| Hotline: 0983.970.780

Đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp hơn 4 triệu liều vacxin viêm da nổi cục

Thứ Hai 15/03/2021 , 16:26 (GMT+7)

Theo Cục Thú y, với hơn 4 triệu liều vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã cấp phép nhập khẩu, sẽ đủ tiêm cho đàn gia súc của các địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ NN-PTNT đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp hơn 4 triệu liều vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục, đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương trong thời gian tới. Ảnh: Nguyên Huân.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ NN-PTNT đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp hơn 4 triệu liều vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục, đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương trong thời gian tới. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo ông Nguyễn Văn Long, bệnh VDNC lần đầu xuất hiện tại Việt Nam tháng 10/2020. Kể từ đó, dịch đã xảy ra tại 308 hộ, 293 xã, phường của 24 tỉnh, thành phố. Tổng cộng trên 4.200 con gia súc mắc bệnh, trong đó 381 con gia súc bị chết buộc phải tiêu hủy.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn còn xuất hiện tại 123 xã của 15 tỉnh, thành trên cả nước. Gần đây nhất, dịch bệnh đã lây lan vào các tỉnh miền Trung, miền Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Hiện, các địa phương đã và đang tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã có chỉ đạo gì về mặt quản lý nhà nước và chuyên môn khi bệnh VDNC xuất hiện ở Việt Nam thưa ông?

Ngay khi chưa có nguy cơ bệnh xuất hiện bệnh VDNC tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra năng lực chẩn đoán, xét nghiệm. Tổ chức đánh giá hiệu lực, hiệu quả vacxin, đồng thời ban hành hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương để nhận biết cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Khi dịch bệnh xảy ra, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị chỉ đạo các địa phương tổ chức chống dịch theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, do VDNC là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nên biện pháp quan trọng nhất là cần khẩn trương giám sát, phát hiện sớm và tiêu hủy số gia súc mắc bệnh. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng ngay lập tức chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức nhập khẩu khẩn cấp vacxin để phòng bệnh theo đúng qui định của Luật Thú y.

Hơn 200.000 liều vacxin viêm da nổi cục đã được tiêm cho đàn trâu, bò tại các địa phương và 500.000 liều vacxin Lumpyvac đã về tới cửa khẩu tại Việt Nam, đang chờ đánh giá chất lượng để sớm đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Hơn 200.000 liều vacxin viêm da nổi cục đã được tiêm cho đàn trâu, bò tại các địa phương và 500.000 liều vacxin Lumpyvac đã về tới cửa khẩu tại Việt Nam, đang chờ đánh giá chất lượng để sớm đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Được biết, vừa qua Bộ NN-PTNT đã cho nhập khẩu khẩn 3 loại vacxin phòng bệnh VDNC, vậy hiệu quả trên thực tiễn thế nào thưa ông?

Căn cứ theo diễn biến tình hình dịch bệnh cũng như quy định của pháp luật, đến thời điểm này Cục Thú y đã báo cáo Bộ NN-PTNT quyết định cho phép nhập khẩu trên 6 triệu liều vacxin phòng bệnh VDNC.

Sau khi nhập vacxin về, các cơ quan kiểm nghiệm của Cục Thú y đã nhanh chóng đánh giá chất lượng vacxin dựa vào chỉ số vô trùng, an toàn, hiệu lực để đảm bảo các yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật trước khi báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét chỉ đạo sử dụng vacxin phòng bệnh ngoài thực tế.

Tính đến 26/2/2021, các cơ quan kiểm nghiệm của Cục Thú y đã có báo cáo vacxin Lumpyvac đáp ứng các yêu cầu, do đó Cục Thú y báo cáo tham mưu Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh cũng như nguy cơ dịch bệnh và kết quả đánh giá bước đầu quyết định vacxin Lumpyvac là vacxin chống dịch khẩn cấp.

Với các loại vacxin khác, hiện nay đang được đánh giá đúng qui định trước khi Cục Thú y báo cáo tham mưu cho Bộ NN-PTNT quyết định sử dụng vacxin đó để chống dịch khẩn cấp.

Thưa ông, để việc nhập khẩu vacxin được nhanh chóng, kịp thời, Bộ NN-PTNT đã rút gọn công đoạn, quy trình nào?

Thông thường, nếu theo đúng quy trình, việc nhập khẩu một loại vacxin mới thời gian rất dài, bởi phải dựa trên đánh giá các yếu tố như: Kiểm tra vô trùng, kiểm tra an toàn, kiểm tra hiệu lực.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có thẩm quyền quyết định sử dụng vacxin nhập khẩu chưa có trong danh mục dựa trên kết quả đánh giá của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, kết quả đánh giá của cơ quan kiểm tra chất lượng vacxin tại Việt Nam.

Đến nay, đã có vacxin Lumpyvac được Bộ NN-PTNT quyết định khuyến cáo đưa vào sử dụng.

Theo quy định của luật Thú y, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có trách nhiệm quyết định việc sử dụng vacxin để chống dịch khẩn cấp trong trường hợp vacxin này chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Việc quyết định sử dụng khẩn cấp phải dựa trên cơ sở kết quả đánh giá cho phép lưu hành của nước xuất khẩu, cộng thêm việc nhập khẩu về Việt Nam nhưng phải đảm bảo yêu cầu kiểm tra các chỉ số như vô trùng, an toàn và các chỉ số khác.

Thời gian vừa qua, Cục Thú y đã vào đang chỉ đạo tổ chức triển khai cũng như tham mưu theo đúng quy trình đó. Đến thời điểm hiện tại, đã kịp thời báo cáo Bộ NN-PTNT quyết định cho phép nhập khẩu trên 6 triệu liều vacxin theo phương án khẩn cấp, đảm bảo đủ yêu cầu phòng chống bệnh VDNC trong thời gian tới.

Hiện đã có gần 200.000 liều vacxin VDNC được đưa vào sử dụng thực tế tại các địa phương và doanh nghiệp. Cuối tuần trước, các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu vacxin báo cáo Cục Thú y đã nhập về tới cửa khẩu Việt Nam thêm 500.000 liều vacxin Lumpyvac và hiện đang trong quá trình đánh giá chất lượng trước khi đưa vào sử dụng.

“Theo các tài liệu thế giới đã công bố và Cục Thú y cũng đã có văn bản nói rất rõ về bệnh VDNC chỉ xảy ra trên trâu, bò do virus gây ra.

Bệnh VDNC không lây nhiễm và không gây bệnh ở người. Chúng tôi không khuyến cáo người dân sử dụng gia súc bị bệnh. Nhưng người dân có thể yên tâm việc tiêu thụ sản phẩm gia súc, đặc biệt là thịt trâu, bò, không có quan ngại gì về sức khỏe vì virus này không có khả năng lây nhiễm, gây bệnh ở người.”

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.