Những ngày qua, thời tiết vào ban đêm tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có thời điểm xuống dưới 12 độ C, kèm theo mưa phùn. Tuy nhiên, nhờ công tác chống rét cho đàn vật nuôi được người dân chủ động, đàn vật nuôi đã được bảo vệ an toàn.
Nhiều hộ vùng đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thay đổi tập quán thả rông gia súc, quây chuồng nuôi nhốt, đêm đêm đốt lửa, chuẩn bị sẵn các thức ăn dự trữ giàu chất dinh dưỡng để bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Kim Duy Đểnh, người dân tộc Mường tại thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn (huyện Ngọc Lặc) cho hay, gia đình ông đã trồng gần 1 ha cỏ và ngô sinh khối để sẵn sàng cung cấp thức ăn xanh cho trâu bò trong mùa đông năm nay. Trước mùa rét, ông còn mua rơm cuộn về dự trữ trong nhà; mua bã sắn, bã dong, bã đậu phụ về ủ lên men cùng với bột ngô và muối để cho trâu bò ăn chống rét.
Nhờ vậy, dù thời tiết những ngày qua rét buốt kèm mưa nhưng gia đình ông vẫn chủ động nguồn thức ăn và cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cho đàn trâu bò.
“Nghe đài báo thời tiết sắp rét đậm rét hại, tôi đã dùng bạt quây quanh chuồng nuôi, nhất là hướng gió thổi. Có đêm trời rét quá, tôi còn đốt củi trong chuồng để giữ ấm cho 12 con bò. Đồng bào giờ đã thay đổi tập quán thói quen, trước kia còn thả trâu bò trong rừng nhưng giờ đem về nuôi nhốt nên gần như không có trâu bò chết rét”, ông Đểnh chia sẻ.
Tận dụng nguồn thức ăn từ lá mía, ngọn mía, một số hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc dùng máy cắt nhỏ thức ăn tươi, ủ lên men cùng với tinh bột để cung cấp lượng dinh dưỡng cao hơn cho đàn vật nuôi những ngày giá rét.
Ông Bùi Văn Chính, trú tại thôn 2, xã Ngọc Liên (huyện Ngọc Lặc) cho rằng, chính việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng, cộng với che chắn chuồng trại, giữ chuồng nuôi luôn khô ráo đã giúp đàn trâu của gia đình ông phát triển tốt qua rất nhiều mùa mưa rét.
“Thức ăn ủ lên men tốt cho tiêu hóa và thực tế trâu bò cũng rất ưa thích loại thức ăn này. Hầu hết người chăn nuôi ở đây đều chuẩn bị rất tốt trước lúc mùa mưa rét về nên đàn vật nuôi được bảo đảm sức khỏe, phát triển tốt”.
Ông Lê Văn Thu, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Lặc cho biết, ngoài diện tích dành cho chăn thả gia súc ngày càng hạn hẹp thì thay đổi ý thức chăn nuôi của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, chống rét cho đàn vật nuôi.
“Toàn huyện có gần 20 nghìn con trâu, bò, nhưng những năm lại đây hầu như không xẩy ra tình trạng chết rét. Hện nay đa phần đồng bào đều chăn nuôi bán chăn thả, khi rét thì lùa về chuồng quây kín, sưởi ấm và cho ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng”, ông Thu cho hay.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, số trâu bò chết do đói rét ở địa phương gần như không có. Ngoài việc tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, qua công tác tuyên truyền, người dân các huyện miền núi đã thay đổi thói quen, chuyển dần từ chăn thả tự do trong rừng sang nuôi nhốt, bán chăn thả. Bên cạnh đó, công tác phòng chống rét cho đàn gia súc ngày càng được người dân và các cấp chính quyền quan tâm.
Tăng cường cán bộ xuống cơ sở đôn đốc chống đói rét cho gia súc
Thanh Hóa có gần 0,5 triệu con trâu bò, tập trung tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân… Đầu năm 2022, tỉnh đã giao chỉ tiêu tiêm phòng gia súc gia cầm đợt 1 cho các địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống rét cho đàn vật nuôi.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa khuyến cáo, vào những ngày giá rét, người dân không chăn thả và bắt gia súc làm việc sớm, về muộn. Những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C, cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng.
Chính quyền các địa phương phải cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho vật nuôi; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại; tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng dịch bệnh và sức chống chịu với giá rét.