| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn NTM: Sư thầy thành điển hình

Thứ Sáu 09/05/2014 , 07:00 (GMT+7)

Những người dân quanh chùa xác nhận sư thầy Thích Đàm Tuyết chỉ dùng chừng mươi, mười lăm ngàn cho cả ngày ăn, còn tiền công đức đem giúp đỡ hết.

10-19-48_dsc_7238Sư thầy Thích Đàm Tuyết

Người đàn bà gầy gò, đầu đội nón mê, mình phong phanh manh áo vá, một tay dắt đứa lớn chừng dăm tuổi, một tay quắp đứa nhỏ hãy còn đỏ hỏn bước vào cái sân chùa lát gạch.

Bàn tay chị ngập ngừng mãi mới khẽ đẩy chiếc chốt gỗ nơi cánh cửa phòng sư thầy và nói: “Bạch thầy, thầy cho gọi con đến có chuyện gì ạ?”. Sư thầy chùa thôn Dị Thích Đàm Tuyết thấy tiếng người, ngừng miệng nhai trầu, nhẹ nhàng hỏi: “Mấy mẹ con nhà chị Tết này đang phải ăn cháo sắn à?”.

Người đàn bà quê mùa bỗng giật mình: “Sao thầy lại biết ạ? Chồng con hi sinh, nhà neo người, con lại hậu sản, ốm yếu luôn nên không làm được mấy công điểm”. Sư bảo: “Nhà chị lại đây ta đưa cho thúng thóc về mà ăn Tết”.

Cái thúng thóc đã cứu mấy mẹ con người đàn bà nọ thoát khỏi những chuỗi ngày dài sáng, trưa, chiều tối chỉ húp cháo sắn, cháo su hào. Cái thúng thóc làm cho lũ trẻ con khỏi mơ về một bữa cơm trắng đánh thật no đến căng cả rốn, phồng cả bụng.

Cái thúng thóc càng trở nên ý nghĩa hơn khi chị biết sư thầy khi ấy cũng neo túng như bao phận người thời bao cấp. Bốn sào ruộng nhang đăng của chùa đã bị xung công, muốn có được mười hai cân thóc hợp tác xã điều hòa cho mỗi tháng sư phải đem tiền đến mà xin mua.

Nhưng tiền ở đâu ra giữa lúc các con nhang, đệ tử đều lo miếng ăn còn chật vật? Vậy là sư cũng phải quần quật, cũng phải trần ai như thường.

Bà đắp lò, vớt bèo nấu một vạc cám to nuôi lợn, chăm gà. Bà xung phong vào tổ lâm nghiệp địa phương tối ngày vác cuốc vác thuổng đi trồng cây khắp bờ trên, bãi dưới.

“Khỏe thì không sao nhưng bao giờ cụ thấy khó chịu trong người thì cứ về để dân làng chúng con được dịp báo hiếu nhé”. Đúng là lời nói, gói vàng! Tôi đã xa thôn Dị mấy chục năm rồi mà tình cảm dân làng còn như thế thì có gì quý bằng?”, lời sư thầy 
Thích Đàm Tuyết.

Mười hai cân thóc hợp tác cho mua mỗi tháng nhận về bà đâu dám ăn hết bởi: “Cửa Phật là cửa rộng, cửa từ bi, cửa cứu nhân độ thế. Là người xuất gia tu hành mình có bát cơm ăn mà người ta đói cũng phải nhường cho được bát cháo”.

Cậu bé năm nào bám tay mẹ vào chùa nhận thóc giờ đã là Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu (Thạch Thất, Hà Nội). Anh Nguyễn Văn Xuân kể: “Không bao giờ anh em chúng tôi quên được ơn của sư thầy vì đã mấy lần mang thóc đến cứu giúp lúc khó khăn cả”.

Rất nhiều gia đình ngày trước trong thôn Dị đói vàng hai con mắt, đói nhão cả da bụng đã được sư thầy giúp đỡ lúa gạo hay cho vay thảo (vay không tính lãi) như vậy. Tình cảm giữa đời và đạo phật như một cái cây được tưới tắm kỹ càng, ngày một tươi xanh.

Làng có 300 bà vãi, bởi quý sư nên lắm người gửi vía con mình vào chùa. Sư không con nhưng lại trở thành người có lắm con mày (con khó nuôi được bố mẹ gửi vía vào chùa để cầu phúc). Sư không có gia đình riêng nhưng lại trở thành người có một gia đình chung rộng lớn.

