| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn NTM: Ngày vui đến sớm

Thứ Ba 29/04/2014 , 09:36 (GMT+7)

Ngày 28/4, gần 1.800 hộ dân xã Tân Tiến (TP. Vị Thanh, Hậu Giang) đã hòa chung trong niềm vui lớn khi trở thành công dân xã NTM. 

Đây là xã thứ 3 của tỉnh Hậu Giang sau Đại Thành (TX. Ngã Bảy) và Vị Thanh (huyện Vị Thủy) cán đích NTM.

Vượt đường dài khó khăn

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đến xã Tân Tiến, một trong những cửa ngõ đi vào TP. Vị Thanh. Ấn tượng đập vào mắt tôi không chỉ là các trục đường chính, đường liên ấp, mà trong nhà, ngoài ngõ đều sạch đẹp, thoáng mát. Trên đầu là rừng cờ, dưới chân là rừng hoa khoe sắc ven đường.

- Năm nay chuẩn bị mừng lễ 30/4 sớm thế bác ơi? Chúng tôi hỏi một người dân ở ấp Mỹ Hiệp 2 đang chỉnh sửa lại cây kiểng trước sân nhà cho bắt mắt hơn.

- Năm nay người dân chúng tôi được hưởng niềm vui kép, đó là Lễ công nhận xã đạt chuẩn về NTM diễn ra ngay trước thềm lễ 30/4 nên treo cờ luôn mấy ngày liền. Không riêng gì nhà tôi, mà nhà nào cũng vậy, chẳng khác gì ngày Tết.

Ghé thăm trung tâm xã, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy khu đất trũng thấp bên cạnh trụ sở ủy ban xã ngày nào giờ là Nhà văn hóa và Khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTTDL với sân khấu ngoài trời phục vụ nhân dân giao lưu văn hóa, văn nghệ và chơi thể thao với diện tích 13.000 m2.

Xã Tân Tiến được công nhận xã NTM

Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Phạm Văn Mun không giấu được niềm vui. Ông Mun tự hào cho biết: “Có được kết quả như ngày hôm nay, cả chính quyền và người dân trong xã đã phải phấn đấu không ngừng để vượt qua một chặng đường dài đầy khó khăn, thách thức. Bây giờ được hưởng thành quả của trái ngọt đầu mùa, người nào cũng thấy phấn khởi vì có công sức của mình trong đó”.

Nhìn vào lịch sử hình thành xã mới thấy kết quả này là đáng khâm phục. Tân Tiến là xã còn non trẻ, mới được chia tách từ xã Hỏa Tiến vào đầu năm 2007. Ngay từ khi mới được thành lập, chính quyền và người dân nơi đây đã xác định: xây dựng đời sống kinh tế phải đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa.

Quyết tâm đó đã được đền đáp bằng việc Tân Tiến được công nhận là xã văn hóa nhiều năm liền. Đời sống văn hóa phát triển, kinh tế đi lên là tiền đề quan trọng để Tân Tiến tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng thành công xã NTM.

Khi phong trào xây dựng NTM bắt đầu, mặc dù không phải là xã điểm của tỉnh nhưng Đảng bộ TP. Vị Thanh vẫn quyết tâm xây dựng Tân Tiến thành xã NTM. Từ đó, nhiều chương trình của tỉnh đã được lãnh đạo thành phố, xã chỉ đạo lồng ghép thực hiện để xây dựng NTM như: chương trình kiên cố hóa trường lớp; chương trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo; chương trình phát triển cơ sở hạ tầng GTNT…

Với những cách làm sáng tạo, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân nên bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống được nâng lên rõ rệt.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi vào tháng 10/2010, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành kế hoạch về việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Tân Tiến chính thức được chọn là 1 trong 11 xã điểm của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Chính quyền và nhân dân xã Tân Tiến quyết tâm thực hiện thành công xã NTM theo chuẩn tiêu chí quốc gia trong giai đoạn 2011-2015.

