| Hotline: 0983.970.780

Đại gia chi trăm triệu chơi địa lan Trần Mộng Sa Pa

Chủ Nhật 14/01/2024 , 09:15 (GMT+7)

Mặc dù có những khó khăn về kinh tế song lan Trần Mộng Sa Pa vẫn được những ‘đại gia’ săn mua với giá cả trăm triệu đồng mỗi chậu.

Hoa địa lan Trần Mộng Sa Pa được người chơi quan tâm bởi sắc hoa đẹp. Ảnh: H.Đ.

Hoa địa lan Trần Mộng Sa Pa được người chơi quan tâm bởi sắc hoa đẹp. Ảnh: H.Đ.

Lan Trần Mộng "đắt xắt ra miếng"

Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) là thủ phủ trồng lan ở Sa Pa, mỗi năm xuất bán hàng nghìn chậu lan đi khắp các tỉnh thành. Có nhiều dòng địa lan khác nhau nhưng lan Trần Mộng vẫn được các nhà vườn ưu tiên trồng bởi hoa nở đẹp, giữ được lâu và đối tượng khách hàng thường là những người có tiền, am hiểu, tường tận về hoa lan. 

Ông Lương Minh Tuấn ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) là một trong số những nhà vườn có thâm niên trồng và kinh doanh địa lan Trần Mộng. Loại lan này có thể phải trồng tới 2-3 năm mới cho ra hoa song hoa rất bền, có thể giữ đến 3-4 tháng. 

Ông Lương Minh Tuấn tiết lộ, mặc dù khó khăn nhưng các đại gia vẫn lên các nhà vườn đặt mua những chậu lan Trần Mộng đẹp nhất về chơi xuân.

"Thuyền hoa này được ghép từ hơn 260 cành lan Trần Mộng cho đại gia ở Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến thời điểm này, thuyền hoa được bán với giá 120 triệu đồng. Toàn bộ là lan Trần Mộng có màu xanh ngọc, nguồn gốc được trồng tại Tả Phìn (Sa Pa)", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông cũng giới thiệu một chậu hoa địa lan Trần Mộng khác có giá lên tới 50 triệu đồng, đã được một đơn vị đặt hàng. Ngoài chất hoa màu xanh ngọc, những cành lan Trần Mộng này có cần hoa dài gần 2m, mỗi cần có hàng chục bông hoa lan. 

Việc ghép lan đòi hỏi người trồng có nhiều kinh nghiệm bởi khi thay đổi môi trường, nhiệt độ, thay đất trong bồn, ghép củ có thể khiến hoa lan bị úa vàng, rụng hoặc héo dần... 

Riêng vườn địa lan của gia đình ông Lương Minh Tuấn năm nay đã phải làm tới 3 lớp lưới để chống nắng, mưa, sương muối... Tùy thuộc điều kiện thời tiết mà sử dụng những lớp lưới riêng biệt, đảm bảo cho những chậu địa lan Trần Mộng có giá hàng chục triệu đồng luôn tươi, giữ được chất hoa đẹp. 

Gia đình ông còn có dòng địa lan Sato hiếm có của Trung Quốc. Theo ông, loại lan này đã bị lão hóa giống theo thời gian nên không nhà vườn nào ở Lào Cai còn trồng.

Thuyền lan Trần Mộng này có giá 120 triệu đồng, đã được một đại gia đặt mua. Ảnh: H.Đ.

Thuyền lan Trần Mộng này có giá 120 triệu đồng, đã được một đại gia đặt mua. Ảnh: H.Đ.

"Nhà vườn có chậu lan Sato của Trung Quốc còn gọi là lan đài sen. Hoa và nụ lan to, mọc đều trên cần lan. Giống lan này hiện tại đã không còn ở Lào Cai và ở Tả Phìn chỉ có chậu lan này có 10 cành, được bán với giá 500 nghìn đồng/cần", ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ông Lương Minh Tuấn, địa lan Trần Mộng của Sa Pa thường có giá cao hơn các loại lan khác. 

Ông lý giải, "lan Trần Mộng có một cốt truyện cũng như ý nghĩa riêng mà chủ yếu do người dân ở Sa Pa trồng. Đây là loại lan khó trồng, đòi hỏi người trồng am hiểu kỹ thuật, cũng như dày dạn kinh nghiệm để trồng, chăm loại lan này. Mặc dù, trồng lan phải có nắng, có gió nhưng để trồng được lan Trần Mộng, người trồng phải căn chỉnh mức độ nắng gió sao cho phù hợp từng giai đoạn phát triển".

