Ưu điểm vượt trội
Huyện Tân Châu là địa phương được đánh giá có nhiều ưu thế về phát triển về nông nghiệp, chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh.
Trước đây, chăn nuôi bò trên địa bàn huyện chủ yếu là các giống bò lai Sind có ngoại hình nhỏ, trọng lượng sơ sinh nhẹ và tốc độ tăng trưởng thấp, do đó nhu cầu về cải tạo giống bò địa phương là rất cấp thiết.
Sau khi thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo đã giúp địa phương này đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò theo hướng thịt những năm gần đây. Đồng thời, thụ tinh cho bò bằng giống ngoại còn cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò địa phương, tránh hiện tượng đồng huyết.
Hiệu quả của mô hình giúp giải quyết công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Có thâm niên nuôi bò lâu năm và thành công nhất ở huyện Tân Châu phải kể đến ông Đặng Văn Chớ ở ấp Thạnh Phú, xã Tân Phú.
Ông Chớ cho biết, gia đình ông bắt đầu nuôi bò từ những năm 1979, có thời điểm đàn bò của ông lên đến cả trăm con.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chăn nuôi chủ yếu theo hình thức thả rông, bò tự phối giống với nhau nhiều khi xảy ra tình trạng cận huyết, nên bê con sinh ra có ngoại hình thường thấp, bé, nhiều bệnh tật, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng vật nuôi.
Năm 2018, ông Chớ được sự Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tư vấn và nhận được tinh và phối tinh miễn phí.
Ông Chớ còn được tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò mẹ sau khi được thụ tinh nhân tạo và phương thức sử dụng thức ăn hỗn hợp để chăn nuôi đàn bò được hiệu quả hơn.
Hiện, dù chỉ sở hữu đàn bò trên 20 con nhưng gia đình ông vẫn ‘sống khoẻ’ với nghề.
“Các giống bò được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hỗ trợ gồm bò 3B, Angus, Brahman. Giữa đàn bò được lai tạo và bò vàng tôi đang nuôi thì bò lai tạo phát triển khá tốt, vượt trội so với bò vàng. Bò lớn nhanh, thịt ngon, giá bán ổn định, không thấp hơn so với các giống bò khác, nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Đặng Văn Chớ chia sẻ.
Cách đó không xa là đàn bò 3B to khoẻ của anh Lê Quốc Nghị, cũng giống ông Chớ, nhờ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện anh đã làm chủ kinh tế từ nghề nuôi bò.
Theo anh Nghị, lúc trưởng thành, bò 3B đực có trọng lượng từ 1.100kg - 1.200kg, con cái từ 700kg - 750kg, nếu nuôi trong thời gian 3 - 4 năm có con nặng tới 1.400kg.
Trong khi đó, bò đực truyền thống khi trưởng thành chỉ nặng từ 250 - 280 kg, bò đực Sind trưởng thành thường có u vai rất to nhưng trọng lượng cũng chỉ đạt từ 450 - 500kg.
“Chất lượng thịt bò 3B cũng được các thương lái đánh giá cao hơn hẳn. Nhiều thương lái phản ánh với chúng tôi là chất béo của loại bò này rất thấp với thịt bò các giống khác. Có những phản hồi tích cực này cũng giúp chúng tôi yên tâm nuôi và chắc chắn sẽ có đầu ra”, anh Nghị phấn khởi.
Ông Dương Văn Phụng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết, với đặc thù diện tích đất nông nghiệp khoảng 95.000 ha, điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa hình bằng phẳng nên huyện có tiềm năng rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi.
Thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 -2025”, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu đã tiếp nhận 1.746 liều tinh, gồm các giống 3B, Angus, Brahman, Chrolais… Qua đó, tổ chức gieo tinh nhân tạo được 821 con trên tổng số 175 hộ.
Theo ông Phụng, việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn bò góp phần hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng, nguồn con giống được kiểm soát. Nhờ đó, đề án mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
“Đề án là một bước đi hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Song song với việc triển khai hỗ trợ phối giống tinh bò thịt chất lượng cao miễn phí, các hộ chăn nuôi còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh trên đàn bò nuôi. Từ đó, góp phần tăng tỷ trọng sản xuất người chăn nuôi địa phương”, ông Phụng nhấn mạnh.
Tiếp tục triển khai nhân rộng
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnhTây Ninh, do điều kiện thuận lợi về đất đai, đồng cỏ rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, thuận lợi phát triển chăn nuôi bò theo hướng thịt.
Hiện, Tây Ninh có đàn bò thương phẩm tương đối lớn với trên 100.000 con.
Mặc dù, đàn bò tại Tây Ninh phần lớn đã được “sind hoá”. Thế nhưng, giống bò trên địa bàn vẫn chưa được cải tiến, có tầm vóc nhỏ, bò thịt tăng trọng kém, chất lượng thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ thấp...
Thế nên, Tây Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác cải tạo giống bằng cách lai tạo giống bò địa phương với giống bò ngoại nhập. Phương pháp thụ tinh nhân tạo là “chìa khoá” để địa phương nâng cao giá trị đàn bò. Từ 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gieo được 1.951/3.400 con bò, đạt tỷ lệ 57,4% so với kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, ngành chăn nuôi bò thịt của tỉnh có truyền thống lâu đời, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ từ 4 - 6 con/ hộ.
Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đặt ra định hướng phát triển đàn bò theo hướng cải thiện giống, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm…
Điều này tạo điều kiện ổn định và phát triển các cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp tập trung.
Thông qua triển khai đề án "Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”, với việc thụ tinh nhân tạo góp phần cải thiện được khả năng di truyền, có thể áp dụng rộng rãi đến các hộ chăn nuôi, tạo được năng suất, chất lượng ở các thế hệ đời sau.
Tây Ninh cũng đã quy hoạch vùng trọng tâm phát triển bò thịt tại các huyện có lợi thế về đất đai, mật độ chăn nuôi thấp như: Bến Cầu, Tân Châu, Châu Thành… Tăng cường thu hút đầu tư trong chăn nuôi bò thịt vỗ béo, giết mổ và chế biến tiêu thụ sản phẩm.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới gieo tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc để nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai thụ tinh nhân tạo. Đây được xem là một giải pháp quan trọng nhằm cải thiện năng suất đàn bò thịt địa phương”, bà Loan chia sẻ.