| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc

Cười ra nước mắt chuyện 'cọc đi tìm trâu'

Thứ Ba 12/04/2022 , 15:40 (GMT+7)

Qua phối hợp với Hải quan Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam liên hệ từng doanh nghiệp trong nước để xác minh thông tin, hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu.

Cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam làm việc ngày đêm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam làm việc ngày đêm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Sợ lừa đảo

"Cho hỏi đây có phải công ty xuất khẩu nông sản A không?" - "Đúng rồi".

"Tôi là Đinh Đức Hiệp, Văn phòng SPS Việt Nam. Hiện công ty của anh chưa hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Phía Hải quan Trung Quốc yêu cầu Văn phòng SPS Việt Nam rà soát, và đề nghị quý công ty làm xong thủ tục trong tuần này..." - "Tôi nhận nhiều cuộc gọi như này lắm rồi. Thôi nhé".

Chưa kịp để cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam nói gì thêm, đầu dây bên kia vang lên tiếng "ò í e", báo rằng người nghe đã dập máy. Quay sang cộng sự ngồi cạnh cũng đang lần giở từng dòng tài liệu trong hồ sơ để liên hệ doanh nghiệp, anh Hiệp lắc đầu cười khổ: "Dù sao, họ cũng không coi mình lừa đảo. Thế là may rồi. Để lần sau gọi lại".

Cái lần sau của anh Hiệp diễn ra vào sau đấy vài tiếng. Rút kinh nghiệm buổi sáng, anh tìm thông tin về Công ty A qua Google, và tìm được một số điện thoại liên hệ khác với số đã gọi. Kiên nhẫn bấm máy tới lần thứ ba, anh nhận được điệp khúc đã trở nên quen thuộc từ hai tuần nay: "Biết rồi. Ghi nhận và báo người có trách nhiệm".

Công ty A cùng với 59 doanh nghiệp khác nằm trong danh sách được Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu xác minh thông tin. Nhóm này đã đăng ký trên hệ thống xin cấp mã số sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249, nhưng chưa có hoạt động trên hệ thống. Chẳng hạn: đăng nhập, đổi mật khẩu, cập nhật thông tin theo đúng quy định của Lệnh 248...

Trong văn bản gửi Văn phòng SPS Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc nêu rõ: "Trên cơ sở phản hồi của các doanh nghiệp và cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, sẽ xem xét tính hợp lệ để tiếp tục, duy trì việc cấp mã đăng ký trên hệ thống, hoặc xóa nếu thông tin không rõ ràng". Điều ấy có nghĩa, nếu trả lời như công ty A, họ có thể bị gạch tên khỏi hệ thống đăng ký.

Khẩn cấp là vậy, nhưng doanh nghiệp tỏ ra khá thờ ơ với những cuộc gọi từ Văn phòng SPS Việt Nam, dù cán bộ Văn phòng đã cung cấp đầy đủ địa chỉ website, thông tin liên hệ, cũng như chức danh công tác. Theo thống kê từ Văn phòng, trong số 60 kể trên, khoảng 15-20% doanh nghiệp không thể liên lạc được, một nửa số cuộc gọi không gặp được người đứng đầu.

Phần đông doanh nghiệp phản hồi với Văn phòng SPS Việt Nam, rằng họ sợ bị lừa đảo. Khoảng 10% nói "không quan tâm" đến thông tin được Văn phòng cung cấp. Một số ít cho biết, hiện xuất khẩu bình thường và tỏ ý yên tâm với quan hệ bền chặt với đối tác làm ăn phía Trung Quốc, dù họ chưa hoàn thiện hồ sơ trên hệ thống của Tổng cục Hải quan nước này.

Công nhân cắt containter chuyển hàng tại bến xe Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nhân cắt containter chuyển hàng tại bến xe Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nỗi lo mơ hồ

Lệnh 248, 249 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tính đến ngày 8/4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp tổng cộng 1.988 mã số cho doanh nghiệp Việt Nam, hơn gần 1.000 mã so với thời điểm cuối năm 2021, và nhỉnh hơn một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.

Tuy nhiên, tại nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, doanh nghiệp trong nước vẫn than phiền về khó khăn trong việc cấp mã và hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu đi thị trường nước bạn. Lý giải về vấn đề này, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng thủ tục đăng ký được chia nhỏ ra làm 3 công đoạn.

Thứ nhất, doanh nghiệp tự hoàn tất hồ sơ và gửi toàn bộ thông tin đến một trong 5 cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là: Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Thú y (Bộ NN-PTNT); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương).

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam sẽ duyệt hồ sơ doanh nghiệp. Nếu đúng, đủ, sẽ chuyển sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Thứ ba, Tổng cục Hải quan Trung Quốc xét duyệt hồ sơ. Toàn bộ quá trình cho tới khi được phê duyệt mã số, doanh nghiệp có thể theo dõi trên website của bạn.

"Chúng tôi chia sẻ với những vướng mắc của doanh nghiệp trong việc đăng ký hồ sơ, thủ tục xuất khẩu. Tuy nhiên, để thích ứng với Lệnh 248, 249, cũng như yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, doanh nghiệp phải chủ động theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ. Họ phải biết là mắc ở công đoạn nào, chứ không thể kêu chung chung, gây khó khăn cho công tác hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước", ông Nam nói.

Doanh nghiệp khai nhầm mã số kinh doanh thành mã bưu chính (10100).

Doanh nghiệp khai nhầm mã số kinh doanh thành mã bưu chính (10100).

Ví von việc hỗ trợ 60 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục trên cổng thông tin của Tổng cục Hải quan Trung Quốc như "cọc đi tìm trâu", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng doanh nghiệp trong nước chưa quen với cách làm mới. Số đông cho rằng chỉ cần gửi hồ sơ là xong, mà không quan tâm đến việc cập nhật thông tin mà phía bạn thông báo qua tài khoản.

Bởi tâm lý như vậy, mà suốt từ lúc nhận công văn đề nghị phối hợp của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồi tháng 3/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã huy động 4-5 nhân lực, tập trung rà soát toàn bộ 60 doanh nghiệp trong nhiều ngày liền.

Trên những tờ giấy gạch và viết chi chít vào lề, để ghi chép nội dung, bổ sung thông tin, cũng như kiến nghị từ phía doanh nghiệp, mỗi cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam tựa như một tổng đài viên. Họ hết tìm kiếm thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, lại cập nhật số liên hệ do thông tin trên website đa phần cũ và nhiều tỉnh đã thay đổi mã vùng điện thoại.

Công cuộc "cọc đi tìm trâu" không phải lúc nào cũng suôn sẻ và có cái kết như ý. Dù được các phía Hải quan Trung Quốc, các Bộ, ban, ngành, Sở NN-PTNT, Chi cục và hiệp hội các ngành hàng địa phương phối hợp chặt chẽ, cởi bỏ từng nút thắt, Văn phòng vẫn vấp phải tình huống dở khóc dở cười như: công ty viết nhầm mã số thuế thành số điện thoại, hay mã số kinh doanh thành mã số kinh doanh... 

Để giải quyết một cách căn cơ vấn đề này, thời gian tới Văn phòng SPS Việt Nam dự định tăng cường, cũng như đa dạng các hình thức tuyên truyền Lệnh 248, 249 tới doanh nghiệp. 

Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, rằng trong tuần vừa trước, dù vướng tiết Thanh minh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động cấp mã. Số lượng mã cấp mới tăng đều (tính đến ngày 8/4 là 1.988), so với tuần trước là 1.963.

"Phía bạn rất chia sẻ với những bỡ ngỡ của doanh nghiệp chúng ta. Nhiều buổi, chúng tôi trao đổi với Bạn đến tận 23h đêm, nhưng phía Bạn vẫn tận tình giải đáp. Tất cả cùng muốn chung tay đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc", TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam bày tỏ.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.