| Hotline: 0983.970.780

Đắng lòng quýt ngọt

Chủ Nhật 04/04/2021 , 18:03 (GMT+7)

Hàng nghìn ha quýt ngọt của Nghệ An giá chỉ 2.000 - 3.000 đ/kg nhưng vẫn không bán được. Nguyên nhân chủ yếu do người dân ồ ạt mở rộng diện tích.

Ê hề quýt ngọt

Giống quýt ngọt PQ được trồng chủ yếu trên đất bazan thuộc 3 huyện, thị gồm Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Thị xã Thái Hòa của tỉnh Nghệ An. Từ Tết Nguyên đán đến nay là mùa thu hoạch quýt, hiện đang vào mùa thu hoạch đại trà với tổng sản lượng ước đạt 14.000 - 15.000 tấn quả trên các diện tích cho thu hoạch.

Thế nhưng thật đáng buồn, quả quýt vừa to, vừa ngọt bán với giá 2.000 đến 2.500 đ/kg vẫn ế, không tiêu thụ được. Nông dân trồng quýt ở Nghệ An đang phải cầu cứu tỉnh, huyện giúp đỡ để 'giải cứu'.

Chưa năm nào, người trồng quýt ở Nghệ An buồn như năm nay. Ảnh: DTT

Chưa năm nào, người trồng quýt ở Nghệ An buồn như năm nay. Ảnh: DTT

Ông Hoàng Thanh Hoài ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn có 1 ha quýt trồng cách đây 7 năm, đang thời kỳ sai quả, dự kiến sẽ cho năng suất 30 tấn quả/ha.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông mới chỉ bán được khoảng 2 tấn quả, từ sau Tết đến nay chẳng có thương lái nào đến mua. Quýt chín rụng đầy gốc cây, bán với giá 2.000 - 2.500 đ/kg cũng không có người mua.

Hiện trên cây vườn ông còn khoảng 20 tấn quả nữa, không bán được. Một số đã bị rụng hết quả, các chồi non của cây lại tiếp tục ra hoa mới. Bây giờ chặt phá để trồng cây khác thì tiếc, để vậy thì sợ vụ tới lặp lại cái cảnh thừa ế như năm nay cũng không xong.

Bà Nguyễn Thị Thành ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn buồn bã: Cả vườn quýt rộng mênh mông quả chín vàng treo trên cây cứ rụng dần, chất thành đống ở dưới gốc không buồn hái, vì không bán được cho ai.

Theo chị Thành, mọi năm trung bình bán 8.000 - 10.000 đ/kg quả không khó và sau Tết là bán hết, trừ chi phí còn lại khoảng trên dưới 100 triệu đồng thu nhập. Năm nay bán với giá 2.000 đ/kg cũng không có người mua.

Ông Hoàng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: Toàn xã có 102 ha quýt PQ, trong đó có 93 ha cho thu hoạch. Nhưng nóng nhất hiện nay là quýt của bà con không tiêu thụ được, khiến các chủ hộ đứng ngồi không yên.

Năm nay quýt lại được mùa lớn, năng suất thấp nhất là 20 tấn quả/ha, cao nhất đến 30 tấn/ha. Nhưng bà con nông dân ở đây từ Tết Nguyên đán đến nay mới bán được 10% sản lượng, số còn lại 90% (khoảng 2.000 tấn quả) chưa bán được, đang trên cây.

Ồ ạt trồng quýt 

Nguyên do quýt thừa ế nhiều, không bán được, theo ông Phúc là nhiều năm trước đây, diện tích quýt chưa nhiều, bán được giá, thu nhập khá nên bà con đua nhau mở rộng diện tích trồng quýt quá 'nóng'.

Trong khi đó, khả năng tiêu thụ quả quýt của thị trường có hạn và đặc biệt năm nay không may lại gặp dịch bệnh Covid-19 nên các tư thương đến mua rất ít do việc vận chuyển, lưu thông quýt ra các thị trường để bán gặp nhiều khó khăn.

Tăng quá nhanh về diện tích, trong khi chưa có phương án tiêu thụ rõ ràng đã khiến quýt Nghệ An rớt giá thảm. Ảnh: DTT

Tăng quá nhanh về diện tích, trong khi chưa có phương án tiêu thụ rõ ràng đã khiến quýt Nghệ An rớt giá thảm. Ảnh: DTT

Đến huyện Quỳ Hợp càng bi đát hơn, ông Cao Minh Thường ở xã Nghĩa Xuân đang chặt bỏ hàng trăm cây quýt để lấy lại đất trồng mía. Theo ông Thường, giá mía có thể thấp, cao thất thường. Nhưng đến mùa thu hoạch được nhà máy đường bao tiêu hết sản phẩm, bà con không phải lo thừa ế, buồn bã như cây quýt hiện nay.

Theo ông Quản Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp: Toàn huyện có trên 560 ha quýt, năm nay quýt được mùa lớn, năng suất đạt từ 18 - 20 tấn quả/ha. Nhưng khốn nỗi đến bây giờ còn hơn một nửa diện tích quýt quả chín đỏ trên cây không biết giải quyết thế nào để bà con nông dân yên tâm giữ lại vườn quýt.

Cũng theo ông Quản Văn Giang, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thừa ế quýt với khối lượng lớn như năm nay là do mấy năm trước diện tích sản xuất quýt còn ít, sản lượng không nhiều, bán được giá.

Từ đó, bà con nông dân đổ xô mở rộng diện tích trồng lên nhiều, sản lượng lớn. Trong khi sản xuất còn thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm thì việc thừa ế quýt như hiện nay là tất yếu.

Vì vậy, chừng nào sản xuât cây ăn quả nói chung và cây quýt nói riêng không có sự liên kết với doanh nghiệp, chưa có nhà máy chế biến thì tình trạng thừa ế, mất giá, không bao tiêu được còn tiếp tục diễn ra như hiện nay.

Còn theo ông Lâm Văn Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn: Toàn huyện có trên 440 ha quýt PQ cho thu hoạch tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Thọ… Năng suất dự kiến đạt từ 20 - 22 tấn quả/ha, sản lượng trên 8.000 tấn. Trong số này mới hái bán được 1/3, còn lại 2/3 sản lượng quả chưa tiêu thụ được, quả quýt đã chín vàng rộ đang treo trên cây.

Trước thực trạng mùa thu hoạch quýt năm nay bà con nông dân không bán được, người dân kêu cứu, lãnh đạo xã, huyện ở 2 huyện Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn nơi có diện tích và sản lượng quýt nhiều nhất tỉnh đang trong cảnh bối rối, chưa có lối thoát rõ ràng.

Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Nghệ An cũng đã vào cuộc 'giải cứu' giúp bà con nông dân tìm cách tiêu thụ quýt.

Hội Nông dân tỉnh cũng như Tỉnh đoàn Nghệ An đã họp khẩn với các tổ chức đoàn thể của mình ở 21 huyện, thành, thị trong tỉnh để bàn biện pháp 'giải cứu' nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp nông dân trồng ở 2 huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp tiêu thụ hết sản phẩm. Nhờ sự vào cuộc này, sản lượng quýt bị thừa ế trong vòng 2-3 ngày gần đây đã được tiêu thụ đáng kể.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất