| Hotline: 0983.970.780

Đánh vật với rau má Nhật

Thứ Sáu 22/04/2011 , 09:26 (GMT+7)

“Mục đích của tôi là trồng vài ba mét vuông rau má để phục vụ bữa ăn trong gia đình, ai ngờ thứ rau má nhập ngoại này đã làm chúng tôi khốn đốn”. Anh Phan Xuân Long, thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chán ngán khi nói về “cánh đồng” rau má...

“Mục đích của tôi là trồng vài ba mét vuông rau má để phục vụ bữa ăn trong gia đình, ai ngờ thứ rau má nhập ngoại này đã làm chúng tôi khốn đốn”. Anh Phan Xuân Long, thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chán ngán khi nói về “cánh đồng” rau má đang từng ngày, từng giờ “ăn” hết cả ruộng lạc của gia đình anh nói riêng, đồng ruộng nông dân Cẩm Xuyên nói chung.

Đầu năm 2010, thấy người bạn bên xóm đưa mấy cọng rau má từ TP Hồ Chí Minh về trồng, họ nói loại rau má ngoại này phát triển rất nhanh, trồng tháng trước tháng sau tha hồ mà ăn. Thấy mấy người bạn tuyên truyền có vẻ hấp dẫn, anh Phan Xuân Long cũng xin về trồng nhằm có thêm món rau ăn hằng ngày. Ai ngờ chỉ sau một thời gian ngắn hơn 1,5 sào đất bấy lâu nay nhà anh trồng lạc nay thay bằng lớp lớp màu xanh rau má.

Anh Long ngán ngẩm: “Trước 1,5 sào lạc này ít nhất cũng mang lại thu nhập hơn chục triệu đồng/năm cho gia đình tôi, nhưng vụ trồng lạc năm nay thì coi như hết, toàn bộ lạc đã bị rau má phá sạch”. Cũng theo anh Long, giống rau má này được người dân gọi là rau má Nhật Bản; cây rau phát triển rất nhanh, vị đắng; lá rau tròn, to, xanh đậm; thân và rễ cây mềm, dài bám sâu dưới lòng đất nên rất khó để tiêu hủy hết.

Ông Nguyễn Văn Nam ở khối 4, thị trấn Cẩm Xuyên, nói: Sau khi phát hiện giống rau má “quái dị” này cả làng đã thi nhau sử dụng các loại thuốc trừ cỏ như Glyphosate, Bravo... để phun trừ nhưng cây rau má không những không chết mà còn phát triển mạnh hơn, trong khi đó các loài cây cỏ khác không ngoi đầu lên được bởi sự trừ diệt tận gốc của thuốc cỏ. Đúng là giống rau má này không biết phải làm cách nào tiêu hủy được, chúng ngày một phát triển lây lan ra khắp mọi cánh đồng...

Không riêng gì huyện Cẩm Xuyên, ở Hà Tĩnh hiện nay có không ít “cánh đồng" rau má ở các huyện Thạch Hà, Hương Khê, TP Hà Tĩnh… khiến bà con ai cũng ngao ngán, ăn thì không ăn được vì đắng, trong khi nguy cơ các diện tích đất SX một thời gian nữa sẽ bị chúng “ngự trị”. Ông Bùi Quang Dung, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Cẩm Xuyên nói: “Việc đưa rau má về trồng hoàn toàn là do tính tự phát của người dân nên rất khó để xác định nguồn gốc. Theo đúng quy trình trước khi du nhập các đối tượng động thực vật ngoại lai về địa phương cần phải có ý kiến của các ngành chức năng, đồng thời, có quá trình khảo nghiệm trên diện hẹp để tránh tình trạng đối tượng đó phát sinh, gây hại trên cây trồng vật nuôi khác nhưng vì người dân thiếu hiểu biết, chủ quan nên mới gây nên đại họa này".

Ông Trần Hữu Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên băn khoăn rằng, tai hại khôn lường trên, buộc chúng tôi phải tìm phương án tối ưu nhất hiện nay là động viên nông dân trừ diệt loài rau má này bằng cách, nhổ bỏ từng cụm, từng cọng rau, đào hố thật sâu chôn xuống lòng đất may ra rau má không ngoi lên được. Cũng theo ông Duyệt, phương án nhổ bỏ chỉ là thủ công, vì vậy các ngành chức năng cần tìm ra một loại thuốc đặc trị để giúp bà con nông dân sớm tiêu hủy triệt để loại rau má ngoại lai nguy hiểm này.

Xem thêm
Tây Ninh phát triển bò thịt chất lượng cao: [Bài 1] Nâng tầm vóc, chất lượng nhờ tinh bò ngoại

Nổi tiếng bò thịt, Tây Ninh đã thụ tinh nhân tạo từ giống bò ngoại ưu việt giúp từng bước cải tạo giống, nâng cao tầm vóc, phát triển đàn bò bền vững.

Nuôi bò tuần hoàn chất thải an toàn dịch bệnh

Chăn nuôi bò ở Sóc Trăng có bước phát triển mới, khi có nhiều gia trại quy mô lớn được hình thành, xây dựng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, an toàn dịch bệnh.

Một thôn thu trên 21 tỷ đồng từ cây dứa

HÀ NỘI Từ các vùng đồi chuyên canh sắn, sau chuyển đổi sang trồng dứa, nông dân thôn Yên Thịnh đã tăng thu nhập gấp 5 lần so với cây trồng cũ.

Trẻ hóa vùng bưởi già cỗi

Nhiều vườn bưởi bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ của nông dân tỉnh Vĩnh Long đã phục hồi, phát triển tốt, cho năng suất cao nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.