Ông Lương Minh Tuấn giới thiệu về những chậu lan đặc biệt của nhà vườn. Ảnh: H.Đ.

Ông Lương Minh Tuấn giới thiệu về những chậu lan đặc biệt của nhà vườn. Ảnh: H.Đ.

Nhà vườn cũng phải cân đối nhu cầu người tiêu dùng

Cách đây hơn 1 tháng, những nhà vườn trồng địa lan ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã di dời các chậu lan Trần Mộng của mình xuống khu vực Cốc San gần thành phố Lào Cai để bán. Các nhà vườn thường thuê đất hoặc vườn của các gia đình sống dọc quốc lộ 4D, đoạn qua xã Cốc San để tiện cho việc kinh doanh bởi đây là tuyến đường huyết mạch cho lộ trình lên Sa Pa của du khách.

Mặc dù an ninh ở Lào Cai khá tốt, tuy nhiên cùng với việc chăm chút cho những chậu lan bắt mắt hơn bằng bồn gỗ lũa thì các nhà vườn còn bố trí, cắt cử người trực tiếp ăn ngủ tại chỗ từ nay cho đến Tết để vừa bán, vừa trông lan.

Thực tế năm nay, địa lan của các nhà vườn tương đối đẹp do thời tiết thuận lợi. Song, do ảnh hưởng kinh tế nên việc mua sắm hay chơi địa lan hạn chế hơn so với các năm mặc dù nhu cầu về loại hoa này vẫn cao.

Ông Nguyễn Trung Kiên, chủ nhà vườn Kiên Nguyễn ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: "Nhà vườn chúng tôi trồng 2 loại lan gồm lan Trần Mộng và lan Sato của Trung Quốc. Lan Trần Mộng thời tiết ủng hộ nên lan năm nay khá đẹp còn lan Sato trong vườn cũng đã nở. Song kinh tế khó khăn nên nhiều người chơi lan chuyển sang mua lan Sato với giá cả rẻ hơn lan Trần Mộng, lại có nhiều màu khác nhau. 

Ngoài ra, những người trồng lan ở Tả Phìn còn phải cạnh tranh trực tiếp với những loại hoa lan được nhập từ Trung Quốc về có giá rất rẻ so với thị trường lan Việt Nam". 

Cũng theo lời ông Kiên, ngay cả giá địa lan của Trung Quốc trồng tại Việt Nam giá cũng đã khác. Tuy nhiên, nói về mặt chất lượng thì địa lan trồng ở Sa Pa hoa nở tốt hơn, lá xanh hơn, mặt hoa nở to và căng, chơi được lâu hơn. Còn những loại địa lan ở Trung Quốc được trồng ở nhà kính, được chăm sóc theo quy trình công nghiệp nên cây không khỏe và phát triển mạnh hơn như lan trồng ở Sa Pa.

Địa lan Trần Mộng có sắc thái riêng, chủ yếu được trồng ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: H.Đ.

Địa lan Trần Mộng có sắc thái riêng, chủ yếu được trồng ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: H.Đ.

Chính vì lan Trung Quốc có giá rẻ hơn lan Việt Nam nên năm nay các nhà vườn cũng phải tự cân đối, sáng tạo hơn trong việc tạo hình, ghép cần để có những chậu lan đẹp, thuyết phục những người mua hoa.

Giá lan Trần Mộng Sa Pa cao thấp tùy từng loại, mặt hoa song dao động từ 150-250 nghìn đồng/cần; cũng có loại lên đến 500-700 nghìn đồng/cần, nhất là những loại hoa xanh ngọc, lưỡi đỏ đậm. Các dòng lan đắt tiền này không có nhiều. Trên thị trường chủ yếu là lan Trần Mộng có giá tầm trung, phù hợp "ngân sách" của người tiêu dùng.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, trên địa bàn thị xã Sa Pa đang trồng khoảng 100 nghìn chậu địa lan, chủ yếu là giống lan Trần Mộng. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có khoảng 30 nghìn chậu địa lan được các nhà vườn đưa ra phục vụ thị trường.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm