| Hotline: 0983.970.780

Trà Vinh có 80 sản phẩm OCOP được công nhận

Chủ Nhật 06/02/2022 , 13:38 (GMT+7)

Sau 3 năm, tỉnh Trà Vinh đã có 80 sản phẩm OCOP. Trong đó, đạt 3 sao 67 sản phẩm, 4 sao 13 sản phẩm.

Sản phẩm kẹo dừa sáp và dừa sáp sợi của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (VICOSAP) vừa được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt sản phẩm tiềm năng nâng cấp lên 5 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm kẹo dừa sáp và dừa sáp sợi của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (VICOSAP) vừa được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt sản phẩm tiềm năng nâng cấp lên 5 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã hành quyết định công nhận 24 sản phẩm OCOP năm 2021. Theo đó, các sản phẩm của 17 chủ thể, gồm 9 hộ kinh doanh, 3 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã đạt hạng 3 sao.

Trong năm 2021, tỉnh Trà Vinh đã gửi hồ sơ sản phẩm Mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm - Sokfarm từ 4 sao lên 5 sao đến Hội đồng cấp Trung ương để đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Đồng thời, tỉnh cũng phê duyệt 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đó là các sản phẩm: Dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp ca cao, kẹo dừa sáp lá dứa và kẹo dừa sáp nguyên chất của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè - VICOSAP. 4 sản phẩm này sẽ được hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo quy định, trình Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia trong thời gian tới. 

Sản phẩm OCOP được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị 03 năm (36 tháng) kể từ ngày quyết định công nhận.

Anh Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (VICOSAP) chia sẻ: "Hiện công ty đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá tỉnh để nộp về Trung ương. Kể từ khi được công nhận sản phẩm OCOP cho các sản phẩm kẹo dừa sáp và dừa sáp sợi, Công ty đã nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm hơn nữa như giảm độ ngọt, tăng độ dẻo… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước".

Qua tham gia chương trình OCOP, giá trị sản phẩm cũng như giá trị gia tăng cho trái dừa sáp tăng lên rất nhiều. Sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Anh Trần Duy Linh chia sẻ thêm, hiện Công ty vừa mới cho ra đời thêm 2 sản phẩm từ dừa sáp đó là dừa sáp sấy khô giòn tan và sữa chua dừa sáp sấy khô. Công ty mong muốn tiếp tục đưa các sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP được công nhận trong thời gian tới, góp phần đưa đặc sản dừa sáp Trà Vinh vươn cao, bay xa.

Tỉnh Trà Vinh đã ban hành các chính sách riêng hỗ trợ sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Trà Vinh đã ban hành các chính sách riêng hỗ trợ sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Đảm.

 

Hiện tại, tỉnh Trà Vinh đã có chính sách riêng hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh ban hành Quy định Chính sách hỗ trợ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm nhưng không quá 10.000.000 đồng/sản phẩm.

Hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu 20m2/cửa hàng. Mức hỗ trợ: 50.000.000 đồng/cửa hàng.

Hỗ trợ cơ sở có sản phẩm OCOP được nâng sao. Sản phẩm từ 03 sao (50 - 69 điểm) được nâng lên đạt 04 sao (70 - 89 điểm) hỗ trợ 5.000.000 đồng/sản phẩm. Sản phẩm từ 03 sao (50 - 69 điểm) hoặc 04 sao (70 - 89 điểm) được nâng lên đạt 05 sao (90 - 100 điểm) hỗ trợ 10.000.000 đồng/sản phẩm. Trường hợp sản phẩm đạt dưới 03 sao (50 - 69 điểm) được nâng lên đạt 05 sao (90 - 100 điểm) hoặc đạt 05 sao (90 - 100 điểm) ngay từ lần xét duyệt đầu tiên thì được hỗ trợ 20.000.000 đồng/sản phẩm.

Hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 300.000.000 đồng/cơ sở.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.