| Hotline: 0983.970.780

Xóa 'điểm trắng' trong nuôi trồng thủy sản

Thứ Hai 18/12/2023 , 15:33 (GMT+7)

QUẢNG NINH Sau 3 năm triển khai, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản.

Nuôi hàu bằng vật liệu HDPE tại HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Nuôi hàu bằng vật liệu HDPE tại HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh hiện có trên 32.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, nuôi biển chiếm 68%. Với lợi thế bờ biển dài 250km, diện tích mặt biển hơn 6.000km² cùng 43.000ha rừng ngập mặn, bãi triều có thể nuôi các loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh.

Trước đây, người nuôi thủy sản có thói quen sử dụng phao xốp để làm lồng bè. Mặc dù đây là vật liệu có giá rẻ, dễ đầu tư, có độ nổi mặt nước tốt nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình chỉ từ 2-3 năm.

Đồng thời, do nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phao xốp, lồng, bè gỗ nên mỗi khi mưa bão, người nuôi bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Để đảm bảo công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, đặc biệt là xóa phao xốp, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 31 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn trên địa bàn.

Đây là giải pháp đột phá và cách làm mới của Quảng Ninh trong việc quản lý, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, sóng to, gió lớn, tuổi thọ 30-50 năm.

Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản bằng phao nhựa HDPE được đánh giá là một hình thức nuôi thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm, thủy sản sinh trưởng khỏe mạnh.

Anh Vũ Văn Tình (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cho biết: "Tôi nuôi hàu từ nhiều năm nay, sau khi được tuyên truyền cũng như thấy tác hại của phao xốp, tôi đã chuyển đổi toàn bộ sang phao nhựa hợp quy chuẩn. Nếu mở rộng diện tích nuôi, tôi cam kết sẽ tiếp tục dùng phao nhựa để bảo vệ môi trường".

Thời gian qua, các địa phương, ban, ngành liên quan đã tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thực hiện chủ trương chuyển đổi, xóa phao xốp. Cùng với đó, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp cố tình không thực hiện dù đã ký cam kết chuyển đổi.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có khoảng 6,85 triệu quả phao xốp được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành, tỷ lệ chuyển đổi đạt 99,5%.

Những chiếc phao xốp dần biến mất trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những chiếc phao xốp dần biến mất trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhằm giải quyết dứt điểm việc chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ phối hợp, nhanh chóng lập đề án nuôi biển, đề nghị cấp có thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định, gắn với thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi vật liệu nổi và cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, hiện ngành thủy sản đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định các vùng, vị trí nuôi đảm bảo an toàn, phù hợp với quy hoạch của huyện, của tỉnh để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức giao cho người dân yên tâm sản xuất, sử dụng vật liệu nổi hợp quy, đảm bảo môi trường.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các đơn vị sản xuất phao nhựa dùng trong nuôi trồng thủy sản chủ động đa dạng hóa mẫu mã, kích cỡ sản phẩm theo nhu cầu thực tế, sản xuất và hoàn thiện thủ tục công bố hợp quy.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục công bố hợp quy cho các sản phẩm phao nhựa cỡ lớn, có độ bền cao hơn phao xốp, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với hình thức nuôi biển bằng nhà bè, giàn bè.

"Các địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lập Đề án nuôi trồng thủy sản trên biển. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cấp phép, giao mặt nước theo quy định", ông Đỗ Đình Minh nhấn mạnh.

Các địa phương đã hoàn thành chuyển đổi 100% gồm Tiên Yên và Đầm Hà, các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi cao trên 95% gồm Vân Đồn, Cẩm Phả; tỷ lệ chuyển đổi trung bình và thấp: Hải Hà, Móng Cái, Quảng Yên, Hạ Long. Được biết, số phao xốp còn lại chủ yếu là ở những bè đang trong quá trình nuôi thủy sản chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Khi người dân thu hoạch xong sẽ tiến hành thay thế hoàn toàn.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.