| Hotline: 0983.970.780

Đưa trâu bò 'hạ sơn' tránh rét

Thứ Bảy 14/12/2024 , 09:30 (GMT+7)

Cùng với xây chuồng trại, người dân vùng cao Lào Cai còn bảo vệ đàn trâu, bò bằng cách đưa chúng xuống vùng thấp mỗi khi nhiệt độ giảm sâu chỉ còn vài độ C.

Con trâu với bà con vùng cao là tài sản lớn, có giá trị hàng chục triệu đồng. Ảnh: H.Đ.

Con trâu với bà con vùng cao là tài sản lớn, có giá trị hàng chục triệu đồng. Ảnh: H.Đ.

Những ngày qua, nhiệt độ ở vùng núi Lào Cai giảm thấp, trời chuyển rét đậm, như Sa Pa chỉ 9-12 độ C. Thời tiết này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và vật nuôi. Song, bà con dân tộc thiểu số vốn quen với những đợt rét "cắt da, cắt thịt" và có cách riêng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình. 

Gần chục năm nay, khi những đợt rét ùa về, bà Giàng Thị Giả ở tổ 2, phường Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai) lại đưa toàn bộ đàn trâu của gia đình xuống khu vực chăn thả ở xã Cốc San (thành phố Lào Cai) để giữ ấm.

Lùa đàn trâu vào chuồng được dựng tạm bằng những cây gỗ, quây bạt, bà Giả chia sẻ, gia đình tôi mới xuống đây hôm qua, vừa kịp dựng lều, ở đến khi hết rét mới về. Chắc năm nay phải qua Tết may ra hết lạnh.

Lý giải về việc đưa trâu xuống vùng thấp, ngoài chênh lệch nhiệt độ ngày đêm giữa 2 nơi đến cả 10 độ C, thì theo người nuôi này, khi quá lạnh, có những con trâu bỏ ăn cám, ăn rơm mà chỉ ăn cỏ nên phải lùa chúng xuống đây để chăn thả. Cũng chính vì đưa trâu xuống vùng thấp nên lâu nay gia đình bà không có con trâu nào bị chết đói, chết rét, bị cước chân phải bán gấp.

Tuy nhiên, không chủ quan, gia đình bà vẫn chuẩn bị thêm củi sử dụng đun nấu tại chỗ và giữ ấm cho đàn gia súc trong trường hợp nhiệt độ xuống quá thấp.

Cách đó không xa là lán của ông Giàng A Chúng ở thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai). Gia đình ông nuôi trâu nhưng không bán. Từ đầu năm đến nay, ông cũng chỉ thịt một con trâu để làm lý. Theo ông, ngoài che chắn chuồng trại thì mùa này nên bổ sung thức ăn, bổ sung muối để con trâu có sức khỏe chống chịu qua các đợt rét khắc nghiệt. Cách đưa trâu xuống vùng thấp cũng giúp bảo vệ đàn gia súc dễ dàng hơn là nuôi nhốt ở vùng cao, nhất là mùa đông, những đợt rét kéo dài với nền nhiệt dưới 10 độ C.

Trong khi đó, tại Mường Khương, dự báo năm nay sẽ có những đợt rét hại nặng đến rất nặng. Các xã vùng cao và núi cao của huyện này khả năng xuất hiện khoảng 2-3 đợt sương muối, băng giá; nhiệt độ thấp nhất giảm xuống 6-8 độ C, vùng cao chỉ khoảng 0-2 độ C. 

Chính vì vậy, cũng như những huyện vùng cao khác của Lào Cai, các địa phương thường xuyên đôn đốc và tuyên truyền tới người dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Bà con vùng cao đưa những con trâu xuống vùng thấp chăn thả để tránh rét. Ảnh: H.Đ.

Bà con vùng cao đưa những con trâu xuống vùng thấp chăn thả để tránh rét. Ảnh: H.Đ.

Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, đơn vị thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các Trạm Thú y tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; theo dõi, kiểm tra, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân phòng, chống đói, rét cho vật nuôi...

Khẩn trương cải tạo hoặc làm chuồng mới, chuẩn bị vật liệu che chắn đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa đông. Di chuyển đàn gia súc chăn thả trong rừng về nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.

Dọn vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, đảm bảo luôn khô ráo; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tuần; làm hố chứa phân, nước tiểu gia súc riêng; xử lý phân gia súc bằng phương pháp ủ nhiệt hoặc ủ men vi sinh; không tích trữ phân gia súc trong chuồng đang nuôi nhốt gia súc.

Với trường hợp di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải có giấy chứng nhận tiêm phòng của UBND xã nơi di chuyển đi; thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm để giữ ấm cho gia súc; định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên; thức ăn tinh dự trữ để bổ sung cho gia súc trưởng thành (bình quân 1kg/con/ngày), gia súc non 0,3 - 0,5kg/con/ngày.

Tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc để tăng sức đề kháng; những ngày mưa rét, nhiệt độ dưới 12 độ C không chăn thả gia súc; cung cấp đủ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh và các loại vitamin, cho uống nước ấm có pha thêm muối hoặc nước gừng giúp gia súc giữ thân nhiệt. Vỗ béo gia súc gầy, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa đông...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.