| Hotline: 0983.970.780

Đắp đập tạm, tốn tiền tỷ

Thứ Sáu 17/02/2012 , 10:15 (GMT+7)

Vẫn còn một số vùng hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh hoặc thiếu đồng bộ, nên hàng năm vẫn phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để đắp đập tạm.

Tốn hàng tỷ đồng mỗi năm để đắp đập tạm
Trong những năm qua, Trung ương và các địa phương đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng làm hệ thống thủy lợi cho vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Đến nay, nhiều công trình đã phát huy tác dụng, SX 2- 3 vụ lúa/năm ăn chắc. Tuy nhiên, vẫn còn một số vùng hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh hoặc thiếu đồng bộ, nên hàng năm vẫn phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để đắp đập tạm.

Một số vùng ăn chắc

Ông Đỗ Vũ Hùng, PGĐ Sở NN- PTNT An Giang cho biết, từ khi có dự án Bắc Vàm Nao (hệ thống kiểm soát lũ) ở huyện Phú Tân và TX Tân Châu, SX nông nghiệp ở hai địa bàn này đều thắng đậm cả 3 vụ lúa trong năm. Hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao đưa vào sử dụng phục vụ tối ưu SX, cải thiện chất lượng nước phục vụ sinh hoạt và kết hợp giao thông thuận lợi.

Dự án Bắc Vàm Nao có 23 xã, phường, thị trấn thuộc 2 huyện Phú Tân và TX Tân Châu được hưởng lợi trực tiếp. Nhờ có hệ thống này mà người dân nằm trong tiểu vùng SX nông nghiệp có nguồn thu nhập cao. Năm 2012, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư vào các huyện An Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới và TX Châu Đốc xây dựng hệ thống kiểm soát lũ.

Nông dân Trương Văn Hai, ở xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, An Giang phấn khởi, nói: Trước đây khi chưa có dự án thủy lợi Bắc Vàm Nao, nông dân chúng tôi rất khổ. Một năm 12 tháng thì hết 6 tháng hạn, 6 tháng ngập lũ nên việc phát triển trồng lúa và hoa màu vô cùng khó khăn. Nhờ có dự án này mà chúng tôi SX an tâm và đều đạt năng suất cao. Trước đây đường giao thông không có, phải lội xuyên đồng hoặc đi bằng xuồng ghe. Nhưng nay các công trình phục vụ an sinh xã hội được đầu tư, con cái đến trường dễ dàng, nhà tường kiên cố mọc lên ngày càng nhiều.

Ông Phạm Văn Lê, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, đến thời điểm này tỉnh đã bắt tay triển vào việc nạo vét kênh mương và gia cố bờ đê kênh cấp I và II với chiều dài trên 100 km, tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Điều đáng mừng là năm nay An Giang được Trung ương hỗ trợ kinh phí sớm, triển khai xuống từng huyện củng cố đê bao và mở rộng để phục vụ cho vụ lúa TĐ sắp tới, đảm bảo SX ăn chắc, không để xảy ra tình trạng sạt lở đê như năm vừa rồi.

Tại Đồng Tháp, ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp cho biết, nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi mà đến nay Đồng Tháp đã cơ bản đẩy được tình trạng phèn mặn, chỉ còn diện tích nhỏ ở huyện Tam Nông giáp với địa phận tỉnh Long An. Phần lớn diện tích đất SX đã được đầu tư hệ thống đê bao, nông dân SX ổn định từ 2 đến 3 vụ lúa/năm.

Hiện nay, đang vào mùa khô nên tỉnh đang khẩn trương triển khai làm thủy lợi nội đồng, gia cố đê bao chuẩn bị sẵn sàng cho vụ lúa HT và TĐ sắp tới. Toàn tỉnh có 28 công trình kênh mương và tuyến bờ bao cần phải gia cố, nạo vét với tổng chiều dài trên 200 km, kinh phí trên 50 tỷ đồng. Chủ yếu tập trung ở các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng và TX Hồng Ngự.

Phải đầu tư đồng bộ

Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang thì vùng Tây sông Hậu, TGLX của tỉnh hệ thống thủy lợi cơ bản đã cung cấp đủ nguồn nước ngọt cho SX, không cần phải đầu tư đào thêm các kênh lớn dẫn nước. Tuy nhiên, hàng năm vẫn phải có kinh phí để nạo vét lại, củng cố đê bao bị sạt lở. Riêng đối với những vùng quy hoạch làm lúa TĐ thì cần đầu tư thêm hệ thống đê bao, xây dựng các trạm bơm cho hoàn chỉnh.

Khó khăn hiện nay là trên tuyến đê biển của tỉnh vẫn còn một số khu vực chưa có cống nên nước nặm xâm nhập vào nội đồng. Cụ thể, tại TP Rạch Giá còn 4 cửa sông chưa có cống ngăn mặn là Cái Sắn, An Hòa, Kênh nhánh và sông Kiên. Đoạn từ TP Rạch Giá đến TX Hà Tiên hiện vẫn còn 3 cống chưa có công trình ngăn mặn là Tà Xăng, Tam Bản và Đông Hồ.

Ngoài ra, trên suốt tuyến đê này còn nhiều cống nhỏ, hằng năm tỉnh vẫn phải bỏ kinh phí hàng tỷ đồng để đắp các đập tạm ngăn mặn phục vụ SX. Ngay trong vụ ĐX này, tỉnh đã chi 3,9 tỷ đồng để đắp hơn 120 đập tạm nhằm đảm bảo SX. Năm nào tỉnh cũng phải chi từ 3- 5 tỷ đồng đắp các đập tạm ngăn mặn là số tiền không nhỏ, nhưng không làm không được. Những năm tới, khi hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ thì số đập tạm này sẽ giảm dần và khi hoàn chỉnh sẽ không còn phải tốn tiền cho đập tạm nữa.

Tương tự, hằng năm tỉnh Hậu Giang cũng phải chi nguồn khi phí không nhỏ cho việc đắp đập tạm. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết, hằng năm cứ vào khoảng tháng 3 là nước mặn bắt đầu xâm nhập vào địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến khoảng 10.000 ha đất lúa. Trong đó, nặng nhất là huyện Long Mỹ khoảng 6.000 ha, Vị Thủy 1.000 ha và TP Vị Thanh 2.000 ha.

Năm nay, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo kiên quyết không để nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Hiện tại, Chi cục đang bồi đắp lại hệ thống đê bao ngăn mặn, sửa chữa các nắp cống bị hư hỏng và đắp đập thời vụ ở những cửa sông chưa có cống. Toàn tỉnh sẽ phải đắp khoảng 100 đập tạm. Dự kiến, phải đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh mới không phải đắp đập tạm.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.