Tại An Giang, trong thời gian 3 ngày, cán bộ khuyến nông cơ sở của 6 tỉnh ĐBSCL được các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ về sự phù hợp của kinh tế tuần hoàn trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL; tìm hiểu về kinh tế tuần hoàn và sử dụng sản phẩm phụ, quản lý rơm rạ để sử dụng cho nhiều mục đích (sản xuất nấm, làm phân hữu cơ)...
Ngoài ra, các học viên cũng được tham quan thực tế trang trại sản xuất nấm, HTX làm phân ủ, thảo luận nhóm về cách xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn và lập kế hoạch khai thác kinh tế tuần hoàn.
Lớp tập huấn nhằm tăng cường nhận thức của các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo về vai trò của kinh tế tuần hoàn; hướng dẫn quy trình kỹ thuật và cung cấp kiến thức thực địa về thực hành kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa gạo; thúc đẩy hợp tác công - tư cũng như huy động đầu tư của các cơ quan, tổ chức thuộc khối nhà nước và tư nhân trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong chuỗi nông sản.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, việc tập huấn kiến thức kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị lúa gạo rất phù hợp trong triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Tham gia tập huấn, học viên được nâng cao năng lực về quản lý và cơ giới hóa các khâu xử lý rơm rạ, thực hiện các mô hình kinh doanh rơm rạ và các công nghệ ủ phân hữu cơ từ rơm rạ. Các học viên được tập huấn sẽ là những người tham gia đào tạo nông dân tại địa phương để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Sau khóa tập huấn, tỉnh An Giang sẽ tổ chức thêm 25 lớp đào tạo về quản lý rơm rạ, canh tác bền vững (SRP, GAP, IPM/MRL, VietGAP...) từ kinh phí hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các nguồn kinh phí khác.