| Hotline: 0983.970.780

Tăng thêm 50 nghìn ha cây vụ đông so với mọi năm

Thứ Sáu 11/10/2024 , 16:16 (GMT+7)

HÀ NỘI Ngày 11/10, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất vụ đông 2024 trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông

Bà Lưu Thị Hằng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho biết, bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn kéo dài, ngập úng nghiêm trọng tại một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Nhiều diện tích lúa vụ mùa và hoa màu bị hư hại.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cùng các doanh nghiệp trao tặng hạt giống rau cho HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh). Ảnh: Trung Quân.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cùng các doanh nghiệp trao tặng hạt giống rau cho HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh). Ảnh: Trung Quân.

Để khẩn trương khôi phục sản xuất trồng trọt, Sở NN-PTNT Hà Nội, Chi cục Trồng trọt và BVTV Thành phố đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục. Trong đó, khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa bị đổ ngã và rau màu bị ngập úng có khả năng thu hoạch, giải phóng đất trồng cây vụ đông sớm.

Đặc biệt, trên cơ sở mục tiêu của Thành phố đạt tổng diện tích sản xuất cây vụ đông 2024 khoảng 35.000ha (tăng 3.000 - 4.000ha so với kế hoạch đầu năm), các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nước rút đến đâu tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại và khôi phục đến đó.

Đồng thời, mở rộng tối đa diện tích sản xuất cây vụ đông để đảm bảo nguồn cung và thu nhập, tập trung chủ yếu vào các cây màu như khoai tây, đậu tương, lạc, ngô, cây rau các loại… Trong giai đoạn đầu sau bão, ưu tiên trồng các loại rau ngắn ngày như rau cải xanh, cải ngọt (có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 30 - 40 ngày) nhằm nhanh chóng cho thu hoạch, đảm bảo ổn định nguồn rau xanh cung cấp ra thị trường.

Cũng theo bà Hằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tính đến ngày 10/10, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông toàn Thành phố đạt 55 - 60% so với kế hoạch. Sở NN-PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND trình HĐND Thành phố xây dựng các phương án hỗ trợ một phần chi phí sản xuất đối với một số cây trồng chủ lực của vụ đông, gồm: Cây ngô (hơn 4.000ha), khoai lang (579ha), đậu tương (573ha), lạc (138ha), khoai tây (990ha), rau các loại (gần 11.000ha). Tổng diện tích hỗ trợ vụ đông hơn 17.200ha với số tiền khoảng 213 tỷ đồng…

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh) chia sẻ, xác định vụ đông là vụ sản xuất mang lại giá trị lớn trong năm nên ngay sau bão, HTX đã nhanh chóng xây dựng chi tiết phương án sản xuất rau màu vụ đông và thông báo rộng rãi tới các hộ sản xuất qua loa truyền thanh để tạo sự đồng bộ, thống nhất.

Theo ông Nguyễn Như Cường, vụ đông năm nay các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu tăng thêm 50.000ha so với mọi năm. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Như Cường, vụ đông năm nay các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu tăng thêm 50.000ha so với mọi năm. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó, những diện tích bị ngập, nước rút đến đâu nhanh chóng cải tạo đất xuống giống những loại rau ăn lá ngắn ngày; tận dụng quỹ đất trồng xen canh các loại rau để không làm đứt gãy nguồn cung, tiết kiệm chi phí, công lao động và tận dụng được cơ hội giá bán rau đang ở mức cao nhằm gia tăng thu nhập, bù đắp thiệt hại cho lứa rau vừa bị mất trắng.

Đến hiện tại, với tổng diện tích sản xuất vụ đông 200ha, HTX đã khôi phục được 150ha; 50ha người dân đang tích cực gieo trồng, dự kiến sẽ phủ kín trong tháng 10. Trà rau gieo trồng lại sau bão (25 ngày) đã cho thu hoạch, với giá bán trung bình 7.000 - 8.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 - 23.000 đồng/kg (giá bán rau biến động theo ngày), trừ chi phí, các hộ đã bắt đầu có lãi. HTX cũng đặt mục tiêu cung cấp ra thị trường 30.000 tấn rau các loại trong vụ đông năm nay.

Cũng theo ông Đua, hiện nay có ý kiến cho rằng nhiều hộ sản xuất rau tranh thủ thời điểm khan hàng đã tăng cường sử dụng các chất kích thích để nhanh chóng có nguồn cung cho thị trường, đây là thông tin hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, thời tiết hiện tại đang rất thuận lợi cho cây vụ động phát triển. Bên cạnh đó, các diện tích bị ngập khi nước rút đã để lại một lớp phù sa có ích cho cây trồng và tiêu diệt đáng kể mầm bệnh trong đất nên khi xuống giống rau đã phát triển nhanh chóng. Người dân hầu như không cần dùng đến các loại thuốc BVTV mà vẫn rút ngắn được thời gian cho thu hoạch so với thông thường 5 - 6 ngày.

Không thiếu giống, vật tư khôi phục sản xuất

Sau khi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất vụ đông tại Hà Nội, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đánh giá: Vụ đông năm nay diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Do đó, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm và thu nhập của người dân, Bộ NN-PTNT đã cùng các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất. Trong đó, tăng diện tích sản xuất cây vụ đông lên 420.000ha (tăng 50.000ha so với mọi năm).

Đến hiện tại, công tác khôi phục sản xuất tại Hà Nội và các địa phương diễn ra thuận lợi. Trà rau trồng lại sau bão đã cho thu hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Đến hiện tại, công tác khôi phục sản xuất tại Hà Nội và các địa phương diễn ra thuận lợi. Trà rau trồng lại sau bão đã cho thu hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Để đảm bảo đạt được mục tiêu này, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, các địa phương đã chủ động chuẩn bị chu đáo mọi nguồn lực như giống, vật tư, xây dựng khung thời vụ hợp lý cho từng loại cây trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp...

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ giống, phân bón, vật tư cho các địa phương bị thiệt về sản xuất trồng trọt. Đồng thời, cam kết không tăng giá bán, tạo điều kiện tốt nhất để người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.

“Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ Bộ NN-PTNT và các địa phương, sự ủng hộ của thời tiết, đến hiện tại có thể khẳng định từ nay đến hết vụ đông chúng ta không thiếu giống chất lượng phục vụ sản xuất và đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông. Sản lượng cung ứng, giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích sẽ tương đương và không có biến động nhiều so với các vụ đông trước đây”, ông Nguyễn Như Cường đánh giá.

Xem thêm
Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật ưu việt cho người chăn nuôi gà

THÁI NGUYÊN Việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thực tế sẽ giúp ngành chăn nuôi Thái Nguyên phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế.

Bí mật bên trong những chuyến xe chở nội tạng trâu bò, lợn gà

Cơ quan chức năng các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên tiếp phát hiện các vụ việc buôn bán nội tạng trâu bò, lợn gà không đảm bảo vệ sinh thú y.

Chuyển đổi số trên nương chè: Minh bạch trong quản lý mã số vùng trồng

THÁI NGUYÊN Mã số vùng trồng là 'tấm visa' giúp cây chè được các nước chấp nhận và tạo thuận lợi thông quan. Tuy nhiên, nếu gian dối sẽ bị tuýt còi, thậm chí mất thị trường.

Bình luận mới nhất