| Hotline: 0983.970.780

Khởi động dự án Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Thứ Ba 29/06/2021 , 19:23 (GMT+7)

Ngày 29/6, Cục Bảo vệ thực vật và FAO tổ chức hội thảo hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Ngày 29/6, Cục BVTV và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" do FAO tài trợ và kéo dài trong hai năm, từ 2021 đến 2023.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Quý Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Quý Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Mục đích của dự án là xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về Sức khỏe cây trồng và Kế hoạch quốc gia về Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (IPHM) giai đoạn 2021-2025. Trong khuôn khổ dự án, FAO sẽ hỗ trợ kỹ thuật để rà soát Đề án Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2015-2020, đồng thời phân tích khung khái niệm và cách tiếp cận toàn cầu về các mô hình thực hành tốt tăng sức khỏe cây trồng, quản lý sinh vật gây hại.

Là đơn vị đầu mối dự án của FAO tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT) tin tưởng, dự án này sẽ giúp quản lý toàn diện và có hệ thống dịch hại xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cách tiếp cận mới sẽ mang tới những giải pháp ứng phó với nguy cơ dịch hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế toàn cầu.

"Chúng ta cần xây dựng dự án IPHMtrong thời đại công nghệ 4.0, và triệt để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số trong quá trình học, cũng như giảng dạy thực tiễn. Qua quá trình thực tiễn, chúng ta có thể xem xét đưa IPHM vào giảng dạy trong một số trường hoặc các trung tâm khuyến nông, chuyển giao công nghệ", Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương nói.

Theo ông Dương, nền tảng của IPHM là IPM, dự án mà Cục đã triển khai từ thập niên 1990 và thu được nhiều kết quả khích lệ nhiều năm qua. Điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận.

IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng. Những biện pháp của IPM nhấn mạnh đến trừ dịch hại, và chỉ tập trung vào nông nghiệp. Trong khi đó, IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng. Những biện pháp của IPHM chủ yếu hướng vào việc phòng dịch hại. Bên cạnh nông nghiệp, IPHM còn hướng tới những tác nhân khác ảnh hưởng đến ngành. 

Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Nguyễn Song Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Nguyễn Song Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Sức khỏe cây trồng là một yếu tố cấu thành nên khái niệm "Một sức khỏe" (One Health - OH), bên cạnh sức khỏe con người, sức khỏe đất và sức khỏe động vật. FAO đề ra khung chiến lược cho OH từ năm 2008, dựa trên phân tích rủi ro đối với công tác bảo vệ cây trồng có thể phát sinh qua ba khía cạnh có liên quan tới điểm giao thoa giữa ba loại sức khỏe kể trên. Dù tác động vào yếu tố nào, trong số sức khỏe cây trồng, sức khỏe động vật hay sức khỏe con người, OH cũng bị ảnh hưởng, từ đó truyền tới hai yếu tố còn lại.

Những dự án liên quan tới sức khỏe cây trồng đã được FAO triển khai ở nhiều nước. Từ thực tiễn, FAO cho rằng sức khỏe cây trồng có thể cải thiện OH, dẫn tới ảnh hưởng chung tới môi trường, hệ sinh thái.

Chẳng hạn, tại châu Âu, các chuyên gia FAO chuyển từ việc phòng ngừa dịch hại ban đầu sang các chương trình điều tra, giám sát, phát hiện sớm dịch hại, qua đó thông báo cho người dân để chủ động diệt trừ. Công tác kiểm dịch thực vật được sát sao, thậm chí tiến tới việc cấp hộ chiếu cây trồng để có thể vận chuyển thông suốt trong nội bộ EU.

Đa phần ở các nước, FAO khuyến khích nâng cao sức khỏe cây trồng qua việc nông dân tự chia sẻ kinh nghiệm bằng những video, rồi lấy đây làm kho tư liệu để mọi người áp dụng. Một cách khác, FAO tổ chức các chương trình hội thảo đầu bờ, kết hợp các giáo án, video trực quan với tập huấn trực tiếp.

Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng sẽ là bước tiếp nối theo chiều sâu của chương trình IPM. Ảnh: TL.

Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng sẽ là bước tiếp nối theo chiều sâu của chương trình IPM. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng, sức khỏe cây trồng nói riêng và "Một sức khỏe" nói chung có thể giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau tại Việt Nam. Nguyên do bởi Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản trong vòng 30 năm qua, nhưng hiện vấp phải vấn đề về khả năng cạnh tranh, sâu bệnh, biến đổi khí hậu, và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Việt Nam có kinh nghiệm giảm đói nghèo trong vòng 30 năm qua. Bộ NN-PTNT đã có nhiều sáng kiến hướng tới nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh", ông Nguyễn Song Hà nhận xét. Cũng theo ông Hà, FAO đặc biệt quan tâm tới việc triển khai dự án IPHM ở Việt Nam và đã tài trợ 400.000 USD, thay vì 300.000 USD như một số dự án tương tự.

Từ đầu cầu Bangkok, Thái Lan, TS. Yubak, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của FAO cho rằng, ngành nghiệp Việt Nam chọn cách tiếp cận sức khỏe cây trồng để hỗ trợ nông dân tăng thu nhập, đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho mọi người, bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái. "FAO đang tạo ra sân chơi chung giữa nhiều nước, để thực hiện một cách có hệ thống về sức khỏe cây trồng", ông Yubak nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia của FAO, nội hàm của sức khỏe cây trồng là IPM nhưng ở góc nhìn rộng hơn. Nếu có thể nâng cao, cải thiện sức khỏe cây trồng một cách bền vững, hiệu quả, Việt Nam có thể lọt vào tốp 15 nước chế biến nông sản hàng đầu thế giới.

Các chương trình IPM đã được giới thiệu, tổ chức thành công trên diện rộng, và triển khai có hiệu quả trên nhiều cây trồng chủ lực như lúa, bông, rau màu, cây ăn quả... Ngoài ra, IPM còn mở rộng các mô hình canh tác gắn liền với ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất như ba giảm ba tăng, một phải năm giảm, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), kỹ thuật gieo sạ né rầy, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sinh vật gây hại...

Dự án về sức khỏe cây trồng sẽ được triển khai trong vòng hai năm tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Dự án về sức khỏe cây trồng sẽ được triển khai trong vòng hai năm tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Dự án do FAO tài trợ được chia làm ba phần cùng ba đầu ra dự kiến. Phần một, là xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe cây trồng, trong lồng ghép các vấn đề an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý dịch hại xuyên biên giới.

Phần hai, là xây dựng chiến lược quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp giai đoạn 2021-2025, trong đó lồng ghép an toàn thực phẩm, quản lý dịch hại và rủi ro do thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Phần cuối, là huấn luyện giảng viên và cán bộ liên quan hỗ trợ IPHM.

Là đối tượng thụ hưởng trực tiếp cũng là vai trò đầu mối, Cục BVTV sẽ phối hợp với FAO và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) để đảm bảo để dự án đúng tiến độ. Cục sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc bàn giao kết quả dự án theo đúng yêu cầu, chịu trách nhiệm trước Bộ về điều phối và tham gia đầy đủ của các bên liên quan tới thực hiện dự án.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam vui mừng khi chương trình IPHM được đưa vào Việt Nam. Ông cho rằng, đối tượng của IPHM rất rộng, ngoài nông dân còn cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và các hiệp hội. Ông kiến nghị, Cục BVTV, FAO và các tổ chức liên quan kế thừa những kết quả trước đây, cụ thể là chương trình IPM.

Tiến sỹ Yubak, chuyên gia của FAO, đề nghị các thế hệ nông dân tiếp theo ở Việt Nam cần được giáo dục, đào tạo để nâng cao nhận thức về sức khỏe cây trồng. Trên cơ sở này, Cục BVTV nghiên cứu phương pháp truyền tải thông tin sao cho trực quan, sinh động.

Ghi nhận các ý kiến, Phó Cục trưởng Cục BVTV, ông Nguyễn Quý Dương khẳng định, dự án IPHM thành công hay không là nhờ vào sự chung tay của cả xã hội. Các bên kiên quan cần bắt tay ngay từ bây giờ, để giúp nông nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.