Lên xã Sơn Đà (huyện Bà Vì, TP Hà Nội) gặp đúng ngày trời mưa tầm tã nhưng chị Vũ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã vẫn không quản ngại đồng đất nhớp nháp đưa chúng tôi đi thăm khắp các vùng đồi trồng dứa của địa phương, đến từng gia đình nắm bắt thông tin về kết quả sản xuất dứa của nhà nông.
Ông Đào Văn Hưng ở thôn Yên Thịnh (xã Sơn Đà) hồ hởi khoe, chưa có năm nào dứa được mùa, được giá như năm nay. Trên diện tích 1,5ha đồi trồng dứa, ông Hưng thu được 405 triệu đồng, trừ hết chi phí mua vật tư sản xuất, gia đình ông còn lãi gần 290 triệu đồng, tăng hơn 50 triệu đồng so với các năm trước. "Đấy là tôi vẫn tính non, tính chi tiết sẽ còn dôi thêm được vài chục triệu đồng nữa", vẫn ông Hưng phấn khởi.
Ông Nguyễn Phúc Nghĩ (cùng thôn Yên Thịnh) trồng 16ha đồi dứa, doanh thu 4,3 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3,9 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận của hộ ông Nghĩ thấp hơn các hộ khác vì ông trồng diện tích lớn, phải thuê công lao động và thuê mượn thêm đất canh tác. Tuy nhiên, so với trồng sắn hoặc gieo cấy lúa cùng diện tích, hiệu quả sản xuất vẫn cao gấp 5 - 7 lần.
Theo ông Nghĩ, cây dứa có ưu điểm ít bị sâu bệnh hại, không cần tưới dưỡng. Thâm canh cân đối sẽ không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm đáng kể công lao động. Nhưng ý nghĩa lớn nhất khi trồng dứa còn giúp phủ xanh đất đồi, ngăn xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Đào Danh Luấn, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Yên Thịnh là người đưa cây dứa về trồng trong thôn từ năm 1996. Thoạt đầu, ông Luấn cũng không tránh khỏi những ánh mắt nghi ngại của bà con xóm làng vì tập quán ở đây đã quen với cây sắn, đưa cây dứa về trồng liệu có cho thu hoạch? Vượt qua sự dèm pha của mọi người, ông Luấn vẫn quyết chuyển đổi 5.000m2 đất sắn sang trồng dứa.
Không ngờ, sau gần 1 năm cần mẫn, ông đã thu được ngót 25.000 trái dứa thơm ngon hơn hẳn sản phẩm cùng loại trồng ở các địa phương khác nên sản phẩm thu hái đến đâu thương lái đến mua hết ngay tới đó. Tính ra hiệu quả trồng dứa cao gấp 4 lần thâm canh cây sắn. Nhờ đó, phong trào trồng dứa đã từng bước lan rộng ra khắp các vùng đồi thôn Yên Thịnh.
Không dừng lại ở kết quả đạt được, để tăng cao hơn nữa giá thu nhập, ông Luấn vào tận Thanh Hoá để học hỏi kỹ thuật cho cây dứa ra quả trái vụ và tìm cách tăng mật độ trồng từ 2.000 cây/sào (360m2) lên 2.200 cây/sào. Đồng thời thử nghiệm và đã xác định được phân gà rất thích hợp cho chăm bón dứa, giúp cây sinh trưởng phát triển khoẻ, năng suất, chất lượng quả cao.
"Để sản xuất dứa bền vững, giảm thiểu sâu bệnh hại, ngoài bón cân đối NPK và phân gà, cần luân canh dứa với sắn hoặc ngô theo công thức 3 - 1 (3 năm trồng dứa, 1 năm trồng sắn hoặc ngô)", ông Luấn bật mí.
Cây dứa có bộ lá hình lòng mo và có lớp màng cutin dày bao phủ quanh bề mặt giúp hạn chế thoát hơi nước, thuận lợi cho các giọt sương trên lá chảy xuống rễ dưỡng cây và sâu bệnh cũng rất khó xâm nhập gây hại, vì vậy trồng dứa không cần tưới nước, rất ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, cây dứa còn có đặc tính sinh lý cho phép quang hợp hiệu quả ngay cả khi ánh nắng yếu, do vậy việc ông Luấn tăng mật độ trồng thích hợp cho vườn dứa để tăng hiệu quả sản suất là có cơ sở khoa học.
Việc trồng dứa ở thôn Yên Thịnh gần như không bị sâu bệnh hại còn do từ nhều năm nay, nhà nông trên địa bàn đã đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng như. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch, bà con dùng máy xúc đào hố tại góc ruộng, kết hợp thu gom hết thân, gốc, lá dứa và tàn dư thực vật để chôn lấp sâu trong đất, vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa vùi sâu các loại nấm bệnh gây hại. Đây có thể coi là một trong những mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Bà Vũ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Đà cho biết, vụ dứa năm 2024, toàn xã có 80ha, trồng tập trung hầu hết ở thôn Yên Thịnh, hiện dứa đã thu hoạch xong, doanh thu đạt trên 21 tỷ đồng.
Để thúc đẩy sản xuất dứa ổn định, Hội thường xuyên phối hợp với khuyến nông huyện Ba Vì và khuyến nông thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh các cây trồng nói chung, cây dứa nói riêng cho bà con. Đồng thời đứng ra làm đầu mối cung ứng phân bón trả chậm cho các hộ và phối hợp với ngành chức năng cấp mã số vùng trồng, quảng bá sản phẩm dứa quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
"Để mua được sản phẩm dứa ngon ngọt, cần lựa chọn những quả dứa chín vàng tươi, không trầy xước, bầm giập, trái to đều dạng ống, mắt căng và đều mắt, có hương thơm quyến rũ, đặc biệt là thu hoạch vào cuối tháng 2 âm lịch và những ngày trời nắng ráo. Dứa thu vào thời tiết nắng nóng gay gắt chất lượng sẽ giảm đáng kể. Để nấu canh chua hoặc làm dưa góp, có thể mua quả dứa thu hái ngoài khoảng thời gian nêu trên", theo ông Đào Danh Luấn.