| Hotline: 0983.970.780

Đảo lộn khi hệ thống thú y tan rã [Bài 1]: Bí trong kiểm dịch, lúng túng lúc kiểm tra

Thứ Sáu 09/06/2023 , 13:20 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Sau khi sáp nhập hệ thống chuyên ngành thú y cơ sở vào khối dịch vụ nông nghiệp, công tác phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi đảo lộn khiến người chăn nuôi lao đao…

Không còn hệ thống thú y cơ sở, việc ngăn chặn, dập dịch tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tâm Phùng.

Không còn hệ thống thú y cơ sở, việc ngăn chặn, dập dịch tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang đảo lộn trước thực trạng tan rã hệ thống thú y cơ sở do thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập. Một số tỉnh đã quay trở lại hiện trạng cũ nhưng vẫn còn nhiều nơi đang trầy trật chưa biết xử lý theo hướng nào.

Trong đó, tại tỉnh Thanh Hóa, các huyện đồng loạt kiến nghị tái lập lại hệ thống thú y cơ sở. Các sở, ngành, trong đó có Sở Nội vụ, Sở NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị và UBND tỉnh có văn bản báo cáo Tỉnh ủy nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, quyết định.

Sự lúng túng, đảo lộn trong công tác điều hành chăn nuôi, thú y đã hạn chế việc kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên vật nuôi.

Từ đầu năm 2019, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chính thức thành lập. Các cơ quan cấp huyện như trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông và trạm trồng trọt, bảo vệ thực vật được sáp nhập để thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Sau 4 năm đi vào hoạt động, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho thấy đó là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, sự lúng túng trong công tác điều hành chăn nuôi, thú y đã hạn chế đến việc kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp khó.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Quảng Bình cho hay: "Khi chuyển sang trung tâm dịch vụ sẽ thiếu chức năng quản lý nhà nước xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Cánh tay kiểm tra, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của chúng tôi như bị chặt bỏ”.

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều bệnh mới nổi xâm nhập gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng hệ thống thú y cơ sở, mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh của Chi cục Chăn nuôi thú y tan rã.

Vì vây, việc giám sát, báo cáo thông tin dịch bệnh không được thực hiện xuyên suốt làm mất đi yếu tố kịp thời, thậm chí đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc lờ đi không báo cáo dịch từ sớm.

Trước đây, theo quy trình, khi xảy ra dịch bệnh, Chi cục có thể huy động lực lượng và thiết bị ở các Trạm cấp huyện để tham gia ứng phó khẩn cấp. Nhưng hiện tại các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc đơn vị chủ quản là UBND các huyện, thị xã, thành phố nên Chi cục muốn điều động cũng khó.

Mặt khác, nhân lực phụ trách chăn nuôi thú y tại các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khá mỏng và nhiệm vụ chính là tuyên truyền phổ biến, nên thiếu lực lượng phát hiện, dập dịch ở cơ sở làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chống dịch.

Do các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thiếu chức năng quản lý nhà nước nên công tác kiểm dịch kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kiểm tra an toàn thực phẩm... cũng gặp khó khăn.

Cán bộ thú y cơ sở phun tiêu độc khử trùng ở vùng chăn nuôi bị bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Tâm Phùng.

Cán bộ thú y cơ sở phun tiêu độc khử trùng ở vùng chăn nuôi bị bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Trần Công Tám cho biết, theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh do cơ quan thú y cấp tỉnh thực hiện và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại nơi xuất phát.

“Hiện nay, do sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nên công tác kiểm dịch tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Chi cục cấp tỉnh không ủy quyền kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bởi kiểm dịch viên theo quy định phải là công chức, trong khi đó Trung tâm là đơn vị sự nghiệp”, ông  Tám bộc bạch.

Theo ông Tám, Chi cục Chăn nuôi thú y Quảng Bình chỉ có từ 4 - 5 kiểm dịch viên động vật. Nếu phải thực hiện nhiệm vụ của 9 huyện, thị xã thành phố trong tỉnh quá thiếu người.

Lực lượng mỏng, nhưng phải đảm nhận công việc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa nên rất khó bảo đảm tuyệt đối quy trình, quy định của Luật Thú y.

Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho rằng, sau khi sáp nhập các trạm thú y địa phương gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

“Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng thực hiện kiểm soát giết mổ, nhưng việc kiểm soát phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Khi cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ này, UBND huyện phải có văn bản giao nhiệm vụ”, ông Đinh Minh Hương băn khoăn.

Không chỉ gặp những khó khăn, bất cập trong công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ mà công tác tập huấn, nâng cao kiến thức cho lực lượng thú y cơ sở cũng bị “rơi rớt” dần.

Khi hệ thống thú y không còn xuyên suốt từ tỉnh đến huyện đến xã, công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới, kiến thức, kỹ thuật chuyên môn cũng bị ảnh hưởng.

Một cán bộ thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thuộc tỉnh Quảng Bình cho hay, khi còn ở bên Trạm Thú y, hàng năm đều được dự nhiều lớp tập huấn về phòng chống dịch, bệnh mới phát sinh cũng như công tác tiêm phòng vacxin do Chi cục tổ chức.

Nhưng từ khi không còn thú y cơ sở nữa, cán bộ trung tâm ít khi được đi tập huấn. Kiến thức của anh em từ đó mai một đi nếu không chịu khó tự học.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.