Thời gian qua, hướng đến tinh thần giáo dục khai phóng, lấy người học làm trung tâm, Trường đại học Trà Vinh đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sinh viên. Theo TS. Nguyễn Minh Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Nhà trường đã mở rộng phát triển quỹ khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và học bổng khuyến khích học tập để giúp các bạn sinh viên mạnh dạn phát triển ý tưởng, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng giá trị phục vụ cộng đồng.
Từ đó, nhiều ý tưởng “khởi nghiệp xanh” độc đáo từ sinh viên tạo ra những sản phẩm thân thiện, an toàn hình thành. Để đưa phong trào phát triển sôi nổi mạnh mẽ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường đại học Trà Vinh đã thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp trong sinh viên năm 2019. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút trên 1.000 thành viên tham gia. Đây là môi trường ươm mầm, nuôi dưỡng và hỗ trợ phát triển các ý tưởng sáng tạo thành dự án khởi nghiệp.
Em Nguyễn Bá Lộc (sinh năm 1999) sinh viên năm 4 ngành Công nghệ hoá, thành viên Câu lạc bộ từ hai năm nay. Lộc có ý tưởng hình thành dự án khởi nghiệp từ Mật Dừa Nước cách đây hơn 1 năm. Sau nhiều lần nghiên cứu cách lấy mật, Lộc đã thành công và quyết định tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại Trường đại học Trà Vinh đầu năm 2021. Kết quả, dự án của Lộc đạt giải nhất và được chọn để hoàn thiện tham gia cuộc thi Hult Prze tại Đông Nam Á. Cũng tại cuộc thi này, nhóm của Lộc đã đạt 3 giải 3 bảng Việt Nam.
Nguyễn Bá Lộc chia sẻ: “Dừa nước là cây quen thuộc có nhiều ở vùng quê. Trong mật dừa nước, ngoài đường còn chứa nhiều muối khoáng như: Natri, Kali, Canxi…Hơn nữa, dự án cũng có nhiều kiến thức ứng dụng liên quan ngành học”.
Sau cuộc thi, Lộc tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình và đưa vào khởi nghiệp thật sự. Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng Lộc vẫn phấn khởi cho hay mỗi ngày em cũng bán được vài chục sản phẩm. Giá mỗi chai mật dừa nước 23.000 đồng, doanh thu trên 500.000 đồng/ngày.
Lộc cho biết em rất vui vì dự án của em đã tạo được việc làm cho 2 bác nông dân phụ giúp lấy mật với thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng. Thời gian tới, Lộc sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, mở rộng dự án và tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn hơn nữa. Bởi đây sẽ là động lực để người dân gìn giữ cây dừa nước, một loại cây chắn sóng, gây bồi bảo vệ đê phòng tránh sạt lở rất tốt ở ĐBSCL.
Theo Th.S Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường đại học Trà Vinh cho biết: “Thời gian qua, các thành viên đã đóng góp hơn 300 ý tưởng; từ đó hình thành hơn 40 dự án, ươm tạo 8 dự án. Hiện tại có 3 dự án khởi nghiệp thành công. Đó là dự án khởi nghiệp từ các sản phẩm về dừa như rượu dừa, son dừa, dầu dừa của chủ dự án Lương Mạnh Dương. Dự án khởi nghiệp từ men vi sinh hồ tôm công nghiệp của anh Ngô Đình Khải... Bên cạnh đó là Dự án Mật Dừa Nước của anh Nguyễn Bá Lộc…”.
Đại học Trà Vinh (TVU) đã tiên phong trong cả nước ký Tuyên bố Talloires (2013) cam kết xây dựng trường ĐH xanh toàn diện. Nhiều năm liền, TVU lọt vào top 200 trường ĐH xanh bền vững, thân thiện theo bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Ranking. Cùng với đó, TVU xếp hạng 71, trong top 100 trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội, theo xếp hạng của WURI Ranking, hệ thống xếp hạng các trường ĐH thế giới với tầm ảnh hưởng thật sự.
TVU là một những trường đại học nằm trong tốp đầu ở ĐBSCL có nhiều chương trình kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo chuẩn chất lượng AUN-QA, FIBAA, ABET với 13 chương trình kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế; Đang tiếp tục mở rộng kiểm định quốc tế AUN cho nhóm ngành khoa học sức khỏe và kiểm định ABET cho các ngành kỹ thuật công nghệ. Đồng thời, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ đào tạo 05 ngành chuyên khoa cấp I chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và răng hàm mặt cho Trường Đại học Trà Vinh.