| Hotline: 0983.970.780

Dành cho những ai chưa biết về 'đào rừng'

Thứ Năm 04/02/2021 , 08:22 (GMT+7)

Bình thường dịp cuối năm Phàng A Lử mỗi ngày chở 2 chuyến đào, mỗi chuyến 2 cành, khoảng 10 ngày là lãi chừng 6-7 triệu nhưng năm nay phải chuyển sang buôn lợn bản.

Lử chuyển từ buôn đào sang buôn lợn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lử chuyển từ buôn đào sang buôn lợn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đây mới là “đào rừng”

Bởi đến giờ Lử mới chỉ bán được có vài cành, giá rẻ chỉ bằng một nửa năm ngoái đã đành mà thợ còn ít lên mua: “Em mua của dân mỗi cành 200.000 - 300.000 đồng, bán 500.000 - 700.000 đồng nhưng ế quá nên phải đi bán lợn bản mà cũng chậm lắm, hơn tuần nay mới bán được có 2 con, mỗi con lãi 150.000 - 200.000 đồng”. Lử nói với tôi như vậy.

Xã Chiềng Tương nơi Lử sinh sống là địa phương có nhiều đào nhất nhì huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. 9 bản Mông ở đây bản nào cũng có đào nhưng nhiều nhất phải kể đến Pom Khốc, Co Lắc, Pa Kha 1, Pa Kha 2.

Anh Tếnh Thành Đô - Bí thư xã cho tôi hay thời điểm này mọi năm bản nào cũng có một đội quân tham gia đi chặt đào về bán, không thể đếm hết nhưng không dưới 100 người.

Một nương đào nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nương đào nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chiều chiều con đường chạy qua UBND xã lúc nào cũng nườm nượp người, ầm ĩ tiếng xe máy chở cành đào đi qua. Tuy nhiên hai hôm nay xe dưới xuôi không thấy lên mấy, dân không bán được, mất tiền thu phụ lo cho cái tết đã cận kề. Tất cả đào bán về xuôi đều đều là do dân trồng xen kẽ với các loại cây khác trong vườn nên diện tích tuy rộng nhưng số gốc lại không quá nhiều.

Cũng theo anh Đô, trước đây người Mông không hề có khái niệm đào rừng mà chỉ có vài năm nay, có một loại cây ở rừng, trông xa tương tự cây đào, không biết gọi là cây gì nhưng đành gọi là “đào rừng”.

Loại cây ấy hoa to, màu hồng, khá đẹp, cả xã có chừng vài chục gốc tạm xếp vào “đào rừng một”. Lại có loại “đào rừng hai” hoa tàn nhanh, chỉ tồn tại trong vòng 1 tuần, kích cỡ nhỏ hơn, màu sắc nhạt hơn, không đẹp bằng, trong rừng thấy mọc khá nhiều.

Đào nhà nhưng người xuôi cứ quen gọi là đào rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đào nhà nhưng người xuôi cứ quen gọi là đào rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả hai giống “đào rừng” đó chẳng ai chặt cành đem đi bán cả vì không có ai mua, người Mông gọi là đào hoa để phân biệt với đào quả chuyên trồng quanh nhà, khi cây già cỗi, chất lượng kém thì chặt bán lấy hoa mà người dưới xuôi vẫn quen gọi là đào rừng. Gia đình người Mông nào hầu như cũng có vài ba cây đào cổ thụ thân mốc meo như thế quanh vườn lấy quả ăn chơi.

Khi đi lên nương họ mang những quả đào đó ra ăn giải khát, gặm hết phần thịt thì vứt hạt xuống, hạt mọc thành cây chứ chẳng có ai trồng.

Từ nhỏ tới giờ đã hơn 50 năm anh Đô chưa thấy cây đào nào mọc tự nhiên trong rừng cả. Dăm ba năm nay khi người xuôi ưa chuộng đào Sơn La, người Mông mới trồng đào quả thành nương, thành rẫy nhưng diện tích cũng chưa lớn.

Cây 'đào rừng' nhà anh Chơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây "đào rừng" nhà anh Chơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh 'đào rừng'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh "đào rừng". Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói rồi anh Bí thư cử một cán bộ xã dẫn tôi đi thực tế ở bản Pa Khan 1 nơi có nhiều gốc đào trồng tập trung nhưng khá non tuổi, chừng 4 - 6 năm, thân vẫn trắng, vỏ nhẵn thín khác hẳn với những gốc đào già quanh vườn nhà xù xì, mốc thếch…

Vòng vèo một hồi, chúng tôi cũng đến nhà ông Giàng Lao Trơ - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - người có trồng một cây đào rừng đánh ở trên núi về làm cảnh bên cạnh cây đào nhà. Cả hai đều đang ở thời kỳ khai hoa.

