Nhiều nông dân các huyện Phú Hòa, Đông Hòa tham quan nhìn mã lúa rất ưng ý, chất lượng gạo lại thơm ngon nên đặt hàng tại ruộng mua luôn đám lúa.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng HT1 tại cánh đồng Ngọc Lãnh, thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). |
Có gần 20 nông dân huyện Đông Hòa tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng HT1. Ông Nguyễn Ngọc Quốc ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), nhận định: Ruộng mô hình lúa trổ bằng mặt, còn ruộng ngoài mô hình là lúa “nhà lầu” (lúa lẫn tạp nhiều tầng). Giống lúa HT1 còn có hương thơm đặc trưng, buổi hội thảo có nấu cơm gạo HT1, cơm thơm, hột cơm rời…
Theo ông Võ Minh Tú, chủ cơ sở cơ sở xay xát Tú Loan, giống lúa HT1 chất lượng gạo ngon, thị trường ưa chuộng, vụ tới nông dân bên huyện Đông Hòa trồng giống này thì cơ sở xay xát Tú Loan vẫn qua thu mua. Hiện cơ sở của ông thu mua lúa HT1 là 6.500 đồng/kg, cao hơn giống lúa trồng đại trà 1.000 đồng/kg, nếu giá thị trường tăng cao lên 7.000 hoặc 7.300 đồng/kg thì ông cũng sẽ thu mua lúa HT1 giá tăng theo.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, Phú Yên là tỉnh có năng suất lúa cao trong số các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bình quân 65-68 tạ/ha/vụ. Tuy nhiên sản xuất lúa hiện nay của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, đó là mật độ sạ với lượng giống quá cao, bình quân 180 – 220kg/ha. Diện tích sử dụng các giống lúa đạt tiêu chuẩn từ cấp xác nhận trở lên đạt thấp. Do vậy, ruộng lúa thường lẫn tạp, nhiều tầng, chất lượng lúa gạo giảm thấp, chi phí sản xuất tăng cao.
“Mô hình này góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, nhất là giảm lượng giống gieo sạ dưới 100kg/ha, so với ruộng sản xuất đại trà ngoài mô hình, từ đó giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Mô hình cũng giúp bà con nông dân định hướng sử dụng các giống đạt tiêu chuẩn để gieo sạ, từ đó tạo được nguồn giống đạt tiêu chuẩn để trao đổi trong địa phương”, ông Tuấn nói.