| Hotline: 0983.970.780

Tiêm phòng khẩn vacxin viêm da nổi cục

Thứ Sáu 26/02/2021 , 12:22 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức tiêm phòng khẩn vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Trâu, bò được tiêm vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28, 35, 42 ngày đã có kháng thể kháng virus viêm da nổi cục, được Bộ NN-PTNT xác nhận hiệu quả và khuyến cáo tiêm phòng khẩn. Ảnh: Nguyên Huân.

Trâu, bò được tiêm vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28, 35, 42 ngày đã có kháng thể kháng virus viêm da nổi cục, được Bộ NN-PTNT xác nhận hiệu quả và khuyến cáo tiêm phòng khẩn. Ảnh: Nguyên Huân.

Trước mắt sử dụng vacxin Lumpyvac

Tại công văn số 1076 gửi UBND các tỉnh, thành phố ngày 24/2 về tổ chức tiêm phòng khẩn vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để chủ động phòng chống và khống chế dịch viêm da nổi cục lây lan diện rộng, căn cứ Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các cấp căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, quyết định sử dụng vacxin Lumpyvac (được đánh giá sau tiêm phòng 28, 35 và 42 ngày đã có kháng thể virus viêm da nổi cục) để tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu, bò.

Đối tượng tiêm phòng vacxin ưu tiên trâu, bò tại các địa phương đã và đang có dịch và các địa phương có nguy cơ cao, các tỉnh có phạm vi địa lí cách vùng dịch khoảng 100km.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò thuộc diện tiêm phòng để xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí mua vacxin. Thực hiện tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và cơ quan thú y địa phương, đồng thời tiến hành lấy mẫu đánh giá sau khi tiêm phòng.

Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đánh giá hiệu quả hai loại vacxin viêm da nổi cục còn lại và sẽ có khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Ảnh: Nguyên Huân.

Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đánh giá hiệu quả hai loại vacxin viêm da nổi cục còn lại và sẽ có khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Ảnh: Nguyên Huân.

Kết quả thử nghiệm vacxin hiệu quả

Theo Cục Thú y, từ tháng 10/2020 đến nay và trong hai tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 81 ổ dịch viêm da nổi cục thuộc 38 huyện của 15 tỉnh, thành, tổng số trâu, bò mắc bệnh là 805 con, trong đó đã tiêu hủy 63 con.

Hiện cả nước có 42 ổ dịch tại 17 huyện của 8 tỉnh, tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, số gia súc đã tiêu hủy là 39 con. Tỉnh Hà Tĩnh là địa phương thiệt hại nặng nhất khí có tới 27 ổ dịch và 464 con gia súc bị mắc bệnh.

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đánh giá bước đầu về hiệu quả vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục tại thực địa cho thấy số trâu, bò được tiêm phòng đến nay đều khỏe mạnh, không phát bệnh sau khi tiêm được hai tuần. Như vậy, vacxin sử dụng trong tiêm phòng thí điểm phòng bệnh viêm da nổi cục đảm bảo an toàn, có hiệu quả trong phòng bệnh tại thực địa.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet nhập khẩu khẩn cấp 50.000 liều vacxin, bao gồm 10.000 liều vacxin Lumpyvac từ Thổ Nhĩ Kỳ, 20.000 liều vacxin LumpyShield từ Jordan; Công ty TNHH Thú y Đông Phương nhập khẩu 20.000 liều vacxin Mevac LSD từ Ai Cập để triển khai thí điểm tiêm phòng, chống dịch tại 8 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị) và một số trại bò sữa.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã tổ chức tiêm phòng được trên 27.000 con trâu, bò. Kết quả, số gia súc đã được tiêm phòng không mắc bệnh viêm da nổi cục. Đặc biệt, số trâu, bò được tiêm vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28, 35, 42 ngày đã có kháng thể kháng virus viêm da nổi cục.

Riêng với số trâu, bò được tiêm vacxin LumpyShield từ Jordan và Mevac LSD từ Ai Cập hiện đã có kết sau tiêm 28 ngày, đang tiếp tục chờ kết quả sau 35 và 42 ngày để lấy mẫu, đánh giá hiệu quả sau tiêm phòng trước khi có khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.