| Hotline: 0983.970.780

Đào hoa thôn

Thứ Hai 13/06/2011 , 11:55 (GMT+7)

Cái nóng nực của phố thị bỗng dịu mát khi được dầm mình vào một thung lũng hoa đào xanh mướt mát ở Minh Tân.

Cái nóng nực của phố thị bỗng dịu mát khi được dầm mình vào một thung lũng hoa đào xanh mướt mát. Ít ai ngờ trên mảnh đất tưởng như khô cằn xứ núi Sóc Sơn này cây đào lại quyện duyên đến lạ.

Từ trồng chơi...

Minh Tân (Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội) vốn là vùng đất toàn đồi gò trọc bỏ hoang cho đến khi những người dân đi kinh tế mới lên đây bạt sơn, lập ấp những năm 80 của thế kỷ trước. Đường sá cách biệt, ruộng chẳng có, nghề cũng không, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào đồi rừng. Nhiều dự án như 327, dự án trồng vải thiều, sấu, trám, xoài…đã được đưa về đây rồi để lại sự ngậm ngùi, cay đắng cho nông dân vì thất bát, đổ bể.

Loay hoay mãi chẳng tìm được hướng đi, Minh Tân hồi trước chỉ bạt ngàn một màu xanh của sắn. Người trồng sắn. Sắn nuôi người. Nghèo khổ như bánh xe luân hồi cứ khắc nghiệt quay mãi nơi góc rừng, xó núi. Đến tận năm 2000, khi một lãnh đạo cấp cao về chứng kiến cảnh dân thủ đô vẫn phải tù mù đèn dầu, vẫn chưa biết đến mặt mũi cái ti vi, quạt máy ra sao, bức xúc quá sau đó lệnh cho điện lực đóng cột, chăng dây, Minh Tân mới có điện… Cách đây chừng mươi năm, mấy ông Nguyễn Quang Trì, Nguyễn Đình Trang, Nguyễn Đình Thuật, Trần Văn Phi nhân dịp về quê cũ có mang giống đào ta lên trồng chơi ngoài bờ rào, góc vườn. Không ngờ giống đào đó rất hợp đất đai, thổ nhưỡng, tiểu khí hậu nơi đây, cứ tốt bời bời. Vài năm sau, một vài người thấy đào dịp tết bung nở đẹp quá, hoài của chặt cành mang xuống chợ Phù Lỗ, Xuân Hòa. Bán thử mà lại cháy hàng thật.

Một chàng trai trẻ của Minh Tân là anh Nguyễn Văn Chiến thấy được cơ hội làm ăn mới, vụ hoa đào năm sau liều mình xuống tận thủ đô thuê đất để chào hàng. Chỉ một thời gian ngắn, gian hàng của anh "bị" vét sạch không còn một cành để giới thiệu. Đào Minh Tân là giống 4, 5 cánh, màu phai, vừa dày hoa lại nhiều lộc nõn rất hợp thị hiếu người chơi. Kể từ bấy, cây đào từ vị thế bị hắt hủi nơi xó xỉnh, góc tường rào đã được một số hộ dân Minh Tân đưa vào tầm ngắm như là một cứu cánh kinh tế. Họ nhổ sắn, bạt vườn tạp để trồng đào. Thủa đầu, dân Minh Tân trồng đào như…trồng sắn, chẳng biết một tí kỹ thuật tuốt lá, khoanh gốc, chăm bón, phun thuốc…

Năm nào thuận mưa, vừa nắng, trời cho hoa nở thì cắt đi bán còn ngược lại chỉ còn nước ngắm cành không. Cứ cỡ 15-20 tết, Minh Tân lại nhộn nhịp người thành phố lên chọn gốc, ngắm nụ, đặt cọc tiền mua rồi thuê xe bốc đào đi bán. Một số hộ như anh Nguyễn Văn Chiến bán được 70 triệu, anh Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Đình Trang, Nguyễn Đình Luân bán được dăm ba chục triệu tiền đào mỗi cái tết …như một liều thuốc kích thích cơn sốt trồng đào nơi đây.

