| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản vùng cao thịt bò vàng A Lưới

Thứ Hai 27/03/2023 , 18:46 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Bò A Lưới là giống bò vàng bản địa được đồng bào vùng cao chăn nuôi tự nhiên, cộng với điều kiện thời tiết đặc thù nên chất lượng thịt thơm ngon riêng có.

Lễ công bố nhãn hiệu tập thể 'Thịt Bò vàng A Lưới'. Ảnh: Công Điền.

Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt Bò vàng A Lưới”. Ảnh: Công Điền.

Ngày 26/3, UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt Bò vàng A Lưới”. Đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh quảng bá đặc sản vùng cao A Lưới ra thị trường, đồng thời bảo vệ lợi ích người tiêu dùng khi dễ dàng hơn trong việc nhận diện thương hiệu sản phẩm.

Đặc sản vùng cao Thừa Thiên – Huế

A Lưới là huyện vùng cao có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi bò như có diện tích rộng, nhiều đồng cỏ ở vùng gò đồi là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có số lượng lớn…

Bò A Lưới là giống bò vàng bản địa, có thớ thịt nhỏ, mịn và được chăn nuôi tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon.

Phương thức chăn nuôi của đồng bào vùng cao cộng với điều kiện thời tiết đặc thù tạo nên hương vị thơm ngon riêng có của thịt bò vàng A Lưới.

Thời gian qua, các cửa hàng đặc sản A Lưới được hình thành, góp phần quảng bá cho nông sản nơi đây. Thịt bò là một trong những đặc sản của địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng với các sản phẩm đa dạng như bò khô, bò một nắng…

Tuy nhiên, lâu nay sản phẩm bò vàng A Lưới vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào chứng nhận, gây khó khăn trong nhận diện của người tiêu dùng.

Bò A Lưới là giống bò vàng bản địa, có thớ thịt nhỏ, mịn. Ảnh: Công Điền.

Bò A Lưới là giống bò vàng bản địa, có thớ thịt nhỏ, mịn. Ảnh: Công Điền.

Sau hơn 2 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, sản phẩm “Thịt Bò vàng A Lưới” đã được Cục Sở hữu Trí (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ Quốc gia. Việc công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt Bò vàng A Lưới” sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh, người dân... giúp nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhãn hiệu tập thể “Thịt Bò vàng A Lưới” được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sẽ là điều kiện, cơ hội tốt cho huyện A Lưới giới thiệu, quảng bá thịt bò vàng A Lưới ra thị trường, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các hộ dân chăn nuôi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, đây là cơ hội để tập hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành một khối thống nhất, có quyền lợi chung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện A Lưới nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.

Bò A Lưới được chăn nuôi từ thức ăn tự nhiên nên sản phẩm thịt có chất lượng thơm ngon. Ảnh: Võ Dũng.

Bò A Lưới được chăn nuôi từ thức ăn tự nhiên nên sản phẩm thịt có chất lượng thơm ngon. Ảnh: Võ Dũng.

“Sau khi công bố huyện A Lưới sẽ bảo hộ các nhãn hiệu. Bên cạnh đó, huyện tăng cường tuyên truyền cho bà con nhân dân về công tác chăn nuôi phải đảm bảo xuất xứ nguồn gốc thịt bò, để sau này sản phẩm từ thịt bò được du khách biết đến và nâng cao được giá trị của thịt bò vàng A Lưới”, ông Nguyễn Văn Hải nói.

Tạo ra sản phẩm bò lai đặc sắc, bảo tồn giống bò đặc hữu

Là địa phương có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm (các sản phẩm thịt từ gia súc, gia cầm) khá lớn tại khu vực Bắc Trung bộ. Đặc biệt, với lợi thế từ món bún bò Huế từ lâu đã thành thương hiệu nức tiếng trong và ngoài nước, chăn nuôi bò ở tỉnh Thừa Thiên – Huế có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là chăn nuôi bò.

Hiện đàn bò của tỉnh Thừa Thiên – Huế có 30.000 con, tập trung chủ yếu tại các chuyện miền núi A Lưới, Nam Phong, Phong Điền.... Địa phương này đang triển khai Đề án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2025 (Đề án).

Mục tiêu của Đề án là phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao theo chuỗi giá trị nhằm phát triển thương hiệu thịt bò, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Biểu trưng nhận diện thương hiệu 'Thịt Bò vàng A Lưới'. Ảnh: Võ Dũng.

Biểu trưng nhận diện thương hiệu "Thịt Bò vàng A Lưới". Ảnh: Võ Dũng.

Đề án sẽ tiến hành đánh giá được thực trạng chăn nuôi bò thịt hiện nay tại địa phương; đánh giá được nhu cầu phát triển đàn bò thịt theo hướng hàng hóa và tình hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nâng cao hiệu quả chăn nuôi và năng suất sinh sản trên đàn bò.

Để cụ thể hóa Đề án, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng chuyên đề “Đánh giá lai tạo đàn bò để tăng sản lượng chăn nuôi”, trong đó chú trọng phát triển đàn bò chất lượng cao trên cơ sở đàn bò vàng hiện có, lai tạo các giống bò ngoại chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, trong thời gian qua, cùng với bảo tồn và phát triển các giống bò đặc hữu của địa phương tăng, ngành chăn nuôi cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ lai tạo để tạo ra sản phẩm bò lai đặc sắc cũng được các cơ quan chuyên môn tỉnh Thừa Thiên – Huế quan tâm  thực hiện.

Điều này không chỉ góp phần giải quyết tốt và xử lý giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã sắn… sẵn có mà còn có thể ứng dụng công nghệ chế biến thức ăn ủ chua, ủ ure, góp phần nâng cao chất lượng thịt cho đàn bò.

"Trên cơ sở huyện A Lưới xây dựng thành công thương hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”, trong thời gian, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và sản lượng chăn nuôi và hình thành các vùng chăn nuôi có chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh", ông Hưng cho biết.

Đầu năm 2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên – Huế 35 liều tinh bò Wagyu Nhật Bản. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới chọn hộ và đã phối thành công 21 liều. Đã có 7 bê lai, là kết quả lai tạo giữa bò Wagyu và bò vàng A Lưới ra đời. 

Đây là tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi địa phương, bởi thịt bò Wagyu Nhật Bản hiện đang được ưa chượng trên thị trường bởi chất lượng ngon không kém thịt bò Kobe nhưng giá bán lại không quá cao, phù hợp với túi tiền của phần đông người tiêu dùng địa phương.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.