| Hotline: 0983.970.780

Đưa thương hiệu bò vàng A Lưới bay xa hơn

Thứ Sáu 11/11/2022 , 14:57 (GMT+7)

Bò vàng A Lưới hội tụ ưu điểm vượt trội, được ngành nông nghiệp và tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định là đòn bẩy hữu hiệu nâng tầm mức sống đồng bào vùng cao.

Empty

Bò vàng A Lưới là vốn quý của đồng bào vùng cao A Lưới, đồng thời là sản phẩm đặc trưng của ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Công Điền.

A Lưới là huyện vùng cao thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu… nơi đời sống kinh tế chủ yếu dựa phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập ổn định, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ cho tiêu dùng lẫn khách du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin: Địa phương sở hữu diện tích đất đai đủ lớn, có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào phục vụ chăn nuôi gia súc. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung với số lượng lớn. Đến nay tổng đàn bò toàn huyện khoảng 11.000 con, chiếm gần 50% tổng đàn toàn tỉnh.

Empty

Bò vàng gắn bó mật thiết với người dân vùng cao A Lưới. Ảnh: Công Điền.

Nắm bắt, tận dụng lợi thế đó, UBND huyện A Lưới đã triển khai Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng vật nuôi, phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 300 con, qua đây làm cơ sở tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”, cùng lúc đáp ứng hài hòa nhiều mục tiêu: Khai thác tiềm năng sẵn có địa phương; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào; tiến tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi và làm giàu từ chăn nuôi.

Để tạo động lực kích cầu, trên cơ sở mục tiêu chung của Đề án, UBND huyện A Lưới cùng các đơn vị liên quan quyết định hỗ trợ 70% lãi suất vay ngân hàng mua bò, hỗ trợ trồng mới 75 ha cỏ cao sản phục vụ nhu cầu thức ăn chăn nuôi, tiếp tục hỗ trợ bà con kinh phí xây dựng chuồng trại nhằm từng bước phát triển số lượng đàn bò theo kế hoạch đề ra. Đồng thời chủ động tập huấn kỹ thuật nhân giống, quản lý giống và nuôi dưỡng bò cái sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ năng suất cao và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

Empty

Hiện sản phẩm thịt bò vàng A Lưới đã được chứng nhận OCOP. Ảnh: Công Điền.

Vui hơn nữa khi biết rằng, hiện sản phẩm thịt bò vàng A Lưới đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chính thức công nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cấp chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm này. Được thừa nhận rộng rãi là ưu thế lớn, giúp sản phẩm trứ danh khu vực vùng cao ngày càng khẳng định được vị thế, từng bước tạo thành chuỗi “domino” lan tỏa đủ lớn. Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng trứ danh này tạo dựng được tiếng vang, đơn cử như Tổ hợp tác Thịt bò A Lưới tại xã A Ngo.

Empty

Để gầy dựng thương hiệu theo hướng bền vững, huyện nghèo A Lưới cần sự quan tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan chuyên ngành. Ảnh: Công Điền.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới cho biết: Bò vàng A Lưới là giống bò bản địa, bò có thớ thịt nhỏ, mịn, được chăn nuôi trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon hơn các giống bò khác: “Phương thức chăn nuôi của người dân, kết hợp địa hình đặc thù với độ cao 680-1150m, nằm giữa hai dãy Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, nơi có các thảm thực vật khác biệt, đã làm nên hương vị riêng, hiếm có của thịt bò A Lưới”, ông Lập kể.

Chia sẻ về nội dung phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế thừa nhận, dù có nhiều tiềm năng nhưng quy mô sản xuất nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, vùng nguyên liệu tập trung không lớn khiến sản phẩm của các địa phương khó vươn xa.

Cũng theo ông Đức, không riêng gì đối với thương hiệu thịt bò vàng A Lưới, nhiều mặt hàng chăn nuôi khác cũng cần có những giải pháp để bảo tồn, phát triển nguồn giống chất lượng trước khi cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Để làm được điều đó, trước tiên cần giải quyết được bài toán đầu ra, sau đó mới tập trung xây dựng, phát triển. Khi sản phẩm có chỗ đứng, có thương hiệu sẽ cần những giải pháp dài hơi hơn để phát huy lợi thế.

“Việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm thịt bò vàng A Lưới bước đầu đã khẳng định danh tiếng trên thị trường bằng chất lượng vượt trội. Đây là cơ sở để duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận”, ông Đức chốt lại.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.