| Hotline: 0983.970.780

Đảo lộn khi hệ thống thú y tan rã [Bài cuối]: Nhiều bất cập khi phụ thuộc trung tâm dịch vụ nông nghiệp

Chủ Nhật 11/06/2023 , 14:04 (GMT+7)

UBND tỉnh Quảng Bình đang xem xét để có điều chỉnh tái lập lại thú ý cấp huyện, giúp bộ máy ngành chăn nuôi hoạt động hiệu quả hơn…

Cán bộ thú y cơ sở luôn có mặt kịp thời ở nơi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý tốt nhiệm vụ chống dịch ban đầu. Ảnh: Tâm Phùng.

Cán bộ thú y cơ sở luôn có mặt kịp thời ở nơi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý tốt nhiệm vụ chống dịch ban đầu. Ảnh: Tâm Phùng.

Sau khi các trung tâm dịch vụ nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động cũng đã có một số mặt tích cực. Đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện trong công tác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi thú y, thủy sản trên địa bàn. Giảm từ 3 đầu mối xuống còn 1 đầu mối, về lâu dài sẽ giảm chi phí quản lý nhà nước.

Tuy vậy, theo đánh giá của Sở NN-PTNT Quảng Bình, trung tâm dịch vụ nông nghiệp khi triển khai thực hiện còn tồn tại quá nhiều vướng mắc, khó khăn, lớn nhất vẫn là trong công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giết mổ, lung túng trong nhiệm vụ phòng chống dịch.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay, huyện Quảng Trạch đã cắt giảm cán bộ thú y cấp xã. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, thiếu hệ thống thú y cấp xã đang gặp khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ông Tám cũng cho rằng, việc cắt giảm này cần phải xem xét sao cho phù hợp, bởi Quảng Trạch là địa phương nông nghiệp. Việc phát triển chăn nuôi là nhu cầu rất lớn của người dân. Nếu không có hệ thống thú y cấp xã người chăn nuôi luôn trong tâm lý lo lắng và không an tâm phát triển chăn nuôi gia trại cũng như trang trại.

Trước thực tế đó, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã tiến hành soạn thảo đề án kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp, theo tinh thần Nghị quyết 100, ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Luật Thú y, trong đó có việc thành lập trạm chăn nuôi thú y huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở các trạm trước đây (trước khi chuyển giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố).

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, mục tiêu của đề án là nhằm bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, tập trung. Qua đó nhằm khai thác tối đa nguồn lực, tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật, củng cố hệ thống giám sát thú y cơ sở đủ năng lực thực thi nhiệm vụ.

Sau khi soạn đề án, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã tiến hành lấy ý kiến của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành… Theo đó, các ý kiến đều cơ bản thống nhất với chủ trương thành lập lại Trạm chăn nuôi thú y.

Tăng cường thú y cơ sở để làm tốt hơn nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: T.Phùng

Tăng cường thú y cơ sở để làm tốt hơn nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: T.Phùng

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch: "Dù Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hoạt động dịch vụ nhưng huyện cũng phải luôn hỗ trợ kinh phí trong công tác phòng chống dịch nên cũng không khác việc hưởng lương từ ngân sách so với Trạm chăn nuôi, thú y trước đây là mấy. Nhưng việc chỉ đạo, phối hợp của các ngành thú y với dịch vụ nông nghiệp giờ lịa rất khó và chậm trễ. Do đó, việc tái thành lập các trạm chăn nuôi thú y là phù hộ với tình hình hiện nay”.

Qua trao đổi, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho rằng, thống nhất cao với chủ trương thành lập lại Trạm chăn nuôi thú y. Dù tách hay nhập, giữa UBND huyện và Chi cục Chăn nuôi  Thú y cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cũng vấn đề này, Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Khi sáp nhập Trạm chăn nuôi thú y huyện về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, trong thực hiện nhiệm vụ, công việc gặp nhiều khó khăn, bị động do Trung tâm không có chức năng quản lý nhà nước. Việc tái lập Trạm chăn nuôi thú y chắc chắn sẽ có hiệu quả và thuận lợi hơn”.

Trong đề án kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp thay 7 trạm chăn nuôi thú y như trước đây, bộ máy rút gọn lại chỉ còn 5 trạm. Đó là các Trạm chăn nuôi thú y Lệ Thủy, Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới, Ba Đồn và Minh Hóa.

Sở NN-PTNT Quảng Bình hoàn thiện đề án và trình lên Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt, xem xét để có hướng điều chỉnh phù hợp, giúp bộ máy ngành chăn nuôi thú y hoạt động hiệu quả.

UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý và giao nhiệm vụ cho Sở NN-PTNT bố trí nhân lực cho các Trạm chăn nuôi thú y trong biên chế hiện có. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT đang thiếu người rất khó rút về để biên chế cho các Trạm. Do đó, việc triển khai thực hiện đề án phải sau năm 2026 mới có thể thực hiện được vì từ nay đến đó, Quảng Bình không tuyển dụng thêm công chức.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.