| Hotline: 0983.970.780

Đất núi ‘nở hoa’ nhờ giống VNR10 và ĐB18

Thứ Năm 06/04/2023 , 15:37 (GMT+7)

Vụ ĐX 2022-2023, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) đưa vào sản xuất 2 giống lúa VNR10 và ĐB18, tính năng ưu việt của 2 giống này đã làm đất núi ‘nở hoa”.

Lần đầu làm đã “mê tít”

Vụ đông xuân 2022-2023, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam (đơn vị trực thuộc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam-VINASEED), triển khai sản xuất trình diễn 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Vùng trung du thì có huyện Hoài Ân, Tây Sơn; vùng ven biển có thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, vùng đồng bằng có huyện Tuy Phước, vùng đất cát có huyện Phù Cát. Từ đồng bằng đến miền trung du Bình Định, những nơi có mặt 2 giống lúa, nông dân đều “mê tít” 2 giống lúa này.

Sáng 6/4, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định cùng ngành chức năng huyện Tây Sơn (Bình Định) tổ chức cho nông dân địa phương đi thăm cánh đồng sản xuất 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 tại vùng đất núi xã Tây Thuận.

Theo ông Trương Thế Việt, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, vùng đất sản xuất thí điểm 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 tại thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) là vùng đất xấu, lại là “điểm nóng” bệnh đạo ôn của huyện Tây Sơn. Thế nhưng qua thực tế sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, cả 2 giống lúa nói trên đều không thấy xuất hiện 2 loại bệnh được xem là “khắc tinh” của đồng ruộng xã Tây Thuận.

Empty

Nông dân tham quan mô hình sản xuất giống ĐB18 tại thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Khí hậu ở Tây Sơn trong vụ đông xuân rất khắc nghiệt, ban đêm thì lạnh mà ngày thì nắng nóng, biên độ chênh lệch ngày và đêm rất lớn, đây là điều kiện thuận lợi để rầy nâu và bệnh đạo ôn phát sinh. Qua thực tế sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 không hề phát sinh 2 bệnh này, chứng tỏ đây là những giống kháng bệnh rất tốt. Thêm nữa, 2 giống lúa nói trên cứng cây nên khả năng chống đổ ngã cao”, ông Trương Thế Việt cho hay.

Bà Võ Thị Liễu ở xóm 5, thôn Tiên Thuận (xã Tây Thuận), vụ đông xuân 2022-2023 bà Liễu lần đầu tiên sản xuất giống lúa VNR10, cho biết: “Tui làm ruộng mấy chục năm nay, thay đổi giống liên tục, thế nhưng chưa khi nào tui thấy có giống lúa phù hợp với đồng đất Tiên Thuận như giống VNR10. Suốt từ đầu vụ đến cuối vụ tui chỉ phun phòng thuốc bệnh cho lúa trong giai đoạn làm đòng có 1 lần, nhưng đến cuối vụ không thấy bệnh gì phát hiện. Đặc biệt, vùng đất này cây lúa vụ đông xuân thường xuyên bị bệnh đạo ôn và rầy gây hại, nhưng với giống VNR10 tui không thấy rầy và bệnh đạo ôn xuất hiện. Năng suất lại cho rất cao, đám ruộng tui làm thu hoạch đạt năng suất ít nhất cũng trên 75 tạ/ha, mới làm lần đầu mà tui “mê tít” giống lúa này”, bà Liễu nói.

Empty

Ông Trương Thế Việt, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, với mô hình sản xuất giống ĐB18 tại thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo nông dân Lê Cửu Mỹ ở thôn Tiên Thuận (xã Tây Thuận), người trực tiếp sản xuất 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 trong vụ đông xuân vừa qua, cho biết thêm: Những ưu điểm của 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 mà ông “mê” nhất là chịu được thời tiết khắc nghiệt, vụ đông xuân 2022-2023 thời tiết bất thuận khi mưa khi nắng, mà vùng đất núi đồi ở thôn Tiên Thuận cho năng suất rất cao so với những giống ông Mỹ thường làm trước đây bảo ai không thích.

"Thứ nữa là kháng được sâu bệnh. Năng suất vụ này tui làm phải đạt đến 80 tạ/ha dù đất này không phải là đất tốt. Riêng giống ĐB18 so với giống VNR10 mọi tính năng đều như nhau, cũng kháng sâu bệnh tốt, cứng cây chống đổ ngã và cho năng suất không thua kém giống VNR10. 2 giống lúa này lại cho cơm ngon nên bà con rất ưa. Tui mong ngành nông nghiệp địa phương trong vụ hè thu tới tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tổ chức sản xuất lại 2 giống lúa này để thử thách xem có phù hợp với vụ mùa thường xuyên khô hạn ở Tây Sơn”, ông Mỹ nói.

