Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, năm 2021 là năm mà ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp ứng phó và khắc phục, ngành NN-PTNT Trà Vinh có những nổ lực hết sức mình trong thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt là sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được nhiều biện pháp tích cực và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, mà phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch triển khai thực hiện đều đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Tiêu biểu như, giá trị sản xuất toàn ngành gần 28.000 tỷ đồng, tăng 0,24% so cùng kỳ. Tỷ lệ che phủ rừng 4,04% (đạt 100% kế hoạch). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, trong đó nước sạch đạt trên 73%. Tỉnh cũng có thêm 8 xã đạt 19/19 tiêu chí, 10 xã đạt xã NTM nâng cao. Huyện Châu Thành đã được Trung ương thông qua, đạt chuẩn huyện NTM. Đến cuối năm có 77/85 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 90% tổng số xã, 21 xã đạt NTM nâng cao.
Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể như, giá trị sản xuất toàn ngành không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm và chưa đồng bộ, liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều bất cập. Giá cả vật tư đầu vào và nhân công lao động tăng cao làm tăng chi phí sản xuất giảm lợi nhuận của người dân. Ảnh hưởng của triều cường và thay đổi dòng chảy làm sạt lở bờ sông, bờ biển và đê, kè. Nông sản có nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và cấp mã vùng trồng và nuôi không nhiều nên chưa tạo được nhiều lòng tin của người tiêu dùng…
Năm 2022 Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 2%. Có thêm 4 xã đạt NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 81/85 xã; 10 xã đạt NTM nâng cao và mỗi huyện có ít nhất 1 xã NTM kiểu mẫu trở lên. Huyện Cầu Ngang và Duyên Hải phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Để đạt được những mục tiêu trên, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành NN-PTNT thực hiện những giải pháp trọng tâm. Nhất là tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.
Ưu tiên chỉ đạo và huy động nguồn lực cho phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí, hỗ trợ cho 02 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.