Ngắm nghía một hồi lâu tôi thấy gốc “đào rừng” này khá giống họ nhà đào nhưng lá và đặc biệt là hoa khác hẳn, chúng tương tự như một loại hoa leo hoang dại nào đó. Theo chủ nhân, sau khi tàn hoa nó cũng cho quả nhưng nhỏ và không ăn được.

Cành đào kỷ lục nhất vùng Yên Châu mấy năm qua lúc sang tay ngay tại đường giá đã hơn 50 triệu, thợ buôn người bản địa mua về bán lại cho thợ buôn người Hà Nội giá hơn 70 triệu, khi đến tay người tiêu dùng là khoảng hơn 100 triệu. Đó là một cành đào Lào dáng cổ quái, rêu, địa y bám quanh thân nhiều đến nỗi khi chiếu đèn vào lấp lánh như những thạch nhũ.

Covid bít kín đường về xuôi của đào

Hai cành đào giá 350.000 đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai cành đào giá 350.000 đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trên con dốc gần UBND xã Chiềng Tương tôi thấy một cái xe máy dựng ven đường buộc hai cành đào đằng sau yên nhưng chẳng có người trông. Hỏi mãi mới biết đó là xe của Tánh Lau Lữ.

Mang đào ra đây để bán mãi chẳng có ai mua nên anh chán quá bỏ cả xe đấy rồi đi chơi. Chập tối Lữ mới bán cho một thương lái được có 350.000 đồng nên mặt buồn thiu. Tôi hỏi thì Lữ đáp, vài năm trước toàn chặt đào vườn nhà mình đi bán nhưng 2 năm nay đã hết cành già, cành đẹp mà chỉ còn cành non nên toàn phải đi mua của các vườn ở bản khác.

Người vừa mua hai cành đào giá cực rẻ ấy là anh Trần Mạnh Cường mặt cũng không lấy gì làm vui. Anh cho biết mình là lái buôn ở Hà Nội, mọi năm tại thời điểm này (29/1) đã đánh được 5 - 6 xe ô tô loại 7 tấn chở đào về, mỗi xe chất được khoảng chừng 30 cành. Giá thuê xe là 5 triệu, cộng với ăn uống dọc đường nữa nên tính ra riêng phí chở đào từ Sơn La xuống Hà Nội đã là 200.000 đồng/cành.

Nhiều người cho biết đào 'rừng' năm nay ế ẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều người cho biết đào "rừng" năm nay ế ẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm nay đây là chuyến thứ hai nhưng cũng là chuyến cuối cùng bởi anh không thể đánh cược được với dịch Covid-19.

“Nhà nước ban hành chuyện cấm đào rừng, dân bản lúc đầu sợ không dám chặt, dân buôn lúc đầu cũng sợ thiếu giấy tờ không dám mua, nay đã có tem nhãn thì lại dính dịch. Giờ em đã trót thuê 2 ô ở chợ 365 ở quận Hà Đông giá 10 triệu nên mới phải cố đánh nốt xe này mong gỡ lại chút vốn chứ người khác cũng chẳng dám lên mua”.

Cánh thương lái Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… những vùng tiêu thụ đào Sơn La rất mạnh trong dịp tết thì năm nay lại càng không thể lên đây để thu mua được, ế lại càng thêm ế. Giàng Lao Của - một thợ buôn đào thuộc loại lớn nhất của xã Chiềng Tương cho hay thời điểm này năm ngoái có khoảng 20 xe đầu kéo, mỗi xe chở được khoảng 100 cành đi, năm nay mới được có 2 xe.

Những cành đào đẹp siêu hạng giá trên 10 triệu năm nay có trong vườn của dân nhưng anh không dám chặt vì thực sự rất khó bán. Còn những cành đẹp năm ngoái giá 10 triệu năm nay chỉ còn 7 triệu, cành đẹp vừa 3 - 5 triệu năm nay chỉ còn 1 - 2 triệu, loại xấu mấy trăm ngàn giờ chẳng có ai mua.

Dịch Covid-19 tác động đến thị trường lại thêm nhiều thủ tục khó khăn. Tem dù được xã cấp không nhưng nhà vườn đăng ký hồi đầu tháng 12 (âm) phải cỡ 10 ngày sau mới có. Đã thế, chuyện truy xuất nguồn gốc còn khó khăn hơn, ví dụ giấy tờ chỉ cấp cho 1 cây thôi nhưng cây đó cắt ra làm nhiều cành, mỗi cành bán một nơi là bó tay.

Cuối cùng thì Của chốt: “Đào rừng là do miệng của người buôn dưới xuôi muốn quảng cáo để bán cho nhanh thôi chứ thực tế đều là đào nhà hết cả anh ạ”.

Tại Sơn La, đa số đào được người dân trồng trong vườn hay trên nương, thường phân bố rải rác chứ ít khi tập trung thành vùng lớn. Nếu quy từ gốc ra diện tích thì toàn tỉnh áng chừng có khoảng 5.000ha.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm