Mấy tố chất của phú gia
Vào thời của mình, Trí không mấy ai bằng Khổng Tử. Vậy mà khi thày trò bị khốn ở đất Trần - Thái do đạo của ngài không vua nào dùng, Khổng Tử chỉ biết ước ao rằng nếu trò Nhan Hồi giàu có, ta nguyện làm người đánh xe cho ngươi. Khổng Tử tự biết mình không thể tự làm giàu. Như ta biết, Bill Gates thậm chí là người có học vấn chẳng cao bằng muôn nghìn người làm thuê cho mình.
Vì sao như vậy?
Vì Khổng Tử tự biết mình không có tố chất lạnh lùng, ngài Nhân quá. Người chí Nhân thì dễ thương người, họa chưa hiện ra đã biết trước mà tránh, coi thương trường là tranh đoạt nhặm nhuội nên không dấn thân. Trong khi, muốn làm giàu phải liều, có câu “liều ăn nhiều”; phải cạnh tranh, không sợ vất vả tanh tưởi và không sợ thua.
Người xưa nói: “Có chí làm quan, có gan làm giàu” - gan ở đây là liều, là khát vọng giàu có, là không sợ thua; thua keo này bày keo khác. Đằng khác, phú gia phải là người Nhân, độc ác hay nhẫn tâm là tính của kẻ tiểu nhân bần hàn. Phú gia Nhân vừa đủ để hướng thiện, không được quá sáng suốt; sáng suốt quá thì thường cân nhắc đắn đo để lỡ cơ hội, rốt cuộc không dám làm gì; không dám làm gì thì chỉ có nước đi làm thuê.
Người giàu cần một chút may mắn. May mắn tìm ở đâu? Tìm ở thức khuya lo liệu tính toán, dậy sớm để đi chợ [thương trường]. Đi chợ sớm thì mua được hàng tươi tốt, giá phải chăng vì lúc ấy nhiều người bán ít người mua. Không chịu thức khuya dậy sớm thì hoặc phải mua đắt, hoặc đã hết hàng hóa để mua.
Tôi có người quen, cậu ta là một trong mươi người có cửa hàng buôn bán sim số đẹp của Hà Nội. Nhận hàng vạn sim số của đại lý cấp 1, thuê anh em bạn bè đại học chờ việc về kích hoạt, kích hoạt thâu đêm rồi mang đi giao cho các cửa hàng bán lẻ, giao hết trong ngày. Nhiều bữa trưa của cậu ăn vào hai, ba giờ chiều; úp ba, bốn gói mì tôm. Mỗi ngày cậu lãi dăm bảy chục triệu, có ngày lãi cả trăm.
Trong chuyện này, cái may mắn của cậu sim số đẹp nằm ở chỗ ít người bán nhiều người mua. Ngoài ra, cũng có cái may mắn thuộc về số phận. Nhưng số phận không hoàn toàn là phạm trù mê tín, nó là hệ quả của phúc đức tổ tiên ông bà - cái hệ quả nằm ngay trong trí tuệ và nếp Nhân gia truyền mà cậu thừa hưởng được.
Đạo làm giàu
Marx nói “tư bản dã man” trong Tư bản luận (khái niệm này có một nghĩa là đạo làm giàu) để chỉ thời kỳ công nghiệp hóa ở Vương quốc Anh. Người người làm giàu trong tư tưởng của Nietzsche “Thượng đế đã chết” không còn sợ bị quỷ thần trừng phạt; nước thải các nhà máy dệt, nhà máy thép gang đã khiến nước sông Thames ô nhiễm đen đặc đến mức một nhà báo dùng bút lông ngỗng chấm xuống dòng sông Thames thay mực để viết bài tố cáo làm rúng động thế giới.
Đã dã man thì vô đạo. Nhưng sẽ là mị dân nếu không thừa nhận những kẻ tiền tích lũy tư bản không từng lỗi đạo. Nói cách khác, cái kho báu khổng lồ vơ vét từ khắp nơi trên thế giới đem về chứa ở Vương quốc Tây Ban Nha, cái nước Anh mà mặt trời không bao giờ lặn trên đất đai của nó là những ví dụ bá đạo nhất về lịch sử kinh tế nhân loại. Các tội tà đạo, lỗi đạo nhỏ hơn: Khai bớt giá để chịu thuế ít hơn, làm hàng nhái, hàng gia công…
Còn những ví dụ như ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện) ở Đồng Tháp nhập khẩu giống nhãn Ido, như cụ Phùng Khắc Khoan từng mang giống ngô đỗ về nước thì kể cả ngày không hết. Hay cái mẫu câu “Em mua đã chín nhăm, chị giả có chín mươi có mà em lỗ vốn” rồi “Thôi thì em bán lỗ vốn vậy” thì đầy rẫy ngoài chợ.
Nhưng chính đạo mới là kế lâu bền. Hàng ngàn năm nghề làm ruộng lấy cái lãi hai phần mười, ấy vậy mà tích lũy đời này sang đời khác, vẫn có những cự phú nhà nông; còn buôn vua lãi không biết bao nhiêu mà kể thì rút cuộc, Lã Bất Vi không giàu đến đời thứ hai còn mình thì bị vua ban cho chết.
Vậy nên, làm giàu phải biết điểm dừng là chính đạo thứ nhất.
