| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo những 'thuyền trưởng' lèo lái con tàu HTX nông nghiệp đi đúng hướng

Thứ Ba 10/05/2022 , 16:39 (GMT+7)

Ngày 10/5, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp.

Hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp ngày 10/5. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp ngày 10/5. Ảnh: Phạm Hiếu.

51% cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT-PTNT), hiện cả nước đã có khoảng 18.300 HTX nông nghiệp. Dù tỉ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng lên hơn 60% nhưng năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý. Trong khi đây là yếu tố quyết định hoạt động của phát triển của các HTX nhất là trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.

Các HTX nông nghiệp được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, nhất là với các giám đốc HTX ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động, kiến thức thị trường và chưa được đào tạo bài bản.

Tính đến ngày 31/12/2021, chỉ có 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 33% có trình độ sơ cấp và trung cấp. Còn tới 51% chưa qua đào tạo.

Định hướng tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp nước ta những năm tới đi theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng và sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về chất lượng nông sản. Vì thế buộc ngành nông nghiệp phải đầu tư mạnh cho khoa học, công nghệ; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu cạnh tranh.

Do vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện thời gian tới, nhất là công tác đào tạo nghề cho các giám đốc HTX nông nghiệp với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 31/12/2021, chỉ có 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 33% có trình độ sơ cấp và trung cấp. Còn tới 51% chưa qua đào tạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính đến ngày 31/12/2021, chỉ có 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 33% có trình độ sơ cấp và trung cấp. Còn tới 51% chưa qua đào tạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ quản lý trong các HTX nông nghiệp và xuất phát từ nhu cầu đào tạo rất lớn đối với chức danh giám đốc HTX, năm 2020, Bộ NN-PTNT đã giao Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT II tổ chức đào tạo thí điểm và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 154 học viên ở 2 khu vực miền Bắc và miền Nam.

154 học viên tham gia lớp thí điểm đào tạo giám đốc HTX đều có chung một nhận xét đó là những kiến thức thu được từ lớp học đã giúp ích nhiều trong việc quản lý, điều hành HTX trong tình hình mới, giúp HTX của họ hoạt động hiệu quả hơn trước.

Nâng cao năng lực cho các giám đốc HTX nông nghiệp

Để triển khai trên diện rộng và cung cấp cho cán bộ quản lý các HTX đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về quản lý, phát triển sản xuất, đặc biệt là biết ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thị trường, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu càu của sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục KTHT-PTNT, các giảng viên có chuyên môn sâu về HTX và một số chuyên gia tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” và đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao, ủng hộ, đồng thuận.

Ngày 17/11/2021, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 4468/QĐ-BBB-KTHT phê duyệt chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và giáo trình đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” phục vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đây chính là căn cứ để các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc áp dụng.

Đối tượng tuyển sinh của chương trình là cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác, lao động có mong muốn bổ sung kiến thức về hợp tác xã nông nghiệp. Mục tiêu của chương trình là đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp để đảm bảo đến năm 2030 có trên 80% giám đốc HTX được đào tạo trình độ sơ cấp nghề giám đốc trở lên.

Mục tiêu của chương trình là đến năm 2030 có trên 80% giám đốc HTX được đào tạo trình độ sơ cấp nghề giám đốc trở lên. Ảnh minh họa: Lê Hoàng Vũ.

Mục tiêu của chương trình là đến năm 2030 có trên 80% giám đốc HTX được đào tạo trình độ sơ cấp nghề giám đốc trở lên. Ảnh minh họa: Lê Hoàng Vũ.

Bộ giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” được thiết kế gồm 3 mô đun. Mô đun 1 là những nội dung cơ bản về HTX, Mô đun 2 về quản trị HTX nông nghiệp, Mô đun 3 là phát triển 1 số kỹ năng quản lý HTX nông nghiệp. Trước mắt Bộ NN-PTNT sẽ đào tạo thí điểm cho 500 HTX trong vùng nguyên liệu đạt chuẩn, HTX điển hình và HTX trong mạng lưới Coop.66 với quy mô khoảng 20 lớp.

Các địa phương sẽ chủ động tổ chức đào tạo cho các HTX trên địa bàn, đảm bảo đến năm 2025 có 30% các giám đốc HTX được đào tạo và đến 2030 có trên 80% giám đốc được đào tạo cấp bằng sơ cấp trở lên.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT-PTNT, mục đích lớn nhất của chương trình là tạo ra thế hệ các nhà quản trị HTX có đủ kiến thức, kĩ năng, hiểu biết để quản lý HTX một cách minh bạch, hiệu quả.

“Chương trình sẽ đào tạo 5 nội dung quản trị HTX theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả được sắp xếp theo trình tự quản trị một đơn vị kinh doanh bao gồm: quản trị marketing, quản trị dịch vụ HTX, quản trị sản xuất nông nghiệp, quản trị nhân lực HTX và quản trị tài chính”, ông Lê Đức Thịnh cho hay.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Bình luận mới nhất