Bắt tay thực hiện, Tân Tiến có nhiều lợi thế nhờ vào vị trí là xã ngoại thành, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục được đầu tư nhiều năm liền. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với các Sở, ngành; đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM TP. Vị Thanh nên các chủ trương, chính sách được triển khai kịp thời từ trong nội bộ Đảng ra đến quần chúng nhân dân.

Từ đó, tạo được sự đồng thuận cũng như phát huy được sức mạnh tổng thể từ người dân.

Thay đổi chưa từng thấy

Có mặt tại buổi lễ công nhận xã NTM, bà Nguyễn Thị Thảo Lan, nhà ở ấp Mỹ Hiệp 3, phấn khởi nói: “Mấy chục năm gắn bó với vùng đất này, chưa bao giờ tôi thấy bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng như hôm nay. Trước đây, đời sống của người dân nơi đây rất vất vả, SX không hiệu quả do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ. Giao thông đi lại cũng rất khó khăn, đường thì nhỏ hẹp, nắng thì bụi bay mù trời, mưa thì sình, lầy.

Vậy mà chỉ có mấy năm triển khai phong trào xây dựng NTM, đường sá được mở rộng, nâng cấp, làng xóm khang trang sạch đẹp hẳn lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ SX được đầu tư, các mô hình mới được triển khai nên năng suất, hiệu quả đều tăng cao. Các dịch vụ công như trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, vui chơi giải trí được xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc gia, phục tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Vì vậy, ai ai cũng thấy tự hào và hãnh diện khi được sống trong xã NTM”.

SX phát triển khiến đời sống người dân ấm no

Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu không ngừng của chính quyền và người dân xã Tân Tiến, và việc tổ chức lễ công nhận Tân Tiến đạt chuẩn quốc gia về NTM là phần thưởng xứng đáng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng đó. Tuy nhiên, mọi người đều ý thức được rằng, đây mới chỉ là thành quả bước đầu, là “quả ngọt đầu mùa”, nhiệm vụ bảo vệ và phát huy hơn nữa thành quả xã NTM vẫn còn
ở phía trước.

Cùng niềm vui trên, ông Phạm Văn Hai, ở ấp Mỹ Hiệp 2 chia sẻ: “Từ khi bắt tay xây dựng NTM đến nay xóm, ấp như được thay da đổi thịt. Nông dân được cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, giới thiệu mô hình làm ăn hiệu quả nên thu nhập được cải thiện.

Đời sống kinh tế khá lên, người dân đã mạnh dạn góp công, góp của, có người còn tự nguyện hiến đất để làm các công trình phúc lợi. Giao thông được thuận lợi, dịch vụ về tới tận nhà, giờ sống ở quê cũng chẳng thua gì ở thành phố, cần mua thứ gì chỉ cần gọi cuộc điện thoại là họ mang tới tận nhà”.

Theo ông Mun, Tân Tiến có được bộ mặt như ngày hôm nay là sự đồng thuận của người dân trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ KHKT vào SX, phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Không tự mãn

Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Phạm Văn Mun cho rằng: “Được công nhận đạt chuẩn xã NTM chỉ là bước khởi đầu, là nấc thang đầu tiên trên con đường xây dựng cuộc sống nông thôn giàu có, văn minh, hiện đại.

Nhiệm vụ tiếp theo của xã là phải xây dựng các giải pháp để nâng chất các tiêu chí đã đạt được. Cả chính quyền và người dân đều phải nỗ lực hơn nữa trong việc giữ vững danh hiệu xã NTM, tuyệt đối không được tự mãn với những gì đã đạt được, để rồi dậm chân tại chỗ, tụt lùi”.

Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh Nguyễn Thiện Nhơn cũng khẳng định: “Phấn đấu trở thành xã NTM chỉ trong một thời gian ngắn là thành tích đáng khen ngợi. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước nên chính quyền xã NTM Tân Tiến cần phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa. Đặc biệt là phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo; tiếp tục nhân rộng các mô hình mô hình SX hiệu quả để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân…

Qua đó, tạo sự đồng thuận và phát huy được sức mạnh tập thể của quần chúng nhân dân nhằm nâng cao chất lượng đồng bộ 19 tiêu chí, giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả của xã NTM”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm