Đất khai phá nhiều năm
Mới đây, một số hộ dân đồng bào dân tộc Khmer, ở ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã tìm đến Văn phòng Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL (ở TP Cần Thơ) trình bày về việc bị tranh chấp đất đai nhiều năm qua nhưng chưa được chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo. Việc tranh chấp khiến họ không thể canh tác được, cuộc sống vốn đã nghèo khó lại càng khó khăn hơn.
Theo đơn trình bày, bà Thị Minh cho biết, gia đình bà có diện tích đất 30.384 m2 ở ấp Giồng Kè, xã Bình Giang. Nguồn gốc đất do cha bà Minh là ông Danh Cuộl khai phá đất hoang hóa từ năm 1983. Đến năm 2001, cha tôi cho tôi sử dụng trồng lúa đến năm 2019, có xác nhận của Tổ Nhân dân Tự quản và Trưởng ấp Giồng Kè có đóng dấu xác nhận.
“Như vậy, diện tích đất 30.384 m2 cha tôi và tôi đã sử dụng liên tục từ năm 1983 đến năm 2011 là 28 năm. Trong thời gian 28 năm, chỉ có một lần vào năm 1995 Nông trường Bình Sơn 2 tranh chấp với cha tôi nhưng không thành”, bà Minh trình bày.
Tương tự, hộ ông Danh Tol (ở cùng địa phương) cũng có đơn trình bày về diện tích đất 30.300 m2 tại ấp Giồng Kè, xã Bình Giang do gia đình khai phá và sử dụng từ năm 1985.
Đến năm 1995, Nông trường Bình Sơn 2 lấy đất của gia đình tôi rồi bỏ hoang. Thấy vậy, những hộ liền kề vào khai phá lại đất và tôi làm từ năm 2000 cho đến năm 2019, để trồng lúa.
Huyện cấp cho cán bộ?
Theo đơn trình bày của những hộ dân nói trên, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tìm về địa phương để xác minh vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, đất hộ bà Minh, ông Tol đang tranh chấp có nguồn gốc từ đất nhà nước giao cho Nông trường quốc doanh Bình Sơn.
Cụ thể, Quyết định số 2752/QĐ-UB Rạch Giá, ngày 29/8/1998 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi đất của Nông trường quốc doanh Bình Sơn, sử dụng không hết diện tích, giao cho UBND huyện Hòn Đất để quy hoạch bố trí sản xuất nông lâm nghiệp tại xã Bình Giang.
Đến ngày 5/11/2001, UBND huyện Hòn Đất ra Quyết định số 635/QĐ-UB về việc xét cho 6 hộ dân (gồm: Đặng Văn Tuân, Phạm Thanh Loan, Phạm Hữu Thanh, Trần Trọng Thiều, Nguyễn Văn Hùng và Ngô Thị Ngân) được thuê diện tích 17,7 ha. Đất hiện nay thuộc ấp Ranh Hạt và Giồng Kè, xã Bình Giang. Trong đó, có diện tích đất mà bà Minh, ông Tol đang tranh chấp.
Đến tháng 6/2005, UBND huyện Hòn Đất đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 hộ dân thuê đất nói trên. Trong đó, diện tích đất 30.384 m2 mà bà Minh cho rằng gia đình mình đã khai phá nhiều năm được cấp cho bà Ngô Thị Ngân. Còn diện tích đất 30.300 m2 ông Tol nhận có công khai phá được cấp cho ông Phạm Hữu Thanh.
Bà Minh, ông Tol cho rằng, do họ là những hộ nghèo, lại thất học nên không rành về các thủ tục xin cấp giấy quyền sử dụng đất. Còn việc UBND huyện Hòn Đất cấp đất cho các hộ thuê đất thực chất là lấy đất để chia cho cán bộ. Vì những hộ nhận đất này không có nhu cầu canh tác, mà bán sang tay cho nhiều người khác.
Theo tìm hiểu, thời điểm được cấp đất, bà Ngô Thị Ngân công tác tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hòn Đất. Còn ông Phạm Hữu Thanh công tác tại Phòng Lao động - TB&XH huyện Hòn Đất.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Ngân đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Danh Lành (năm 2016). Ông Lành tiếp tục chuyển cho bà Bùi Thị Trúc Mai (năm 2018). Bà Mai lại ủy quyền cho ông Phạm Ngọc Chơn (năm 2019) đứng ra giải quyết tranh chấp cũng như canh tác trên phần đất này.
Ông Phạm Hữu Thanh sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Danh Lành (năm 2016), ông Lành lại tiếp tục chuyển nhượng cho bà Lê Thị Trông (năm 2018).
Bồi thường thành quả
Tìm về địa phương, chúng tôi được ông Danh Hậu, Trưởng ấp Giồng Kè xác nhận: “Hai thửa đất mà bà Thị Minh, ông Danh Tol đang tranh chấp có nguồn gốc là đất cha mẹ họ tự khai hoang để lại.
Trước đó, họ vẫn canh tác nhưng không thấy có ai phản đối hay đến tranh chấp. Từ năm 2009-2010, xảy ra tranh chấp, nhưng những hộ này vẫn tiếp tục làm.
Từ đầu năm 2018 đến nay các hộ này không thể vào đất canh tác được nữa vì vào là có người đến ngăn cản”.
Do đây là vùng đất nhiễm phèn mặn, nên được người dân lên liếp trồng đào (cây điều lấy hạt). Đến khoảng đầu những năm 2000, một số hộ dân ở Cà Mau, Bạc Liêu qua thuê để nuôi tôm (vì là đất ven biển). Thấy hiệu quả nên từ đó vùng đất này được quy hoạch thành đất luân canh vụ lúa - vụ tôm.
Quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Một số hộ sau khi nhận đất, đã bồi thường thành quả lao động cho dân”. Cụ thể, theo biên nhận viết tay thì ông Danh Tol đã nhiều lần ký nhận tiền từ ông Phạm Hữu Thanh, với tổng số tiền là 12 triệu đồng.
Còn bà Thị Minh trong đơn trình bày cũng cho biết: “Năm 2011 bà Ngân bắt đầu cho máy vào cày trục trên đất của tôi, bị tôi ngăn cản nên ngưng. Thời gian sau bà Ngân xin bồi thường thành quả lao động trên diện tích đất này nhưng tôi không đồng ý và tiếp tục khiếu nại cho đến nay”.
Như vậy, có thể thấy, việc những người nhận đất thỏa thuận bồi thường thành quả cho dân chứng tỏ họ đã từng khai hoang, canh tác trên diện tích đất này là có thật.
Việc tranh chấp đất giữ bà Thị Minh, ông Danh Tol với những cán bộ ở huyện Hòn Đất đã diễn ra dai dẳng nhiều năm. Họ cũng đã làm đơn kiến nghị gửi đi nhiều nơi. UBND xã Bình Giang đã lập Hội đồng tư vấn hòa giải tranh chấp đất đai nhưng không thành.
“Nguyện vọng của tui là được giữ nguyên diện tích 30.384 m2 đất để sử dụng và được Nhà nước làm giấy kê khai quyền sử dụng đất theo pháp luật quy định. Bởi vì hiện nay, tui đang nuôi bốn đứa con và một người mẹ già, chỉ có diện tích đất đó để làm kế sinh nhai. Còn nếu thưa kiện ra tòa thì tôi không rành về pháp luật và cũng không có khả năng vì quá nghèo nên không có tiền đóng án phí”, bà Thị Minh nghẹn ngào nói.