầu như bị dừng lại trong tháng 2 và tháng 3. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, UBND các phường, xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
Cùng với đó, tổ chức, tuyên truyền 1 sàn giao dịch việc làm, thu hút 14 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với trên 420 vị trí tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề, kết quả trúng sơ tuyển 60 người.
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hạ Long, để giúp người lao động tìm kiếm việc làm, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh cung cấp thông tin đầy đủ về các sàn giao dịch việc làm đến người lao động và các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn định kỳ vào các ngày 10 và 25 hằng tháng, chủ động mời các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh nghề tham gia phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm.
Bên cạnh đó, phòng cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh, tăng cường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, tích cực triển khai có hiệu quả các hội chợ việc làm, chợ phiên việc làm, sàn giao dịch việc làm định kỳ. Đặc biêt, xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động
Kết nối “cung – cầu” cho NLĐ và doanh nghiệp
Anh Nguyễn Thế Thành ở thị trấn Đầm Hà (Quảng Ninh) từng học trung cấp điện nước, sau đó ra trường được vài năm nhưng không tìm được việc làm. Anh đành xoay sang làm nghề xe ôm, cuộc sống khá bấp bênh.
Tuy nhiên, từ khi Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đi vào hoạt động, anh đã làm việc tại Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.
"Mặc dù từ nhà đến Khu công nghiệp khá xa, nhưng có xe công nhân đưa đón nên cũng thuận tiện. Làm việc ở công ty lớn có mức thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình tôi cũng có phần được cải thiện đáng kể, tôi đủ khả năng lo cho vợ và các con ăn học, thậm chí đi học thêm tạo cơ hội cho các cháu phấn đâu cho tương lai", anh Thành chia sẻ.
Không chỉ có anh Thành mà rất nhiều lao động ở huyện Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh) đã có công ăn việc làm đảm bảo cuộc sống khi nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào 2 địa phương này. Để thị trường lao động trên địa bàn rộng mở phải kể đến sự góp công rất lớn của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai các biện pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với NLĐ, ngoài bố trí cho các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng tại các phiên giao dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã đăng thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên trang Web của Trung tâm; duy trì 3 trang facebook sàn giao dịch việc làm TP Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí để tuyên truyền, tạo điều kiện cho NLĐ truy cập, từ đó liên hệ với các công ty để đăng ký tuyển dụng.
“Đồng thời, Trung tâm cũng đã nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ thông qua xây dựng kho dữ liệu cung - cầu lao động, thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho NLĐ, nhất là thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư, học sinh; duy trì đều đặn các sàn giao dịch theo định kỳ...”, ông Khánh nhấn mạnh.
Trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho hơn 34.000 người. Dự tính hết năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên của tỉnh đạt khoảng 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo trình độ cho NLĐ phù hợp với nhu cầu cần tuyển dụng.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, phát triển các trang trại, gia trại, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình sản xuất đặc thù, tạo việc làm cho NLĐ... Điều này giúp NLĐ sau đào tạo có thể áp dụng kiến thức ngay tại gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho chính bản thân mình, vừa có thể tạo việc làm cho những lao động khác cùng thôn, xóm…
Theo số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH: Tính riêng trong quý 2 năm 2020, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý 1 năm 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị quý 2 là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.
Tuy nhiên cho tới nay, thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt. Chỉ riêng tháng 6 đã có thêm 120.000 lao động được giải quyết việc làm. Các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi việc làm, lao động bị ngừng việc nay đã trở lại thị trường; riêng trong lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có 1.400 lao động trở lại làm việc bình thường.