Nhiều tính năng ưu việt

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Tây Thuận, vụ đông xuân 2022-2023 HTX phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tổ chức sản xuất trình diễn 2 giống lúa VNR10 và DDB1 trên diện tích 1 ha. Qua thực tiễn sản xuất cho thấy 2 giống lúa này có nhiều đặc tính ưu việt là nhẹ phân, kháng sâu bệnh. “Từ khi xuống giống đến giờ này gần thu hoạch, hầu hết bà con chỉ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh 1 lần lúc cây lúa đang làm đòng mà sâu bệnh không phát sinh, lúa rất chắc hạt. “HTX đề nghị ngành chức năng và công ty nhân rộng giống này trên địa bàn để bà con có bộ giống tốt để nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Empty

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Gi ám đốc Sở NN-PTNT Bình Định (ngoài cùng bìa phải), thăm mô hình sản xuất giống VNR10 tại thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bà Trương Thị Thúy Ức, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoài Nhơn, đánh giá về giống ĐB18: “Đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn sản xuất giống lúa ĐB18 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tại xã Hoài Mỹ. Giống lúa này cho năng suất cao, đạt 75-78 tạ/ha, trên đồng ruộng không thấy sâu bệnh xuất hiện. Ngành chức năng thị xã đã đề nghị công ty tiếp tục sản xuất giống lúa này trong vụ thu năm 2023 tại xã Hoài Xuân để tiếp tục đánh giá. Thời gian sinh tưởng giống lúa này vụ đông xuân từ 110-115 ngày, vụ hè thu khoảng 93-96 ngày nên phù hợp cả 2 vụ/năm. Giống ĐB18 có phổ thích nghi rộng, cả đất phèn lẫn đất nhiễm mặn cũng phát triển tốt. Đặc biệt, bộ lúa đòng của giống ĐB18 tốt nên quang hợp tốt, đây là yếu tố cấu thành năng suất của giống lúa này”.

Theo ông Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Kinh doanh-Phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam, hàng năm, công ty đưa vào sản xuất trình diễn diện rộng nhiều giống lúa tại Bình Định trên nhiều chân đất khác nhau, trên nhiều địa bàn khác nhau.

Vụ đông xuân 2022-2023 công ty sản xuất trình diễn tại Bình Định 2 giống lúa VNR10, ĐB18 tại các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn và thị xã Hoài Nhơn. Công ty hỗ trợ nông dân tham gia mô hình giống lúa với khuyến cáo sạ chỉ 5kg/sào (500m2). Ngoài ra, công ty cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, trong quá trình cây lúa sinh trưởng phát triển, cán bộ kỹ thuật của công ty cùng HTX bám sát đồng ruộng, đôn đốc nông dân chăm sóc lúa để đạt hiệu quả cao.

Empty

Nông dân Lê Cửu Mỹ ở thôn Tiên Thuận (xã Tây Thuận) là người trực tiếp sản xuất 2 giống lúa VNR10 và ĐB18 trong vụ đông xuân vừa qua. Ảnh: V.Đ.T.

“Riêng giống VNR10 công ty đã sản xuất trên diện rộng tại địa bàn Bình Định được 3 năm (6 vụ) rồi. Hàng năm công ty tổ chức triển khai nhiều mô hình trình diễn. Thời gian sinh trưởng giống VNR10 trong vụ đông xuân từ 105-110 ngày, vụ hè thu khoảng từ 90-95 ngày. Đây là giống cứng cây, chống đổ ngã tốt, đặc biệt là chịu nóng rất tốt nên không chỉ phù hợp sản xuất vụ đông xuân mà còn phù hợp cả vụ hè thu, nhất là đối với địa phương có thời tiết khắc nghiệt như ở huyện Tây Sơn. Thời gian sinh trưởng của giống ĐB18 vụ đông xuân khoảng 115 ngày, vụ hè thu từ 93-96 ngày. Đây cũng là giống lúa vừa cho năng suất cao vừa cho chất lượng gạo ngon. Vụ đông xuân 2022-2023 lần đầu tiên đưa giống này vào Bình Định, đã sản xuất trình diễn tại nhiều địa phương, trên nhiều chân đất khác nhau để đánh giá tính thích nghi của nó”, ông Lê Văn Toàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Tây Thuận (huyện Tây Sơn), cho biết thêm về giống ĐB18: “Giống này có bông dạng chùm, hạt xếp sít, tỷ lệ hạt chắc trên bông rất đạt nên cho năng suất cao. Gạo ngon, có tỷ lệ xay xát rất đạt nên thành gạo cao, hạt gạo không bạc bụng. Cơm ăn mềm, có vị đậm; hạt cơm xốp, dễ ăn”.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...