| Hotline: 0983.970.780

Đất mỏ nhắm mục tiêu thành trung tâm nuôi trồng thủy sản

Thứ Sáu 22/12/2023 , 06:05 (GMT+7)

Tinh Quảng Ninh đang tập trung nuôi công nghệ cao, công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sản lượng, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc.

Quảng Ninh sở hữu tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh sở hữu tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, Quảng Ninh đã và đang áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, từ con giống, thức ăn, phương pháp nuôi công nghiệp, hiện đại thay thế cách nuôi quảng canh, cho đến hạ tầng nuôi thân thiện với môi trường, đã tạo nên sự bền vững cho ngành thủy sản ở đất mỏ.

Ngành thủy sản đã và đang thể hiện vai trò chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, Quảng Ninh có dư địa rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng, tổng diện tích mặt nước trên 30.000ha.

Đến nay, nuôi trồng thủy sản đã phát triển sang bước mới, đó là đưa khoa học công nghệ vào nuôi, giảm khai thác xa bờ. Điều này đang phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay.

Trong nuôi trồng thủy sản, yếu tố con giống luôn được ưu tiên hàng đầu. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống đã tạo nền móng vững chắc cho ngành thủy sản ở Quảng Ninh.

Anh Phan Văn Lịch, Quản lý kỹ thuật Công ty Việt Úc, cho biết: "Tập đoàn Việt Úc đã có những bước đột phá, tạo được 3 thế hệ tôm giống, trong đó, đặc biệt nhất là thế hệ tôm giống VUS Leader 21 cho sức đề kháng tốt hơn, tăng trưởng nhanh hơn, thích nghi tốt hơn và đạt đầu con hơn. Ngoài ra còn 2 thế hệ nữa là tôm giống chịu được nhiệt độ thấp và độ mặn thấp. Trong thời gian ra ngoài thị trường được phía các hộ nuôi phản hồi rất tích cực".

Cùng với yếu tố con giống, thức ăn trong chăn nuôi cũng như các chế phẩm cung cấp cho thủy sản, đặc biệt đối với tôm nuôi, đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Thăng Long, chia sẻ: "Lĩnh vực sản xuất thức ăn là một trong những lịch vực trọng tâm của Thăng Long do đó việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực này là tất yếu. Chúng tôi đã đầu tư những hệ thống máy móc tiên tiến nhất vào trong quy trình sản xuất để từ đó chúng tôi đa dạng hóa được các sản phẩm, không những về những sản phẩm thức ăn hỗn hợp thông thường mà chúng tôi còn áp dụng công nghệ tiên tiên nhất để làm sao chúng tôi sản xuất được những thức ăn chức năng như thức ăn hỗ trợ về tiêu hóa, thức ăn hỗ trợ bảo vệ gan của tôm để làm sao nâng cao sức khỏe, nâng cao tỉ lệ sống của vật nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả cho bà con".

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước có quy chuẩn riêng về vật liệu nổi phục vụ trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển. Đây là phương pháp giúp bảo vệ môi trường, khi tích hợp với các ứng dụng khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ người nuôi một cách tốt nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, đến nay, Tập đoàn STP đã có 3 giải pháp chính cho ngành nuôi trồng thủy sản. "Thứ nhất là trên biển chúng tôi đã có lồng những lồng dùng cho ngoài khơi, có thể chịu được bão gió cấp 12, trên đó định vị được tọa độ, trong những trường hợp đặc biệt vẫn tìm được sản lượng, data trên biển bằng mã QR code và iCheck trên lồng. Thứ hai chúng tôi đã có sản phẩm thay thế cho sản phẩm phao xốp mà trước đây bà con dùng, hay thay thế những thùng phi bằng những hệ nổi bằng những ngôi nhà, bằng những phao HDPE bền vững với biển và bảo vệ môi trường, thay thế cho sản phẩm phao cũ ngày xưa.

Bên cạnh đó, tất cả sản phẩm của chúng tôi có một nét đẹp là gắn với môi trường, bảo vệ môi trường, độ bền đến 50 năm, đặc biệt còn tích hợp được với khoa học công nghệ, chẳng hạn những công nghệ như đánh chìm lồng, cho ăn tự động… Người dân có thể để lồng ở đó nhưng hoàn toàn tự động nuôi cá chứ không phải ra bờ hay ra ngoài khơi để chăm sóc", bà Bình cho biết.

Mô hình nuôi biển áp dụng khoa học công nghệ của STP Group ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi biển áp dụng khoa học công nghệ của STP Group ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp tại Quảng Ninh cho năng suất cao, số vụ nuôi trong năm cũng tăng so với trước.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP thủy sản Tân An, chia sẻ: "Trước kia người dân chủ yếu nuôi thâm canh, đến nay chúng tôi áp dụng quy trình nuôi siêu thâm canh (3 giai đoạn). Từ lúc áp dụng quy trình này giúp tăng mùa vụ, tăng năng suất, hiệu quả rõ rệt. Từ diện tích nhỏ nhưng có thể cho thu hoạch 150-170 tấn/năm. Có thể nói việc áp dụng KHCN hiệu quả hơn hẳn nuôi thâm canh và bán thâm canh, công nghệ cũ".

Để ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, việc tổ chức sản xuất theo hướng đi mới, hiện đại hơn, khoa học hơn, là điều mà Quảng Ninh đang hướng tới.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: "Những thông tin kỹ thuật về thị trường, về sản xuất thì hiện nay chúng tôi đang xây dựng trên hệ thống chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang hợp tác với VNPT để xây dựng tất cả hệ thống sản xuất trên cơ sở số hóa và chúng ta cũng đã nhìn thấy những mô hình thực tiễn.

Hiện nay thì ngành nông nghiệp chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung ứng vật tư, vật liệu và kể cả những nhà cung ứng các giải pháp phần mềm quản trị sản xuất để hướng tới lựa chọn những trang trại nuôi. Về khâu quản lý nhà nước thì chúng tôi cho rằng sẽ giải quyết được từng bước về mặt chính sách, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật ngành chắc chắn sẽ giải quyết được".

Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sản lượng, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.