Đem chuyện đó kể lại cho sư thầy, bà chỉ cười hiền hậu, vết trầu đỏ thắm trên môi: “Tôi làm ơn không phải để cho người ta thọ ơn. Người xưa đã nói rằng “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Phật”.

10-19-48_dsc_7232
Cảnh chùa thôn Dị

Đất đai giờ là của nhà nước, chùa là của dân, sư thay Phật đến giúp đỡ người dân chứ chùa không phải là tài sản của sư như một số người nhầm tưởng. Đã là người xuất gia phải tu hành khổ hạnh chứ ai bảo đi tu là để ăn sung, mặc sướng? Đi tu là để giúp đỡ gia đình?”.

Những người dân quanh chùa xác nhận với tôi rằng sư thầy chỉ dùng chừng mươi, mười lăm ngàn cho cả ngày ăn còn tiền công đức lại đem giúp đỡ người nghèo, người hoạn nạn hoặc tu bổ di tích hết.

"Trong công cuộc xây dựng NTM ngày nay, bảo tồn văn hóa truyền thống, di tích lịch sử là một trong những yếu tố rất quan trọng. Khi thành phố có hướng dẫn khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM, xã chúng tôi xét thấy sư thầy Thích Đàm Tuyết có đủ tiêu chuẩn mới đề nghị lên. Vì thế trong 185 tập thể, cá nhân được Hà Nội khen thưởng đợt vừa rồi có tên sư thầy”, anh Nguyễn Văn Xuân. 

Đã gần ba mươi năm bà xa đất Dị Nậu để lên tu tại chùa bà Nành (một trong bốn chùa bà độc đáo ở Hà Nội gồm bà Ngô, bà Nành, bà Đanh, bà Đá). Giữa chốn phồn hoa của kinh kỳ bà nhưng chưa bao giờ sư cụ quên ngôi chùa gắn với thủa bần hàn, khốn khó.

Bà kể rằng Bảo Quang tự (tên chùa thôn Dị) vốn do Tây Kỳ Vương là người đầu tiên tạo dựng… Lại được Hiền Thượng công chúa là cung phi Thụy Hậu nhớ đến công đức lớn lao của tổ tông, phát tâm bồ đề công đức hai khoảnh ruộng và một cái ao.

Công chúa còn hiến mười cân vàng bạc, sai giai nhân đem về quê hương bản quán để trùng tu chùa. Thiện tâm vô lượng, công đức vô biên. Công việc xong xuôi bà lại cho sửa tô tượng Phật, lập vườn trúc cảnh giới chẳng khác gì cực lạc phương tây.

Lịch sử của chùa thôn Dị có lắm cái kỳ lạ. Tương truyền dưới nền chùa có ngôi mộ cụ tổ họ Nguyễn sinh ra Tây Kỳ Vương Nguyễn Ngọc Kính và Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn.

Bởi thế ba pho tượng tòa tam thế của chùa không được đặt ngồi sát vách tường mà đặt ở phía sau, cách một khoảng trống. Bởi thế các bức tường chùa trước đây đắp bằng vôi, bằng rơm nhưng lại kiêng không đào móng sâu xuống đất để khỏi phạm vào mồ mả tiền nhân.

Trước kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử, Bảo Quang tự đã được Bộ Văn hóa trước đây xếp hạng di tích năm 1991 nhưng vì tuổi đã ngót 400 năm nên chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Khu thượng điện và hậu cung gỗ mái, vì kèo dột nát, mối mọt xông, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Sư thầy Thích Đàm Tuyết lo lắm!

Thế nên khi địa phương có chủ trương cho tu sửa lại di tích, bà liền hưởng ứng ngay. Ngoài công đức 120 triệu đồng cho chùa, sư còn vận động, lôi cuốn được nhiều người dân trong vùng ủng hộ thêm được gần 1 tỉ đồng.

Nói về chuyện này, anh Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch xã Dị Nậu, cho biết: "Sư thầy Thích Đàm Tuyết có uy tín lớn đối với dân làng. Tuy ở xa nhưng bà vẫn tham gia ủng hộ các quỹ nhân đạo, các hoạt động xã hội ở địa phương rất đều, rất nhiệt tình. Lúc công đức sư không nặng về thành tích nên mới xin giấu tên nhưng người tiếp quản vẫn ghi danh bà vào sổ".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm