| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm tại huyện Thường Xuân

Thứ Hai 06/11/2023 , 10:03 (GMT+7)

Thanh Hóa Việc gắn đào tạo nghề với nhu cầu việc làm tại huyện Thường Xuân đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm

Thường Xuân là huyện miền núi có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, trong đó chủ yếu là đất lâm nghiệp. Đây cũng là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. 

Hiện nay, huyện Thường Xuân có khoảng 64.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó khoảng 21.000 người đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do đó, địa phương xác định, muốn giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con thì việc đào tạo nghề cho lao động là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Ý thức được nhiệm vụ được giao phó, những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Xuân (TTGDNN-GDTX) rất quan tâm tới các mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới nông nghiệp, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bà Lê Thị Định, Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Lê Thị Định, Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Xác định học sinh sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, giáo viên tại TTGDNN-GDTX huyện Thường Xuân đã xây dựng chương trình học căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, theo hướng tiếp cận thị trường, tiếp cận doanh nghiệp, tạo kỹ năng mềm cho học sinh. Điều này nhằm tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp, giúp học sinh vừa có bằng tốt nghiệp, vừa có chứng chỉ nghề sau khi ra trường.

Thầy Vi Văn Thao, giáo viên TTGDNN-GDTX huyện Thường Xuân cho biết, “để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao phó, giáo viên nhà trường đã về từng địa phương, gia đình, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các em ở độ tuổi thanh niên tham gia các lớp dạy nghề, qua đó giúp các em hiểu được giá trị của việc học nghề để có định hướng tốt hơn cho tương lai. Chỉ có nắm vững kiến thức và thực hành tốt ngành nghề đào tạo, các em mới có cơ hội việc làm và thu nhập tốt ”.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Xuân đẩy mạnh hoạt động dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm. Ảnh: Quốc Toản.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Xuân đẩy mạnh hoạt động dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm. Ảnh: Quốc Toản.

Với đặc thù của huyện có thế mạnh về nông nghiệp, nhà trường thực hiện phương châm đào tạo “3 tại chỗ”, đồng thời chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học hiện đại. Cùng với đó cơ sở giáo dục này đã tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác, đào tạo nghề sát với nhu cầu địa phương; không ngừng nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Thường xuyên cập nhật, bổ sung thiết bị, công nghệ mới vào chương trình, giáo trình đào tạo với mục tiêu khi học sinh tốt nghiệp ra trường sẽ đáp ứng được thị trường lao động.

Nhiều năm nay, TTGDNN-GDTX đã liên kết với nhiều trường trung cấp và cao đẳng, dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề cho hàng trăm học sinh. Để đào tạo nghề gắn với tìm đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp, trung tâm đấu mối với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế, thực tập nhằm nâng cao tay nghề và tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nhiều học sinh tại trung tâm sau khi ra trường đã có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Bà Lê Thị Định, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thường Xuân cho biết: “Các học sinh tại trung tâm sau khi ra trường đều thuần thục các nghề được đào tạo (may công nghiệp, nghiệp vụ du lịch gia đình, dệt thổ cẩm, chăn nuôi, thú y…). Nhiều học sinh của trung tâm đã trở thành lao động có tay nghề cao tại nhà máy LYMANA, lao động tại các nhà máy may, nhân viên du lịch cộng đồng tại Bản Mạ, số còn lại học viên tự tạo việc làm tại địa phương gắn với nông nghiệp”.

Ông Ngô Trung Kiên - Phó Giám đốc Công ty Gỗ Thanh Hóa cho biết: "Hiện tại, công ty có 300 lao động địa phương làm việc trong nhà máy. Người lao động đã qua đào tạo đã nắm rõ quy trình, quy định tại phân xưởng sản xuất; hiểu được quyền lợi chính đáng của người lao động; nắm bắt nhanh quy trình, thao tác trong sản xuất, kinh doanh; ý thức được vị trí trách nhiệm của mình đối với chất lượng, hiệu quả, tiến độ tại các công đoạn mà lao động đang đảm nhận...

Đâu là khó khăn lớn nhất?

Bên cạnh những thuận lợi, việc đào tạo nghề cho lao động tại huyện Thường Xuân còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, việc tuyển sinh học nghề hiện nay rất khó vì người dân chưa thật sự mặn mà với việc học nghề mà còn mang nặng tư tưởng đi làm thuê để kiếm tiền nhanh hơn. Trong khi đó, chế độ chính sách hỗ trợ cho người học nghề còn rất thấp (30.000 đồng/ngày đi học). Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho người học nghề chưa tốt, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm khiến người dân không muốn tham gia học nghề.

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông ngiệp và các nhóm nghề nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức khiến việc dạy và học tại nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa chặt chẽ.

Mặt khác, TTGDNN-GDTX huyện Thường Xuân không thuộc đối tượng thụ hưởng của Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn (thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) nên ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề tại trung tâm.

Nhiều lao động trên địa bàn huyện Thường Xuân có thu nhập ổn định từ ngành nghề được đào tạo. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều lao động trên địa bàn huyện Thường Xuân có thu nhập ổn định từ ngành nghề được đào tạo. Ảnh: Quốc Toản.

Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Thường Xuân cho rằng, để người dân hứng thú với việc đào tạo nghề, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường để đẩy mạnh công tác truyên truyền cho bà con về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng từ các trường THCS và THPT, để học sinh sớm tiếp cận thông tin và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, điều chỉnh lại quy hoạch đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Quy hoạch phải gắn với thị trường, gắn với việc làm. Quy hoạch đào tạo nghề cần gắn với lợi thế nông nghiệp của mỗi vùng, nhằm khai thác tốt nhất nguồn lao động tại chỗ sau khi đào tạo.

Mở rộng thêm đào tạo các nghề mới, kể cả các nghề phi nông nghiệp như sơ chế nguyên liệu, dịch vụ nông nghiệp, du lịch nông thôn, làng nghề, du lịch cộng đồng dựa trên các sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, nông thôn và văn hóa bản địa.

Đổi mới nội dung đào tạo nghề, trong đó ngoài việc chú trọng hình thành kỹ năng chuyên môn, tác nghiệp thành thạo, cần bổ sung các kiến thức khác về bảo quản, sơ chế sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mua bán, kỹ năng tìm việc làm, khuyến khích khả năng sáng tạo trong lao động, đặc biệt là ý thức nghề nghiệp, kỷ luật lao động theo tác phong lao động công nghiệp. Phương pháp đào tạo cần được thay đổi theo hướng tăng thực hành....

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thường Xuân cho biết, để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Thường Xuân đã kêu gọi đầu tư, quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Hiện có khoảng 3.000 lao động đang làm việc tại các đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Xuân. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các ngành may mặc, chế biến lâm sản, nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...