| Hotline: 0983.970.780

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kỳ vọng nâng tầm ‘ngoại giao trái cây’

Thứ Hai 03/06/2024 , 21:47 (GMT+7)

Khái niệm ‘ngoại giao trái cây’ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ coi thương mại trái cây như phương tiện để tăng cường quan hệ ngoại giao, thúc đẩy kinh tế giữa hai nước.

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor (thứ 2 từ phải sang) và Jenny Moffitt (thứ 3 từ phải sang) thăm vườn bưởi tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) trong chuyến công tác tháng 2/2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor (thứ 2 từ phải sang) và Jenny Moffitt (thứ 3 từ phải sang) thăm vườn bưởi tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) trong chuyến công tác tháng 2/2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Phương thức hợp tác “ngoại giao trái cây” là một phần của chiến lược rộng lớn hơn, trong đó thương mại nông sản đóng vai trò quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Việt Nam được biết đến là vựa trái cây nhiệt đới của thế giới. Ngược lại, Hoa Kỳ có thể cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn trái cây đa dạng, tăng cường sự phong phú trên thị trường nội địa. Để xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ, Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn. 

Thương mại các sản phẩm nông nghiệp như trái cây cũng thúc đẩy trao đổi văn hóa. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng quen thuộc với các loại trái cây Việt Nam như thanh long, vải thiều, xoài..., từ đó dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với văn hóa và ẩm thực Việt Nam.

"Ngoại giao trái cây" cũng góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Khi mở cửa thị trường mới, nông dân Việt Nam được khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, an toàn để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn.

Tiềm năng, lợi thế của ngành trái cây Việt Nam

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông James Yi, Tùy viên Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ đánh giá: “Ngành trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhờ khí hậu đa dạng, thuận lợi cho việc trồng nhiều loại trái cây quanh năm. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng chú trọng vào nông nghiệp và xuất khẩu, hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ”.

Ông James Yi lưu ý, chất lượng là yếu tố then chốt để thành công trên thị trường toàn cầu. Việt Nam đã và đang nâng cao tiêu chuẩn chất lượng trái cây thông qua các phương pháp canh tác tiên tiến, quy trình xử lý sau thu hoạch hiện đại và tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm quốc tế.

Theo ông James Yi, Tùy viên Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngành trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Ảnh: Thanh Thủy.

Theo ông James Yi, Tùy viên Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngành trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Ảnh: Thanh Thủy.

Trái cây Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội tại thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt khi nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với trái cây nhiệt đới và ngoại nhập ngày càng tăng cao. Đến nay, Việt Nam đã được cấp quyền xuất khẩu 7 loại hoa quả tươi sang thị trường Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải thiều, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi.

Ông James Yi đưa ra một số đề xuất để tăng cường sự hiện diện của trái cây Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ. Ông cho rằng, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng trái cây, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ. Ngay từ khâu trồng trọt, trái cây muốn xuất sang Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chăm sóc, bảo quản và không dùng thuốc trong danh mục cấm.

Về tiếp cận thị trường, ông James Yi nói: “Nước bạn có thể xây dựng mạng lưới tiếp thị và phân phối mạnh mẽ, thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà nhập khẩu và bán lẻ tại Mỹ. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ thương mại quốc tế và quảng bá sản phẩm trái cây Việt Nam qua các kênh truyền thông cũng là những chiến lược quan trọng để tăng cường nhận diện và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ”.

Theo Tùy viên James Yi, mục tiêu mở rộng thị trường sẽ có lợi cho cả hai bên, đặc biệt khi phía Hoa Kỳ đặt mục tiêu xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản vào Việt Nam. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đóng vai trò là cầu nối giữa Bộ Nông nghiệp và cộng đồng nông dân hai nước. 

Vải là một trong 7 loại hoa quả tươi của Việt Nam được cấp quyền xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Tùng Đinh.

Vải là một trong 7 loại hoa quả tươi của Việt Nam được cấp quyền xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông James Yi có kỳ vọng lớn hai bên sẽ tiếp tục hợp tác, nâng cao thị trường thương mại trái cây. “Chúng tôi thấy rằng, thương mại nông nghiệp giữa hai nước đang phát triển theo cấp số nhân. Chúng tôi dự đoán rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển, với sự quan tâm không ngừng từ cả hai phía đối với trái cây, rau quả và các sản phẩm nông nghiệp mới”.

Khuyến nghị của Hoa Kỳ cho nông dân, doanh nghiệp Việt Nam

Giám đốc Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Hoa Kỳ (APHIS), ông J.J. Hurley đưa ra một số khuyến nghị cho người trồng và doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ.

Hoa Kỳ là thị trường có quy chuẩn khắt khe đối với vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Điều này bao gồm các vấn đề về sức khỏe thực vật và đảm bảo rằng các sản phẩm không mang mầm bệnh. Giám đốc APHIS đề cao Việt Nam đã rất thành công trong những năm qua. Hiện tại, Việt Nam mới có 7 mặt hàng trái cây được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng với những nỗ lực và sự hợp tác, con số này chắc chắn sẽ tăng lên.

“Đối với nông dân muốn xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ, việc giám sát sâu bệnh trên trang trại của mình là vô cùng quan trọng. Các quốc gia không muốn lây lan sâu bệnh vì chúng là mối đe dọa lớn đối với nông nghiệp”, ông Hurley cho hay.

Giám đốc Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) J.J. Hurley đưa ra một số khuyến nghị cho người trồng và doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ. Ảnh: Thanh Thủy.

Giám đốc Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) J.J. Hurley đưa ra một số khuyến nghị cho người trồng và doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ. Ảnh: Thanh Thủy.

Do đó, nếu tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, giữ trang trại sạch sẽ, giám sát sâu bệnh thường xuyên và làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn và vệ sinh, nông dân Việt Nam sẽ duy trì các hoạt động xuất khẩu hiệu quả. Bên cạnh đó, để có chuỗi nông sản xuất khẩu chuyên nghiệp, lành mạnh và an toàn, người trồng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. 

Ông Hurley nói thêm: “Tôi đã làm việc với cơ quan quản lý để quyết định các quy định về những gì được phép mang vào và không được phép mang vào Hoa Kỳ. Yêu cầu đối với tất cả trái cây tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là chúng phải được chiếu xạ, đây là phương pháp xử lý trái cây để giảm thiểu sâu bệnh trên trái cây”.

APHIS đang tích cực nghiên cứu các sản phẩm cũng như các thủ tục cần thiết nhằm thúc đẩy mở cửa một số mặt hàng trái cây cho cả hai nước. Phía Hoa Kỳ hi vọng sẽ sớm đưa sản phẩm đào từ bang California vào Việt Nam. Ngoài ra, các loại trái cây khác như nho, việt quất, anh đào, táo, lê và cam cũng có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.

Theo ông Hurley, nỗ lực xuất khẩu trái cây sang Việt Nam là một phần trong chính sách "ngoại giao trái cây" của Hoa Kỳ.

Mới đây, vào ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California (Hoa Kỳ). Theo đó, hai Bộ tập trung thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư trong nông nghiệp; khuyến khích hợp tác nghiên cứu và phát triển, trao đổi kỹ thuật và chia sẻ thông tin liên quan đến thực hành nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.