TP.HCM là thị trường tiêu thụ thịt rất lớn về thịt heo, với bình quân 10.000 con/ngày. Ảnh: Nguyễn Thủy. |
Tại buổi làm việc gần đây giữa Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu với UBND TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, bên cạnh công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi, UBND TP đã chỉ đạo cho Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trữ nguồn thịt heo đảm bảo cân đối cung cầu thị trường TP khi dịch bệnh bùng phát.
Hiện lượng thịt heo từ các nguồn cung ứng cho thị trường TP vào khoảng 106,5 tấn/ngày. Nguồn heo từ các tỉnh nhập vào TP chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (8,01%)...
Nhằm đảm bảo nguồn heo về TP.HCM an toàn với dịch bệnh, TP thường xuyên phối hợp với các tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn heo, hàng ngày lấy mẫu heo ở các cơ sở giết mổ để xét nghiệm, thống nhất những tuyến đường vận chuyển heo giữa TP với các tỉnh…
Để duy trì nguồn cung thịt heo, trong thời gian qua, Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với Vissan, TCty Nông nghiệp Sài Gòn, Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P Việt Nam)… nhằm lên kế hoạch dự trữ thịt lợn, đảm bảo ổn định nguồn cung trong thời gian tới. Theo đó, Vissan cam kết sẽ tăng cường thu mua giết mổ và dự trữ thịt heo bằng cách cấp đông. C.P Việt Nam cũng cam kết giữ nguồn cung thịt heo một cách ổn định, bởi công ty vẫn giữ nguyên đàn heo nái nên duy trì được sản lượng heo thịt…
Cụ thể, Vissan đã nâng công suất giết mổ từ 1.200 con/ngày lên 1.300 con/ngày. Trong đó, 1/3 lượng thịt giết mổ được sử dụng cho chế biến, 2/3 còn lại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt tươi sống của người dân TP. Bên cạnh đó, Vissan đang đẩy mạnh cấp đông thịt heo để dự trữ cho tiêu thụ trong những tháng cuối năm. Đến nay, công ty này đã cấp đông được hơn 2.000 tấn thịt heo và tiếp tục cấp đông thêm khoảng 100 con/ngày.
đảm bảo nguồn cung thịt heo an toàn trong bối cảnh trên địa bàn TP.HCM cũng đã xuất hiện ổ dịch, các hệ thống siêu thị lớn ở TP.HCM cũng đang đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng thịt heo.
Chẳng hạn, Saigon Co.op đã cử nhân viên quản lý chất lượng túc trực ngay tại các các điểm giết mổ. Trước hết là nhằm đảm bảo heo được đưa vào giết mổ là heo sống, khỏe mạnh, không có các biểu hiện của dịch bệnh. Đồng thời giám sát từ giết mổ đến pha lóc thành thịt heo mảnh rồi vận chuyển thịt về siêu thị sao cho mọi khâu đều đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chẳng hạn, heo phải được giết mổ, pha lóc trên dây chuyền đảm bảo vệ sinh, có chứng nhận kiểm dịch của thú y. Sau khi giết mổ, pha lóc, thịt heo được kiểm tra chất lượng một lần nữa rồi được làm mát, chuyên chở bằng xe chuyên dụng về các siêu thị.
Saigon Co.op và các hệ thống phân phối khác đều chỉ lấy nguồn thịt heo an toàn, sạch bệnh từ các nhà cung cấp có uy tín như Vissan, C.P Việt Nam, TCty Nông nghiệp Sài Gòn… Hầu hết nguồn thịt heo từ các nhà cung ứng này đều có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi công nghiệp, được bảo vệ khỏi dịch bệnh bằng quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt, heo nuôi đạt chuẩn VietGHAP và có truy xuất nguồn gốc.
Ngay bản thân các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi không chỉ chủ động trong việc bảo vệ đàn heo của mình trước nguy cơ dịch bệnh và còn đảm bảo nguồn heo cung ứng ra thị trường không nhiễm bệnh trong quá trình vận chuyển.
Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc C.P Việt Nam, từ khi dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, công ty đã không còn cho các xe tải của khách hàng đến lấy heo hơi ngay tại các trang trại của công ty.
Thay vào đó, khách hàng lấy heo hơi ở các trung tâm mua bán heo của C.P Việt Nam. Xe của khách hàng khi ra vào các trung tâm mua bán đều phải được tiêu độc khử trùng. Với cách làm này, C.P Việt Nam đã cắt được một nguồn lây lan dịch bệnh.