Bắt được xu hướng đó, một thương lái thạo tin đã kéo về Minh Tân quảng cáo bán giống đào giá cực mềm chỉ 500đ/cây cho dân sở tại. Giống đào đó tốt nhanh, một năm gốc đã to bằng cái cốc, cành lá xùm xòa, khiến người trồng đào hí hửng mơ tưởng đến dịp tết tha hồ mà bán hoa. Chẳng ai học được chữ ngờ, tết qua cả tháng đào mới… bói nụ. Năm sau, mưa thuận gió hòa, giống đào lạ cũng chỉ chịu đơm hoa lác đác dịp sau rằm tháng giêng.

Dò hỏi hóa ra cả làng mắc lỡm tay lái buôn đào bởi đó là giống đào Lạng Sơn, Sa Pa chứ không phải đào ta nên ra hoa cực muộn. Dân Minh Tân lại gạt nước mắt chặt giống đào “hiếm muộn” để ươm giống đào ta cũ. Chẳng có kỹ thuật gì, họ chỉ biết nhặt những hạt đào rụng đã nảy mầm trong vườn rồi cho vào bầu đóng, chờ thời tiết ẩm mới đem trồng. Cách làm này hết sức bị động, gặp lúc mưa gió nghịch mùa, đào không mọc là coi như bế tắc ở khâu giống, mất cả năm đất chờ đợi vô ích.

...đến giấc mơ về xứ sở hoa đào

Cây đào cứ lặng lẽ nơi thung sâu, núi thẳm cho đến một ngày không chấp nhận hiện trạng đó, trưởng thôn Nguyễn Đình Cường kiến nghị lên xã, lên huyện bày tỏ sở nguyện của toàn dân muốn biến các thung Mang Cá, Hàm Lợn, Gành Thuyền, Vực Bòng quê mình thành thung lũng hoa đào.

“Mục tiêu của chúng tôi sẽ hình thành một vùng trồng đào tập trung, có thương hiệu. Đào trồng hai ba năm đã cho hoa nhưng phải dăm năm gốc mới đẹp, hoa mới bền, mới có giá. Lúc đó đến đây các anh sẽ thấy một Minh Tân xứ sở hoa đào, nhộp nhịp người vào ra, đông vui kẻ mua bán”, trưởng thôn Nguyễn Đình Cường.

Tin bay tới huyện, lãnh đạo địa phương cũng ngờ vực chuyện Minh Tân trồng được giống đào ra hoa đẹp, cạnh tranh ngang ngửa với những vùng trồng đào danh tiếng cả trăm năm. Cả ông Phó Chủ tịch UBND lẫn Phó Chủ tịch HĐND huyện kéo một đoàn rồng rắn về kiểm tra. Sau khi leo dốc thăm mấy vườn đào lại nghe dân tâm sự về những khó khăn đang vấp phải, họ chỉ đạo cho Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn nghiên cứu, giúp đỡ dân Minh Tân. Trước tiên là ở khâu thống kê diện tích hộ có đào đồng thời kêu gọi các hộ khác đăng ký mở rộng diện tích hoặc trồng mới. Nghe tiếng loa phát về chủ trương trên, bà con mừng hết biết. Hiện con số thống kê cho thấy thôn đang có 7,2 ha đào và có 90/152 hộ đăng ký trồng thêm 12 ha đào nữa trong hai năm tới.

Thấu hiểu sự đồng lòng của người dân nơi đây, Phòng Kinh tế huyện cử cán bộ nằm vùng cùng một chuyên gia trồng đào ở Đông Anh xuống hỗ trợ kỹ thuật ra hoa, sản xuất cây giống. Lần đầu người trồng đào nơi đây mới biết đến thế nào là tuốt lá, khoanh gốc, hãm hoa, thúc hoa một cách chủ động theo từng diễn biến của thời tiết, khác hẳn với tình trạng “thả rông”, phó mặc cây đào cho ông trời như trước.

Cán bộ đi trước, làng nước theo sau. Bí thư, trưởng thôn, phó thôn… đều là những người hăng hái nhất trong công cuộc trồng đào. Trưởng thôn Nguyễn Đình Cường hiện cũng đang trồng tới 1 ha đào theo dạng trên đỉnh đồi là keo, là bạch đàn, dưới thấp là những đường băng để giành cho đào hoa đeo bám.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm