Đạo diễn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình quý tộc phong kiến, đạo diễn Xuân Phượng đi theo kháng chiến từ năm 16 tuổi.
Đạo diễn Xuân Phượng ghi tên mình vào lịch sử phim tài liệu Việt Nam, với các tác phẩm “Việt Nam và chiếc xe đạp” (1974), “Khi tiếng súng vừa tắt” (1975), “Khi những nụ cười trở lại” (1976), “Hai tiếng quê hương” (1978), “Tôi viết bài ca hồi sinh” (1979)…
Tuy nhiên, những bộ phim tài liệu dù lừng lẫy đến đâu cũng không thể phản ánh hết cuộc đời nhiều thăng trầm của đạo diễn Xuân Phượng. Từng được đào tạo ngành y, rồi làm công nhân ở xưởng chế tạo chất nổ, rồi làm thông dịch viên ngoại giao, rồi làm truyền hình… Thậm chí, có giai đoạn đạo diễn Xuân Phượng còn đảm nhận vị trí Trưởng phòng khám Nhi quận Ba Đình - Hà Nội, mà một bệnh nhân đến bây giờ vẫn nhớ ơn bà là nhà văn Bảo Ninh.
Đạo diễn Xuân Phượng nói về nguyên nhân viết hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” rất đơn giản: “Tôi muốn giải thích với họ hàng vì sao tôi dấn thân vào cuộc cách mạng để gia đình ly tán, và muốn giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh đầy bi hùng của Việt Nam ở thế kỷ 20”.
Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” thực chất được đạo diễn Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” đã xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2001 và sau đó được in lại tiếng Anh ở nhiều quốc gia. Khi nhận được đơn đặt hàng của một nhà xuất bản uy tín của Pháp, đạo diễn Xuân Phượng đã mất 7 tháng để viết xong hồi ký “Áo dài”. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đạo diễn Xuân Phượng đã bỏ ra 3 tháng để viết lại “Áo dài” bằng tiếng Việt, và Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành với tên gọi “Gánh gánh gồng gồng”.
Cuộc đời của đạo diễn Xuân Phượng là một pho lịch sử thu nhỏ của Việt Nam thế kỷ 20. Bà đã chứng kiến vua Bảo Đại đại diện vương triều cuối cùng trao ấn kiếm cho nhà sử học Trần Huy Liệu đại diện chính quyền cách mạng tại cửa Ngọ Môn vào tháng 9-1945. Đồng thời, bà đã chứng kiến ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, giới chốp bu chính quyền Việt Nam cộng hòa lầm lũi rời khỏi quyền lực và những chiến sĩ giải phóng lau chùi bùn đất trên chiếc xe tăng vừa trải qua đợt hành quân thần tốc.
Vậy, ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đối với đạo diễn Xuân Phượng thì sao? Đó là một ký ức cực kỳ khó quên. Khi quân chủ lực đã về tiếp quản Hà Nội, thì bà ôm hai đứa con băng rừng để trở lại đô thành. Ngày ấy, xứ Tuyên Quang hoang vắng và còn nhiều cọp, nên bà phải di chuyển từng chặng. Bà õng đứa con nọ đến một quán nhỏ để gửi rồi chạy ngược để cõng tiếp đứa con kia. Cứ thế, khi đưa được hai con từ căn cứ chiến khu ra được thị trấn thì bà ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, bà thấy hai người phụ nữ đứng trước mặt mình với ánh mắt thương hại: “Cô ăn mày này tội nghiệp quá!”. Hai người phụ nữ tốt bụng đã cho mẹ con bà ăn uống và cho đi nhờ xe hơi về Hà Nội, để mẹ con bà được sum họp cùng chồng trong căn hộ tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu.
Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” cho thấy đạo diễn Xuân Phượng từ một người con gái bình thường đã có những trải nghiệm phi thường. Bà đã sinh đứa con đầu lòng trên một con đò trôi dạt giữa đêm đông lạnh lẽo trên sông Lô cuối năm 1949, và bà đã đỡ đẻ cho một đứa trẻ trong địa đạo Vĩnh Linh vào năm 1967. Tiếng khóc của đứa trẻ mở mắt chào đời, tiếng khóc của người mẹ sinh khó và tiếng khóc của người cha hạnh phúc trong khói lửa ngột ngạt chiến tranh, là một kỷ niệm khắc cốt ghi tâm khi nữ phiên dịch Xuân Phượng theo phụ việc cho đạo diễn Hà Lan- Joris Ivens làm phim tài liệu tại Vĩnh Linh. Thời điểm ấy, cũng khởi sự một đạo diễn Xuân Phượng nức danh trong giới truyền hình Việt Nam.
Đạo diễn Xuân Phượng cũng có vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ, mà bà kể lại với rất nhiều cảm xúc. Khi ở chiến khu Việt Bắc mùa đông, bà và nhiều đồng đội nữ thường tranh thủ ngủ muộn quá giờ kẻng báo thức. Một lần Bác Hồ đi thị sát đời sống cán bộ vào sáng sớm, bà vội vàng vùng dậy réo gọi chị em: “Bác Hồ đến rồi, tập hợp nhanh lên”. Thế nhưng, Bác Hồ đã đứng sau lưng, cất giọng: “Trễ rồi, các cô gái ơi!”.
Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đạo diễn Xuân Phượng cũng nhiều lần dẫn các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim về hoạt động của Bác Hồ. Ngày đoàn làm phim “Chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh” của Pháp tác nghiệp, thì Bác Hồ đang tiếp các dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm. Bác Hồ đội một cái mũ, ghi hình sẽ không đẹp. Bà Xuân Phượng đề nghị ông Vũ Kỳ là thư ký của Bác Hồ giúp đỡ, nhưng ông Vũ Kỳ không dám manh động. Chẳng còn cách nào khác, bà Xuân Phượng phải đến bên cạnh Bác Hồ để thưa chuyện: “Xin Bác bỏ cái mũ ra để quay phim!”. Bác Hồ hỏi luôn: “Cái mũ của Bác không đẹp à?”. Bà Xuân Phượng nhanh trí, đáp: “Thưa Bác, cái mũ của Bác rất đẹp, nhưng tóc của Bác còn đẹp hơn!”. Bác Hồ bật cười: “Cô này khá lắm!”. Và lấy cái mũ của mình đội sang đầu bà Xuân Phượng!
Khi từ Huế ra chiến khu Việt Bắc, đạo diễn Xuân Phượng kết hôn với chàng bộ đội pháo binh Tôn Thất Hoàng. Họ có với nhau cả thảy ba người con trai. Từ khi về hưu ở Đài Truyền hình TPHCM, đạo diễn Xuân Phượng trở thành một nhà sưu tập tranh tầm cỡ. Không chỉ sở hữu phòng tranh Lotus, đạo diễn Xuân Phượng còn đưa nhiều họa sĩ trẻ ra nước ngoài triển lãm và tham quan các bảo tàng để mở rộng hiểu biết mỹ thuật quốc tế.
Với những đóng góp cho giao lưu văn hóa Việt Pháp, đạo diễn Xuân Phượng đã được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương "Bắc đẩu bội tinh" vào năm 2011.
Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của đạo diễn Xuân Phượng thực sự mang đến cho độc giả nguồn tư liệu quý giá. Phải thừa nhận, hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” được viết bằng một văn phong giản dị và lưu loát, rất đáng kính nể ở một phụ nữ tuổi 91.
Với hồi ký “Gánh gánh gồng gồng”, đạo diễn Xuân Phượng chứng minh rằng, con người không dễ chọn lựa số phận mình trong những khúc quanh thời cuộc, quan trọng nhất là đón nhận một cách lạc quan và tin yêu.