Nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích
Trao đổi với phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay áp lực về lương thực giảm đi, trong khi áp lực về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng lên.
“Đăk Lăk luôn xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Do đó, UBND tỉnh và Sở đã ban hành quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, địa phương sẽ xác định rõ chủ trương, định hướng phát triển, tạo sự đồng thuận cả hệ thống chính trị và tạo sự hưởng ứng của toàn xã hội: 4 nhà (Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học).
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại một số lợi ích như: Đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; không gây ảnh hưởng đến môi trường; tạo lập giá trị kinh tế cao hơn các sản phẩm thông thường; có thể kết hợp với các loại hình kinh tế khác như du lịch sinh thái, chứng nhận OCOP để mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã có một số người dân, HTX và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Vị giám đốc cho biết thêm, đối với cây cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh ngoài các chứng nhận như 4C, UTZ, FLO, Raiforet, VietGap đã có một số cá nhân và đơn vị tiên phong chứng nhận hữu cơ như Công ty Vương Thành Công tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột đã liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ có diện tích gần 40 ha; HTX Tiến Thành huyện Cư M’gar sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ với quy mô 40 ha...
“Có thể thấy sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Do đó, người dân đòi hỏi sản xuất phải thay đổi từ truyền thống sang sản xuất hữu cơ. Việc này vừa đảm bảo sức khoẻ cho chính người sản xuất và người tiêu dùng vừa bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Hoài Dương thông tin.
Nhiều cái khó
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp Đăk Lăk cho biết hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do phương thức canh tác nông nghiệp ở địa phương đã sử dụng phân bón hóa học để tăng năng suất, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để diệt côn trùng, phòng trừ sâu bệnh nên đất đai ít nhiều đã bị thoái hóa, ô nhiễm, cần phải có thời gian, kinh phí, công nghệ, khoa học kỹ thuật để cải tạo, phục hồi độ phì nhiêu của đất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Quy trình sản xuất và chế độ giám sát phức tạp sẽ tạo ra chi phí đầu vào cao cũng là những thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với nông dân, kể cả các cơ sở tổ chức khác như Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, quy mô hẹp, chưa có vùng sản xuất lớn. Thêm vào đó, các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể cho từng cây trồng, vật nuôi cũng chưa được ban hành. Việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ để đạt tiêu chuẩn của các Tổ chức chứng nhận từ khâu sản xuất, chế biến, nhãn mác hàng hóa phụ thuộc phần lớn vào các tổ chức ngoài nước", người đứng đầu ngành nông nghiệp Đăk Lăk nói.
Vị này cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp những thách thức về công tác đào tạo kể cả công tác quản lý để hỗ trợ người sản xuất, người nông dân với kiến thức nông nghiệp hữu cơ. Tài nguyên đất nông nghiệp của tỉnh cũng rất phong phú, đa dạng, các lọai nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh cũng khác nhau. Vì vậy, không thể ứng dụng đồng bộ, rập khuôn mà cần phải được triển khai nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, sản xuất theo hướng hữu cơ đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn và thị trường đầu ra chưa ổn định đây là trở ngại chung mà ngành nông nghiệp đang cùng các ngành khác quan tâm để tháo gỡ.
Do đó, cơ quan chức năng sẽ nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về hiệu quả kinh tế, lợi ích môi trường và lợi thế thị trường của nông nghiệp hữu cơ; xây dựng mới (hoặc sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa chính sách đã ban hành) để có chính sách đồng bộ làm cơ sở triển khai, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển thị trường, hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh: ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của Đăk Lăk, Tây Nguyên.
“Nguồn lực tài chính của địa phương còn hạn chế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ luôn gặp khó khăn về vốn khi triển khai các chương trình về nông nghiệp. Giải pháp về vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân triển khai dự án nông nghiệp hữu cơ là rất cần thiết để biến tiềm năng, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thành thực tế. Do đó Chính phủ nên có gói tín dụng đặc biệt cho chương trình này”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk.