Huyện Quảng Trạch nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp với Hà Tĩnh. Thực hiện Nghị định 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, huyện Quảng Trạch đã tiến hành tinh giảm biên chế đối với cán bộ thú y cấp xã.
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho hay, sau khi cắt giảm lực lượng thú y cơ sở, các xã phải tự thuê người để thực hiện các hoạt động phòng dịch trên đàn vật nuôi. Thực trạng này khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Từ năm 2020, Quảng Trạch đã ghi nhận nhiều dịch bệnh xuất hiện cùng lúc trên đàn vật nuôi. Trong đó phải kể đến dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại xã Quảng Thanh. Sau khi khống chế được thời gian dài, nay dịch lại bùng phát trở lại tại nhiều xã trên địa bàn huyện, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn.
Khi dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được khống chế, nguy cơ tái dịch ở nhiều địa phương cao thì đầu năm 2021 tại Quảng Trạch lại xuất hiện thêm một dịch bệnh mới khiến người chăn nuôi tại địa phương này một lần nữa lâm cảnh lao đao.
Tại xã Quảng Xuân, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò lần đầu tiên xuất hiện và lây lan nhanh. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT Quảng Trạch, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò sau khi xuất hiện đầu tiên ở xã Quảng Hợp đã lây lan ra 16/17 xã còn lại trên địa bàn huyện.
Bệnh viêm da nổi cục đã làm trên 1.700 con trâu, bò mắc bệnh, gần 130 con bị chết. Nhiều hộ gia đình đã không thể tái phát triển đàn gia súc. Dịch tả lợn Châu Phi cũng làm trên 200 con lợn (tổng trọng lượng gần 7.000kg) bị chết, tiêu hủy.
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình về xã Quảng Tùng khi dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát. Công tác dập dịch và phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nhiều người dân, trong thời gian ngắn, dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát 2 lần trên địa bàn xã. Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu xuất hiện nhưng đã gây hậu quả nặng nề cho đàn trâu, bò của người chăn nuôi với gần 100 con trâu, bò mắc bệnh.
Bà Lê Thị Thu Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tùng cho biết, từ năm 2019, Quảng Tùng không còn cán bộ thú y cấp xã. Những công việc liên quan đến công tác dập dịch và phòng chống dịch của xã, như: phun tiêu độc khử trùng, rải vôi bột, tiêm phòng cho đàn vật nuôi xã đều phải thuê người làm.
“Do không có cán bộ thú y cấp xã nên việc phòng, chống dịch bệnh ở nhiều địa phương, ngoài sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện người dân đều phải tự thực hiện khi không có chuyên môn nên khó dập dịch”, bà Thanh cho hay.
Khi không còn lực lượng thú y xã, công tác tuyên truyền, phát hiện dịch bệnh và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đã bị hạn chế. Chưa kể việc các xã phải tự thuê người, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiêm phòng và công tác thú y ở một số địa phương.
Những ngày đầu tháng 5/2023, dịch bệnh viêm da nổi cục lại bùng phát trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Theo đó, dịch bệnh xảy ra ở 50 hộ/10 thôn tại các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Hưng, Quảng Phương. Trong thời gian ngắn, đã có 50 con bò mắc bệnh và chết, trong đó 9 con bò bị chết do bệnh tại xã Quảng Lưu, Quảng Phương.
Từ thực tế này cho thấy, việc không có cán bộ thú y cấp xã đã tác động rất lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là khi dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò đang bùng phát ở các địa phương.
Việc nhiều dịch bệnh xảy ra cùng lúc thời gian qua đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được xem là yếu tố then chốt, quan trọng.
Ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho rằng, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, thiếu hệ thống thú y cấp xã là lỗ hổng lớn của phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Duy trì hoặc bố trí lực lượng thú y cơ sở hợp lý chính là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định hiệu quả và phát triển chăn nuôi bền vững.