| Hotline: 0983.970.780

Đã tiêu hủy trên 200 con ở 3 ổ xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 20/02/2019 , 06:45 (GMT+7)

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) được phát hiện tại hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên và hộ ông Lê Xuân Tình, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tại tỉnh Thái Bình, DTLCP được phát hiện tại một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà.

Tiêu hủy trên 200 con

Tổng số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy là trên 200 con, đa phần là lợn con và lợn choai theo mẹ.

Ngay sau khi nhận được tin báo từ địa phương về việc lợn chết bất thường tại Hưng Yên ngày 1/2 cũng như tại Thái Bình có biểu hiện của DTLCP, Cục Thú y nhanh chóng tiến hành thông tin, báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT để Bộ báo cáo kịp thời Chính phủ.

18-42-41_20190219_163821
Cục Thú y gặp mặt cơ quan báo chí truyền thông công bố DTLCP chiều 19/2

Về phía Bộ NN-PTNT, tiến hành lấy mẫu gửi các phòng kiểm nghiệm, phân tích trong nước cũng như tham vấn các phòng quốc tế; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp thực hiện ngay việc tiêu hủy toàn bộ số lợn.

Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch. Tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch (có kết quả âm tính và đến nay sau 18 ngày chưa phát hiện thêm ổ dịch mới).

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông nhấn mạnh, để công tác phòng chống dịch hiệu quả, Cục kiến nghị chính quyền các địa phương, người chăn nuôi chấp hành nghiêm chỉnh quy trình thú y, phòng dịch. Nghiêm cấm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ các sản phẩm lợn chết, lợn dịch. Khi xảy ra lợn chết, lợn bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Không được phép chữa trị khi lợn có dấu hiệu mắc DTLCP.

Tuy nhiên, do DTLCP không lây nhiễm sang người, không lây truyền sang các vật nuôi khác nên Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi và người tiêu dùng hết sức bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt lợn để từ đó việc chống dịch được hiệu quả nhất cũng như hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi trong nước.
 

Nguyên nhân lây lan

Về nguyên nhân xuất hiện 3 ổ DTLCP tại Việt Nam, theo nhận định ban đầu của Cục Thú y, trên thế giới, trong những năm vừa qua, bệnh DTLCP đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác. Ví dụ như dịch bệnh đã xảy ra tại Liên bang Nga, sau đó đã được phát hiện mầm bệnh, ổ dịch tại Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao (có thể thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác).

18-42-41_imge004
Lực lượng chức năng chốt chặn tại các địa phương bị phát hiện có ổ DTLCP

Mặt khác, yếu tố con người và phương tiện vận chuyển đi từ nơi này sang nơi khác. Ví dụ: Tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tần suất vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước); lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam.

Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...).

Hoạt động thương mại, giết mổ lợn trong nước tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Một số nước xung quanh Việt Nam có thể đã có DTLCP nhưng chưa phát hiện được hoặc chưa báo cáo, thông tin chính thức, nên chưa tổ chức có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Do bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nên nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi các tháng cuối năm cao nên không quan ngại dịch bệnh, vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
 

Tình hình trên thế giới

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh DTLCP. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc: Theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ DTLCP xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Ngày 17/1/2019, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo hoang không có người ở), Liên Giang, Đài Loan cho kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Kết quả giải trình tự gen của virus này tương đồng 100% với vi rút DTLCP tại Trung Quốc.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh DTLCP đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực là rất cao.

Riêng về trường hợp cơ quan chức năng Đài Loan thông báo phát hiện xác virus DTLCP trên thực phẩm của hành khách đến từ Việt Nam. Vừa qua, Cục Bảo vệ và kiểm tra sức khỏe Động Thực vật, Hội đồng nông nghiệp Đài Loan đã chính thức công bố thông tin phát hiện gen của virus DTLCP trên bánh sandwich kẹp thịt lợn của một hành khách (theo thông tin từ FAO đó là khách du lịch người Trung Quốc, còn theo Báo tin tức của Đài Loan đó là hành khách người Đài Loan và vị hành khách này đã bị cơ quan có thẩm quyền Đài Loan phạt 30.000 Tân Đài tệ) đến Đài Loan trên chuyến bay VJ 858 của hãng VietJet Air xuất phát từ TP.HCM đến sân bay Đài Nam của Đài Loan vào ngày 5/2/2019.

Do đó, chưa thể kết luận thịt lợn có trong bánh sandwich của hành khách nêu trên là có nguồn gốc từ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan của Đài Loan để làm rõ thông tin nêu trên.
 

Những triệu chứng bệnh tích

DTLCP là bệnh truyền nhiễm xảy ra do virus. Lợn bị nhiễm có nhiều triệu chứng, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển. Do đó, việc chẩn đoán bệnh khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, cần lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện virus.

18-42-41_imge003
Hình ảnh xử lý ổ DTLCP tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 2/2019

Theo khuyến cáo của Cục Thú y, người dân cần nắm rõ một số triệu chứng và bệnh tích của bệnh để có phương án xử lý nhanh, kịp thời, không để lây lan; tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, có thể đánh giá ở các mức độ sau:

Thể quá cấp tính là do virus có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết. Thể cấp tính là do virus có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5 - 42ºC). Trong 2 - 3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.

Trong 1 - 2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6 - 13 ngày hoặc 20 ngày. Lợn chửa có thể sảy ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang virus dịch tả lợn suốt đời.

Thể á cấp tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn chửa sẽ sảy; lợn chết trong vòng 15 - 45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30 - 70%. Lợn có thể khỏi hoặc bị nhiễm bệnh mãn tính.

Thể mãn tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2 - 15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm virus gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính.

Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi

Mặc dù các cơ quan chức năng, các địa phương và đặc biệt là Bộ NN-PTNT, Chính phủ ngay từ khi xuất hiện bệnh DTLCP tại Trung Quốc đã ngay lập tức vào cuộc, nỗ lực hết mình, hết sức nhưng cuối cùng bệnh vẫn xâm nhập vào Việt Nam. Trước tình hình đó, Cục Thú y khuyến cáo, đối với hộ chăn nuôi, gia trại, thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín, tốt nhất là không sử dụng. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin. Không để những người bán cán, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa thực hiện sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biệt pháp xử lý, sát trùng mọi ngương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm...

Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển từ nơi đang có bệnh đi bất kỳ nơi khác, trừ khi được.

 

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.