| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn hồ chứa vùng Vu Gia - Thu Bồn

Thứ Tư 19/09/2018 , 14:50 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Nam đang bước vào mùa mưa bão nên vấn đề quan tâm hiện nay là đảm bảo an toàn hồ đập, ứng phó với những tình huống bất lợi do thiên tai gây ra.

08-40-52_1
Các hồ chứa thủy lợi lớn vùng Vu Gia - Thu Bồn đã đảm bảo về an toàn hồ đập trước mùa mưa bão 2018

Đặc biệt, vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn là khu vực trọng điểm được các sở, ban ngành địa phương ưu tiên hàng đầu. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước, hồ đập thủy điện về cơ bản đã đảm bảo yếu tố an toàn.

Khu vực Vu Gia - Thu Bồn đang có 47 công trình hồ đập thủy lợi lớn nhỏ cùng với 4 công trình thủy điện điều tiết lũ có dung lượng tích nước lớn ảnh hưởng tới vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn là thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 và thủy điện A Vương. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam thì các thủy điện này hiện nay đã đáp ứng được vấn đề an toàn hồ chứa trong trường hợp xảy ra mưa lớn.

“Tồn tại lớn nhất ở các thủy điện hiện nay là việc xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn nhưng nếu yêu cầu mỗi thủy điện lập 1 bản đồ ngập lụt hạ du là không phù hợp với lưu vực nói trên. Việc này tỉnh cũng đã có kiến nghị và Bộ NN-PTNT đang chủ trì việc xây dựng bản đồ ngập lụt cho phù hợp với thực tế địa phương”, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết.

Cũng theo ông Tý, thêm một vấn đề nữa ở các thủy điện này là hiện tượng động đất thường xuyên xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên cường độ của các trận động đất trên địa bàn vẫn nằm trong tầm kiểm soát của thiết kế. Các trận động đất xảy ra ở thủy điện Sông Tranh có cường độ dưới 3,9 độ ricter trong khi đó, thiết kế của thủy điện Sông Tranh 2 có thể chịu được cường độ 5,5 độ ricter nên cũng không ảnh hưởng gì lớn.

Đối với các hồ chứa nước thủy lợi ở vùng Vu Gia - Thu Bồn thì bắt đầu từ tháng 7, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã phối hợp với các địa phương tiến hành công tác kiểm tra đồng thời làm báo cáo gửi Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh chậm nhất là đến ngày 31/8 hàng năm. Theo kết quả kiểm tra trong năm nay thì với 17 hồ chứa lớn về cơ bản đã đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2018.

Riêng với 30 hồ chứa thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý, qua kiểm tra và đánh giá thì các hồ này vẫn còn bộc lộ một số tồn tại với những biểu hiện như mặt đập không còn như trước vì đã xây dựng từ lâu (những năm 1990 trở về trước). Dù các địa phương có đầu tư nâng cấp nhưng cũng chỉ theo dạng chắp vá chứ không sửa chữa, nâng cấp quy mô.

Ngoài ra, vấn đề thi công ở các hồ chứa nhỏ này cũng trong điều kiện hạn chế về nguồn vốn đầu tư dẫn nên gặp khó khăn trong công tác nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn thiết kế hồ đập hiện nay có những thay đổi mà các hồ đập nhỏ vẫn chưa đáp ứng đủ.

“Với những tồn tại đó, chúng tôi đã tham mưu văn bản chỉ đạo cho các địa phương phải tăng cường công tác quan trắc. Với những hồ có vấn đề và sau khi Chi cục Thủy lợi đã kiểm tra và làm văn bản báo cáo thì đề nghị hạn chế việc tích nước. Đồng thời, Sở NN-PTNT đã đề nghị cần nâng cấp các hồ theo tiêu chuẩn mới cho đảm bảo”, ông Tý nói.

Việc nâng cấp này cũng đã được tỉnh Quảng Nam đề xuất bộ NN-PTNT chấp thuận và đưa vào dự án WB8 thực hiện trong 14 hồ chứa trên toàn địa bàn tỉnh với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng và 2 dự án khác trong nguồn vốn đảm bảo an toàn đập của Bộ NN-PTNT. Hiện Quảng Nam đang triển khai lập dự án và sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025. “Nếu các dự án này hoàn thành thì có thể đảm bảo vấn đề an toàn cho các hồ đập trong vài chục năm tới”, ông Tý nói thêm.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.