Bệnh nhân nam N. N. L., sinh năm 1991, ở tỉnh Vĩnh Long được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với tình trạng sốc mất máu cấp rất nặng, bệnh nhân mê, thở ngáp, niêm nhạt, da xanh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo, nhịp tim rời rạc sau đó ngừng tim. Vết thương ngực trái khoảng liên sườn 3-4 cạnh ức, kích thước khoảng 5cm, vết thương hông trái khoảng 3cm nghi thấu bụng, hông phải có 2 vết thương khoảng 3cm.
Ngay khi nhập viện các bác sĩ khoa cấp cứu, xử trí đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, truyền dịch, truyền máu khẩn và thực hiện quy trình báo động đỏ toàn bệnh viện, khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên phòng mổ.
Sau phẫu thuật, điều kì diệu đã xảy ra, trái tim người bệnh đập trở lại và đáp ứng tốt với thuốc vận mạch. Ê-kíp khoa Ngoại Tổng hợp tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng chẩn đoán có nhiều máu loãng trong ổ bụng, không có tổn thương tạng, xác định máu chảy từ vết thương thành bụng hông trái vào khoang bụng.
Phẫu thuật viên tiến hành rửa bụng, dẫn lưu khâu cầm máu các vết thương. Phẫu thuật thành công sau 3 giờ căng thẳng, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định được chuyển đơn vị Hồi sức ngoại - khoa gây mê hồi sức theo dõi và chăm sóc, quá trình cấp cứu và phẫu thuật bệnh nhân được chỉ định truyền 9 đơn vị máu và chế phẩm của máu.
Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, ống dẫn lưu trung thất dịch hồng nhạt, phổi thông khí tốt.
Ths.BS. Liêu Vĩnh Đạt, Phó khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Vết thương ở tim là một cấp cứu tối khẩn, tỷ lệ tử vong cao, việc hồi sức cấp cứu và phẫu thuật khẩn cấp có vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân và cải thiện tiên lượng. Các vết thương do vật sắc nhọn xuyên vào lồng ngực thường gây ra các tổn thương nặng nề, có thể gặp do ẩu đả, tai nạn giao thông, tai nạn lao động,... và có thể gây tử vong ngay lập tức.
Theo một số nghiên cứu, vết thương tim có tỷ lệ tử vong trước viện khoảng 95% và tử vong khoảng 50% trong thời gian nằm viện. Các trường hợp sống sót phải nhanh chóng được vận chuyển đến bệnh viện chuyên khoa có thể phẫu thuật và điều trị cứu sống bệnh nhân.
Trong những trường hợp như vậy, thường là một cuộc chạy đua về thời gian, đặc biệt ở bệnh nhân có nhiều tổn thương cần phải hội chẩn nhiều chuyên khoa phối hợp nhằm đánh giá chính xác tình trạng tổn thương.
Ca mổ thành công, người bệnh được cứu sống. Đây là một thành công lớn của sự phối hợp nhiều chuyên khoa đặc biệt là ê kíp phẫu thuật viên ngoại lồng ngực, khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, phẫu thuật viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mở ra những cơ hội được sống cho nhiều người bệnh nguy kịch.