Diễn đàn số cho các HTX nông nghiệp
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cũng như các doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học, công nghệ truyền thông trong kinh doanh là xu thế mà các hợp tác xã (HTX) không thể đứng ngoài và cần tận dụng để nắm bắt cơ hội. Đó là nhu cầu cũng như yêu cầu quan trọng đối với việc phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại khu vực kinh tế tập thể, trong đó có các HTX nông nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, minh chứng rõ nhất cho quan điểm này chính là trong khoảng thời gian 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, cung ứng nông sản.
“Tuy nhiên, những HTX đã xây dựng được thương hiệu và ứng dụng công nghệ tin học đều không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vẫn tiếp tục duy trì quảng bá chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các HTX đã tiết kiệm được nhiều loại chi phí trong khi cuộc khủng hoảng diễn ra”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.
Cũng theo ông Thịnh, thời gian qua, với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, phát triển các HTX năng động, hoạt động hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành các chủ trương, định hướng chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030.
Nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả, xác thực, Bộ NN-PTNT chuẩn bị xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp điển hình giai đoạn 2022 - 2025 làm cơ sở phát triển, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với từng lĩnh vực, vùng miền trên cả nước.
Trên cơ sở danh sách các HTX nông nghiệp do các tỉnh, thành phố đề xuất tham gia lựa chọn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tổng hợp, lựa chọn dự kiến 100 HTX nông nghiệp điển hình, đặt tên là Nhóm Coop.66 và triển khai ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 giúp các HTX gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển giá trị kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể.
Ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 hoạt động như một diễn đàn dạng mở dành riêng cho cộng đồng HTX, cho phép các HTX có thể dễ dàng tiếp cận, xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, tiếp cận kho tài nguyên tri thức nông nghiệp hoàn toàn miễn phí, tương tác trực tiếp đến cơ quan quản lý địa phương, các nhóm chuyên gia bằng hình ảnh, video, clips, videocall, gọi thoại, tin nhắn nội bộ linh hoạt, dễ dàng.
Ngoài ra, ứng dụng Coop.66 còn cung cấp các tiện ích hỗ trợ các hoạt động truyền thông quảng bá, thương mại tiêu thụ, tiếp nhận các thông tin cảnh báo bất lợi nông nghiệp, thị trường, giá cả, chính sách hỗ trợ, văn bản, công văn mới… đến các tài khoản thành viên thông qua ứng dụng.
Hệ thống được thực hiện tuân thủ các bước an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, phân quyền tiếp cận dữ liệu, quản lý tài khoản, lưu vết, truy xuất thông tin hoạt động của tài khoản người dùng minh bạch bằng công nghệ chuỗi khối (DGK Blockchain Hub).
Ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn liên tục đầu tư, nghiên cứu nâng cấp phát triển và sẽ mở rộng quy mô triển khai đến tất cả các HTX trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất, hình thành cộng đồng chuyển đổi số HTX hiện đại văn minh và chuyên nghiệp.
“Cho dù các HTX có thể được quản trị tốt hơn nhờ khoa học công nghệ nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình tổ chức sản xuất, công tác quản lý chất lượng nông sản tại chỗ cần được thực hiện một cách chuẩn xác, nghiêm ngặt. Công nghệ số chỉ đóng vai trò giúp các HTX thực hiện quá trình đó nhanh hơn, hiệu quả hơn”, ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.
Công cụ đắc lực cho HTX
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), bắt đầu từ năm 2015 đến nay, sau 7 năm Diễn đàn “Nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp” đi vào hoạt động, mô hình HTX, đặc biệt các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có những biến chuyển tích cực về chất lượng. Sau một thời gian ngắn, với sự hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương, đã bắt đầu xuất hiện những mô hình HTX nổi bật.
PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng hiện nay, các hộ nông dân của Việt Nam đều sản xuất theo quy mô nhỏ, trong khi nếu muốn chiếm lĩnh được thị trường, giảm chi phí thất thoát, ứng phó với biến động thị trường, biến đổi khí hậu…, khâu sản xuất cần phải được tổ chức theo hướng chiến lược và chuyên nghiệp. Và nếu muốn người dân sản xuất chuyên nghiệp, phải có các HTX được quản trị một cách chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, năng lực sản xuất của nông dân Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất trong nhiều năm qua của bà con là tiếp cận thị trường. Minh chứng là tình trạng “được mùa mất giá” hay việc quá phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Để giải quyết được vấn đề cố hữu đó, cần phải nêu cao vai trò của HTX.
“Thời gian tới, nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng sẽ phải đi theo một định hướng vừa thuận lợi, vừa đan xen thách thức, đó là yêu cầu chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn”, PGS.TS Đào Thế Anh đánh giá.
Trả lời cho câu hỏi các HTX cần phải làm gì để có thể thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, ông Lê Đức Thịnh khẳng định việc đầu tiên, các HTX cần định hình mô hình kinh doanh của mình một cách bài bản.
“Cụ thể, các HTX cần xác định được các yếu tố như thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng… Những thông tin đó sẽ tạo ra giá trị thiết thực bằng việc số hóa các quy trình sản xuất an toàn, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng internet”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh phân tích.
Thứ hai, các HTX cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo rất cần chú trọng đến khả năng quản trị số trong các HTX, đặc biệt là các giám đốc HTX. Đồng thời, nguồn nhân lực của HTX cũng cần đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản trị.
“Thứ ba, trong quá trình quản trị số, bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các HTX cũng cần quan tâm hơn đến nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động. Công nghệ số chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các HTX hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, đa dạng hoạt động. Chúng ta không thể chỉ sử dụng công nghệ số cho 1, 2 hoạt động. Đó là một sự lãng phí”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, điều kiện tiên quyết để các HTX có thể thực hiện chuyển đổi số là thay đổi mô hình quản trị. Công nghệ số sẽ cung cấp cho các HTX rất nhiều thông tin và các HTX cần phải có mô hình quản trị tốt để có thể xử lý thông tin đó.
Chính vì thế, đầu tiên, các HTX, đặc biệt là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các thành viên HTX cũng cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau.
“Cùng với đó, chúng ta cần cung cấp thêm các dịch vụ cho HTX như thông tin sản xuất, tư vấn sản xuất, chuẩn đoán sâu bệnh, khoa học công nghệ để hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái… Với công nghệ số, các HTX vùng sâu vùng xa sẽ được tiếp cận những dịch vụ đó dễ dàng hơn”, PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.