Dừng tay trước cái ác, không lấy đất bằng máu và dừng ngay sau khi lỗi đạo lần đầu. Trịnh Văn Quyết có thể biện minh, tay trắng thì không thể nói làm giàu, nên lịch sử kinh tế sẽ tha bổng anh ta sau những tà đạo/lỗi đạo ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hay Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Thành tỷ phú rồi, anh ta nếu biết dừng, sẽ chăm lo cho các đô thị FLC văn minh, hòa ái; bản thân thì vợ đẹp con khôn, lo dạy bảo con cháu giữ gìn nâng cấp dần gia sản còn mình thì sống chậm cho thanh thản đầu óc. Nhưng lòng tham, tính hiếu thắng khiến anh ta “nhân rộng” tà đạo hay thậm chí lấn sâu vào tội ác. Khai vống giá trị cổ phiếu để lừa nhà đầu tư, rải vốn hạn hữu ra mênh mông dự án khiến nhiều người phá sản, tiếng kêu than dậy đất. Vậy nên anh ta vướng vào lao lý, gia sản coi như trắng tay, cái “lãi” tiếng tăm tỷ phú kéo dài được mươi năm hóa thành hư ảo, chỉ nhục nhã là hiện hữu.
Về điểm dừng trong chính đạo, xin trở lại với cậu chủ sim số đẹp. Khi nghề sim số đẹp đang lên, cậu ta làm quên ngủ quên ăn; khi nó bắt đầu chững, cậu lập công ty làm cửa nhôm kính. Dăm bảy chục công nhân, đóng bảo hiểm xã hội, có môn bài và nộp thuế đầy đủ đến mức anh chị em ngành thuế hay công an kinh tế không hiểu nó ra làm sao.
Năm Covid đầu tiên, xây cất chững lại, thấy đất đai nhúc nhích cậu sản xuất cầm chừng rồi mua mua bán bán đất; lấy cái lãi đất nuôi quân những ngày giãn cách. Cậu chủ trẻ có thể tạm giãn thợ, để họ về quê thì sẽ không mất mỗi tháng hàng trăm triệu nuôi cơm họ. Nhưng sự khôn ngoan do thiên lương mách bảo, cậu đã rau cháo có nhau cùng thợ thuyền. Hơn 40 tuổi, cậu sim số xưa đã từng chập chững thăng trầm và thậm chí chuệch choạc, nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính đạo. Ở đây, đạo làm giàu đòi hỏi lòng Nhân, có Nhân thì không tham lam. Không tham lam thì biết điểm dừng.
Chính đạo II, công tâm.
Công tâm là một binh pháp Tôn Ngô, đánh thành không bằng đánh vào lòng người. Các tà đạo làm giàu thường đánh vào lòng tham, với những kiểu lãi khủng (qua tiền gửi, mua bán cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp, cờ bạc, cá độ bóng đá…) khiến cho những người không kiểm soát được lòng tham thường ảo tưởng mình giỏi, mình có thể thắng được tỷ phú, mình khôn ngoan hơn những kẻ cùng u mê như nhau. Một ngành kinh doanh chùa chiền hiện đang phát đạt cũng là một phép công tâm tà đạo.
Chính đạo cũng qua lòng tham, ưa thích thời trang, hiếu thắng đẳng cấp… của con người mà khởi nghiệp; họ nhắm tới nhu cầu mua hàng của số đông để sản xuất hay kinh doanh hàng hóa và trên cơ sở ấy mà định ra mẹo mực kinh doanh. Họ nhập mẫu sơ mi nam Pierre Cardin của An Phước giá khoảng 25 USD. Về Paris mở bán đầu vụ với giá 200 USD, giữa vụ 100 USD, cuối vụ hạ giá có khi còn 5 - 10 USD/chiếc.
Kiểu kinh doanh đằng nào cũng lãi khiến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT của hãng/công ty nộp vào cho nhà nước đều đều. Chính đạo tích lũy thành thương hiệu, những Pierre Cardin, Microsoft, Boeing, Toyota… là cái chính đạo tiền đẻ ra tiền. Đức của các thương hiệu bền vững là duy trì quốc thái dân an, văn minh phát triển.
Phép công tâm chênh vênh giữa tà/ lỗi đạo với chính đạo; đòi hỏi các đại gia phải có tài và có gan đi chênh vênh bên mép vực. Chứ tham như Nguyễn Văn Mười Hai, lãi tiền gửi tới 20%/tháng thì đi tù, cùng những đại gia trái phiếu doanh nghiệp, lừa đảo cổ phiếu thì danh tính không thể kể xiết.
Chính đạo III, phân phối phúc lợi.
Khôn ngoan nhất là phân phối lợi nhuận ngay trong khi mua/ bán, sao cho “bác có cơm ăn thì em cũng phải có cháo húp”. Các đại gia giàu bằng cạp đất mọi giá, kể cả máu rồi đua nhau đi lễ chùa, dâng sao giải hạn; giải hạn xong thì vào tù, vợ/chồng con sa đọa, hư đốn đã nhan nhản ví dụ. Khôn ngoan thứ nhì là ăn ở có Nhân với hàng xóm, có Tín với khách hàng, có Lương thiện với Nhà nước. Ngoài ra mới là làm từ thiện, công đức cho văn hóa tâm linh.
Người có hai tố chất và ba phép chính đạo làm giàu như nói ở trên, thì bảo kẻ ấy không giàu cũng khó!