| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Thứ Tư 08/12/2021 , 15:26 (GMT+7)

Ngày 8/12, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Văn phòng FAO Việt Nam khai giảng lớp đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM-Plant Health).

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health)” do tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ, đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và giao Cục BVTV làm chủ dự án.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu khai giảng lớp tập huấn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu khai giảng lớp tập huấn. Ảnh: Trung Quân.

Sau hội thảo khởi động dự án, các chuyên gia tư vấn của FAO đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu phạm vi xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe cây trồng của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng tài liệu tập huấn TOT-IPHM và dự kiến tổ chức 2 lớp TOT-IPHM đầu năm 2022. 

Tuy nhiên, để tổ chức 2 lớp tập huấn này, cần phải có giảng viên nắm vững IPHM. Do đó, Cục BVTV phối hợp với Văn phòng FAO Việt Nam tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn IPHM - Plant Health, các học viên sau khóa học sẽ là các giảng viên IPHM đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Mặc dù IPM có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất (năm 2021), số lượng giảng viên IPM do Cục BVTV phối hợp với FAO đào tạo ở các tỉnh còn thiếu nghiêm trọng. Nhiều tỉnh chỉ còn 1 - 2 cán bộ giảng viên, thậm chí có những tỉnh Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh không còn giảng viên TOT như Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Gia Lai, Thừa Thiên - Huế…

Trước tình hình cấp thiết đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt văn kiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường, thông qua tăng cường năng lực của hệ thống BVTV.

Theo đó, các hoạt động của dự án sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), nâng cao năng lực cho giảng viên và các cán bộ liên quan. Hỗ trợ thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Tổ chức thí điểm 02 lớp TOT-IPHM đào tạo 60 giảng viên quốc gia để đánh giá chương trình và tài liệu.

 Sau khóa học, các học viên sẽ là các giảng viên IPHM đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

 Sau khóa học, các học viên sẽ là các giảng viên IPHM đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Từ đó, xây dựng được chương trình và bộ tài liệu tập huấn IPHM cho cán bộ giảng viên nòng cốt và cán bộ BVTV, bổ sung kiến thức cho lực lượng giảng viên TOT-IPM hiện có. Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng cũng bổ sung vào chương trình đào tạo sinh viên khối kỹ thuật nông nghiệp để xây dựng lực lượng cán bộ IPHM trong tương lai.

Về phía FAO, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO Việt Nam chia sẻ: Trong quá trình triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng trách nhiệm, minh bạch, bền vững tại Việt Nam, hệ thống lương thực thực phẩm phải giải quyết các thách thức về đói nghèo, suy dinh dưỡng và phát triển bền vững.

Cũng theo ông Hà, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những thách thức chung mà còn phải giải quyết tận gốc những vấn đề đó thông qua việc chuyển đổi cách thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng thực phẩm lành mạnh…

Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, FAO đã thông qua chiến lược hoạt động toàn cầu, trong đó Chính phủ Việt Nam là thành viên, với mục tiêu trong vòng 10 năm tới, chuyển đổi sản xuất lương thực thực phẩm theo hướng có khả năng chống chịu tốt hơn đối với các rủi ro, bền vững, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau…

FAO cũng chủ trương thúc đẩy 4 nội dung trụ cột: Cải thiện về dinh dưỡng; môi trường; sản xuất; cuộc sống cho cư dân trên toàn thế giới, nhất là các hộ nông dân. Trong giai đoạn 2022 - 2025, FAO dự kiến sẽ ưu tiên thực hiện 3 mục tiêu phát triển bền vững: Giảm nghèo, xóa đói và đảm bảo công bằng trong phân phối lương thực thực phẩm.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” ra đời, sẽ giúp nâng cao năng lực thể chế cho hệ thống BVTV, phục vụ cho công tác quản lý IPM. Nâng cấp IPM thành công cụ mới trong nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, kiểm soát rủi ro, dịch hại bằng các công nghệ mới.

Ông Hà cũng bày tỏ tin tưởng, khóa học sẽ giúp cũng cố được kiến thức, kỹ năng cho các giảng viên IPHM tương lai, đóng góp vào sự chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.